Trưng bày triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến” (14:38 26/04/2018)


HNP - Nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2018), sáng 26/4, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến”.

Một góc trưng bày tại triển lãm


Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Thư, Nhật ký tiêu biểu viết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, được chia làm 3 phần. Cụ thể, phần mở đầu giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã viết để cổ vũ động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong hai cuộc kháng chiến để giành độc lập, tự do của Tổ quốc.

Phần trưng bày được chia làm 2 nội dung. Bao gồm: “Thư thời chiến”, trưng bày một số tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Thư thời chiến được viết tại chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Mỗi lá thư viết từ chiến trường gửi về hậu phương có bối cảnh, tâm thế, trạng thái riêng, nhưng tất cả đều thể hiện cuộc sống, chiến đấu, tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ thương da diết người thân; là lời động viên, căn dặn người thân ở hậu phương hãy yên tâm để các anh vững tay súng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

Ở phần trưng bày “Nhật ký thời chiến”, giới thiệu một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật là những cuốn nhật ký được viết tại chiến trường; trong đó có cả nhật ký được vẽ bằng tranh, chứa đựng tình yêu thương, nỗi nhớ, niềm tâm sự trên đường đi chiến đấu trong hành trang của người chiến sĩ. Qua đó thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, lý tưởng của thanh niên thời chiến, ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và sự khốc liệt của chiến tranh.

Đại biểu tham quan triển lãm

Đặc biệt, tại triển lãm lần này còn trưng bày nhật ký “Chuyện đời” của Nguyễn Văn Thạc; sách nhật ký của Đặng Thùy Trâm; nhật ký của chị Lê Thị Riêng,... những cuốn nhật ký trở về, đó là những cuốn nhật ký của cán bộ, chiến sỹ do điều kiện, hoàn cảnh chiến tranh đã thất lạc được những người lính bên kia chiến tuyến thu nhặt và lưu giữ. Chiến tranh lùi xa nhưng thời gian không làm những người lính bên kia chiến tuyến quên đi những ký ức buồn về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, những trang nhật ký “đầy lửa và chất thép” đã cảm hóa, thức tỉnh, dẫn dắt những người lính bên kia chiến tuyến, tìm kiếm, trả lại những cuốn nhật ký cho chủ nhân hoặc thân nhân của nó.

Triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến”  nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn những tâm tư tình cảm, tình yêu quê hương đất nước của người chiến sĩ; tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin chiến thắng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đồng thời, là sự tri ân, tôn vinh những chiến công, sự hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giúp công chúng hiểu rõ hơn những tâm tư, tình cảm, tình yêu quê hương đất nước của người chiến sĩ. 

Các phần trưng bày tại triển lãm cũng cho chúng ta thêm một cách tiếp cận về chiến tranh với tình yêu quê hương đất nước, con người và thiện chí hòa bình để cuộc chiến tương tự không lặp lại nữa. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t