Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh, lao động (10:21 17/05/2018)


HNP - Công tác ATVSLĐ trong những năm gần đây luôn được các cấp, ngành của Thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên, để đạt được những kết quả tích cực hơn nữa vẫn cần sự phối kết hợp từ người lao động đến các cơ quan, doanh nghiệp và cả các cấp quản lý trên địa bàn.

Khối Y tế trong Lễ phát động Tháng ATVSLĐ


Theo thống kê, năm 2017, trên cả nước có 8.956 vụ tai nạn lao động làm 9.173 người bị nạn, trong đó, có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng đã xảy ra. Riêng Thành phố Hà Nội xảy ra 254 vụ tai nạn lao động, làm 269 người bị thương vong. Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (có người tử vong) giảm 10 vụ, số người chết giảm 12 người, số người bị thương nặng tăng 53 người so với năm 2016. Số người mắc bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2017 là 81 người… 
 
Năm 2018, Tháng hành động về ATVSLĐ được chọn với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” được xem như là điểm nhấn để nhắc nhở các cấp, ngành, đoàn thể tăng cường quản lý, tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công ATVSLĐ. Qua đó, phát động phong trào sâu rộng để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt Luật ATVSLĐ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động cũng như bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của nhân dân. 
 
Ngay từ những tháng đầu năm, Sở LĐTB&XH TP đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành nhiều kế hoạch, giải pháp hiệu quả, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Phối hợp tuyên truyền Luật ATVSLĐ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Lan tỏa sâu rộng các phòng trào về ATVSLĐ, trong đó có phong trào thi đua “xanh - sạch - đẹp", đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, định kỳ làm tốt công tác sơ kết, tổng kết công tác ATVSLĐ và kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, các cấp chính quyền địa phương…
 
Có thể nói, nhờ những giải pháp tích cực nên số vụ tai nạn lao động đã được kiềm chế, song nhiều nguy cơ vẫn tiềm ẩn mà nguyên nhân đến từ lý do khách quan và chủ quan. Về phía người sử dụng lao động, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ mà chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; Không cập nhật các văn bản pháp luật của Nhà nước quy định về công tác ATVSLĐ; Trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân còn thiếu, không đúng chủng loại, chất lượng không đảm bảo theo đúng quy định; Chưa thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật với những lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 
 
Nhiều doanh nghiệp không chủ động tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, đo kiểm tra môi trường lao động chỉ khi có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp mới triển khai thực hiện. Một số doanh nghiệp không cử người làm công tác ATVSLĐ, cán bộ y tế hoặc có nhưng trình độ chuyên môn chưa đúng, chưa phù hợp theo quy định nên chưa tham mưu, tư vấn cho chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về công tác ATVSLĐ…
 
Bên cạnh nguyên nhân từ phía đơn vị sử dụng lao động, những nguyên nhân xuất phát từ phía người lao động là do trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, ý thức, tác phong công nghiệp hạn chế, còn ảnh hưởng nhiều của phong tục, tập quán địa phương. ý thức chấp hành pháp luật về ATLĐ của người lao động còn hạn chế; thể hiện ở chỗ mặc dù người lao động đã được huấn luyện về ATVSLĐ song vẫn còn chủ quan, làm bừa, làm ẩu, vi phạm quy trình, quy định an toàn gây tai nạn lao động.
 
Để công tác ATVSLĐ phát huy hiệu quả, các chuyên gia lao động đề nghị cần phải nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động một cách thực chất. Vì thế, trong công tác huấn luyện ATVSLĐ phải đi sâu và hướng dẫn cho người lao động biết cách nhận thức và thấy rõ được những nguy hiểm để phòng ngừa tai nạn lao động. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ. Nâng cao chế tài xử phạt nghiêm và nặng hơn quy định hiện hành, thậm chí đóng cửa nhà máy để các chủ sử dụng lao động phải tuân thủ quy định ATLĐ.
 
Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền. Theo đó, các sở, ngành phối hợp cùng với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ cho người sử dụng lao động nhất là những đối tượng lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do), làng nghề và người lao động làm việc trong môi trường có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Đặc biệt, triển khai tốt Tháng hành động vì ATVSLĐ của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t