Phát huy hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (20:19 31/05/2018)


HNP - Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh tích tụ ruộng đất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất


Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do đô thị hóa và sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường khi hội nhập, việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu. Để làm được nông nghiệp công nghệ cao cần có vai trò của đầu tàu của doanh nghiệp trong việc đầu tư sản xuất, đào tạo, kết nối và dẫn dắt các hộ nông dân đi lên nền sản xuất hiện đại.
 
Huyện Thạch Thất là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội trong việc khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Thạch Thất đã tạo điều kiện thuận lợi về đất đai cũng như tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho các chủ trang trại đầu tư mở rộng sản xuất. Như tại xã Tiến Xuân, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở thôn Trại Mới đang mang đến diện mạo mới cho khu vực nông thôn nơi đây. Mô hình đã tạo ra các sản phẩm sạch như: Trứng gà chống ung thư, tảo xoắn, trồng rau thủy canh siêu sạch theo công nghệ Nhật Bản..
 
Ông Đinh Công Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất cho biết: Trước đây, xã không có nguồn thu, vì vậy, dựa trên cơ sở các cơ chế chính sách đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xã đã tạo điều kiện để cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, các đơn vị hoạt động phải đảm bảo điều kiện không ảnh hưởng đến đất công, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không ảnh hưởng đến các khu dân cư. Lãnh đạo xã cũng cho biết thêm “việc xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động của địa phương với thu nhập hơn 4 đến 5 triệu đồng/tháng”.
 
Ngoài 2 mô hình công nghệ cao tiêu biểu như mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Lạc Hòa và Trang trại Hoa Viên tại xã Tiến Xuân, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định như: Mô hình nuôi lợn rừng trên 1.000 lợn nái sinh sản kết hợp nuôi giun trùn quế và trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng ở xã Yên Bình; mô hình trồng nấm Đông trùng hạ thảo, nấm Linh chi diện tích 1.000m2 ở xã Đại Đồng; mô hình hoa Ly 12 ha và mô hình trồng hoa đồng tiền 3000 chậu tại xã Đại Đồng cho thu nhập kinh tế rất cao và ổn định.
 
Ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: Hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện được cho là hướng đi đúng đắn, huyện cũng có chính sách tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, trong đó, có hỗ trợ về vốn, xây dựng hệ thống điện, giao thông, tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn huyện.
 
Đến nay, toàn Thành phố Hà Nội đã có 120 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 14 mô hình so với cuối năm 2017. Trong đó các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thanh Oai có 9 mô hình, Phúc Thọ có 8 mô hình, Đông Anh có 8 mô hình... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội.
 
Để đạt được kết quả đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động của các địa phương trong việc định hướng, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ðây là những minh chứng cụ thể, sống động để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô thì việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, nhất là chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm còn rất rộng mở và Thành phố sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t