Hà Nội: Đồng bộ giải pháp ứng phó chống úng ngập trong nội thành (10:28 11/05/2018)


HNP - Mùa mưa bão đã cận kề, người dân nội thành Hà Nội lại thấp thỏm âu lo tái diễn tình trạng ngập lụt. Thực tế, tình trạng ngập lụt đô thị xảy ra do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vậy phương án nào chống ngập cho nội thành trong mùa mưa năm nay.


Hệ thống thoát nước chưa đồng bộ

Qua thực tế theo dõi những năm qua và năm 2017, sau mỗi trận mưa lớn từ 50 đến 100mm/2 giờ, trên các tuyến phố chính khu vực nội thành tồn tại 18 điểm úng ngập cục bộ. Ngoài ra, còn tồn tại các điểm ngập cục bộ khác trên một số tuyến thuộc thị trấn các huyện và trong ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành. Các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), quốc lộ 32, quốc lộ 21B, trên đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn Ngã ba Thiên đường Bảo Sơn và tại một số vị trí hầm chui dân sinh tại km8+350, km9+800, km10+56, km10+325, km11+000) cũng xảy ra ngập cục bộ... Đây là những tuyến mới được tiếp nhận bàn giao theo phân cấp, hệ thống thoát nước hoạt động kém hiệu quả, chưa đồng bộ. Nhiều đoạn đã xuống cấp, một số vị trí chưa có hệ thống thoát nước đô thị gây ra tình trạng úng ngập cục bộ.

Mặt khác, hệ thống thoát nước của Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày. Còn lại các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước như: Khu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, một phần Bắc Từ Liêm. Các khu vực đô thị mới vẫn còn tình trạng úng ngập cục bộ khi có mưa lớn do tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt. Hơn nữa, một số trạm bơm tiêu chính và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa, Trạm bơm Liên Mạc giai đoạn 1 với công suất 90m3/giây, Trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/giây, Trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối công suất 65m3/giây chưa được đầu tư xây dựng. Sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét và kè đến cốt thiết kế cũng là những nguyên nhân chính không bảo đảm được công tác thoát nước cho thành phố.

Năm qua, thành phố đã triển khai giải quyết 8/18 điểm úng ngập, các điểm úng ngập còn lại, một số đã và đang triển khai dự án có liên quan đến cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước, khi hoàn thành sẽ giải quyết được tình trạng úng ngập. Đơn cử, đã giải quyết triệt để 3 điểm úng ngập tồn tại nhiều năm trên địa bàn thành phố như: Ngã ba Phan Đình Giót - Quang Trung; đường Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa, ngã ba Ba La); đường Cổ Linh (Long Biên). Dự báo, mùa mưa năm nay, với cường độ mưa từ 50 đến 100mm trong 2 giờ, các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại 15 điểm úng ngập. Ngoài ra, các điểm ngập cục bộ tồn tại do mới tiếp nhận bàn giao như: Các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, các tuyến như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), quốc lộ 32, quốc lộ 21B, trên đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn Ngã ba Thiên đường Bảo Sơn và tại một số vị trí hầm chui dân sinh tại km8+350, km9+800, km10+56, km10+325, km11+000)... sẽ gây khó khăn cho đời sống dân sinh và các phương tiện tham gia giao thông.

Chủ động ứng phó kịp thời

Đánh giá về diễn biến mùa mưa năm nay, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, sẽ có những phức tạp, bởi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, năm 2018 tiếp tục là năm có thời tiết diễn biến thất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn. Tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến Hà Nội có xu thế tăng, mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hằng năm, trong các tháng cao điểm mùa mưa có xu hướng tăng dần từ 5 đến 10%.

Từ trạng hệ thống thoát nước thành phố, dự báo diễn biến thời tiết năm 2018, Sở Xây dựng đưa ra các giải pháp chống úng ngập khu vực nội thành. Đáng chú ý, thành phố sẽ lắp đặt 15 camera giám sát điểm úng ngập; từng bước xây dựng hệ thống mô phỏng các điểm úng ngập nhằm đưa ra giải pháp xử lý giảm thiểu úng ngập. Cùng với đó, hoàn thiện trước mùa mưa công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có. Công tác ứng trực 24/24h giải quyết thoát nước khi mưa cũng được đặc biệt quan tâm, nghiêm túc triển khai theo kế hoạch; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh các sự cố xảy ra khi có mưa bão nhằm nắm bắt thông tin diễn biến và tình hình úng ngập trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Thành phố chỉ đạo các ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới gồm 72 xe hút, xe stec, phản lực; 20 máy bơm chìm từ 100 đến 150 m3/giờ; 11 máy phát điện 5-30KVA; 1 tổ xe bơm di động 1.000 m3/giờ, 2 xe bơm di động 1.800 m3/giờ, 8 tổ máy bơm di động từ 200 đến 300 m3/ giờ và hơn 100 ô tô chuyên dùng, máy xúc, xe tải cẩu... Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên 15 điểm nguy cơ xảy ra úng ngập đối với các trận mưa có cường độ 50mm trong vòng 2 giờ để có giải pháp tiêu thoát kịp thời, giải quyết xử lý nhanh giảm thời gian và chiều sâu úng ngập còn tồn tại. Theo dõi các điểm nguy cơ úng ngập cục bộ tại các ngõ ngách, nhất là các điểm ngập sâu trong các ngõ xóm với các trận mưa có cường độ 50mm trong vòng 2 giờ để có biện pháp khắc phục kịp thời, bố trí thiết bị bơm hút giảm thiểu úng ngập.

Ngoài ra, Sở Xây dựng tập trung đôn đốc bàn giao, tiếp nhận công trình thoát nước đã hoàn thành; đồng thời, đôn đốc, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến đô thị công các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước; kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, phối hợp với sở, ngành liên quan vận hành hợp lý giữa hệ thống thoát nước khu vực nội thành và ngoại thành theo các giải pháp đã được thống nhất, trong đó ưu tiên giải quyết úng ngập cho khu vực nội thành; phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm úng ngập khi có mưa lớn... Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền, thông tin về các điểm úng ngập xảy ra khi lượng mưa vượt thiết kế của hệ thống thoát nước để nhân dân chủ động phòng tránh và tăng cường ý thức cộng đồng về việc bảo vệ hệ thống thoát nước, chống xâm hại, lấn chiếm, đổ rác và phế thải vào hệ thống thoát nước.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t