Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp: Việc cần làm ngay (11:46 01/05/2018)


HNP - Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chất lượng hoạt động của nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP Hà Nội được cải thiện. Không chỉ giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nông dân, các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn hoạt động khá hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần sớm được củng cố, tháo gỡ khó khăn để HTX nông nghiệp phát triển bền vững.

Nhiều chuyển biến tích cực

Toàn thành phố có 907 HTX nông nghiệp, chiếm 58,5% tổng số HTX, trong đó, có 863 HTX dịch vụ nông nghiệp, 11 HTX chăn nuôi, 7 HTX thủy sản, 26 HTX chuyên trồng rau, cây ăn quả, nấm... Sau chuyển đổi mô hình hoạt động, tổ chức bộ máy quản lý của các HTX đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Trung bình, bộ máy quản lý HTX có từ 11 đến 15 người. Đối với HTX thành lập mới, số lượng cán bộ từ 8 đến 10 người. Trong đó, Hội đồng quản trị 3 người, ban kiểm soát từ 1 đến 3 người, cán bộ chuyên môn từ 4 đến 5 người và tổ trưởng, đội trưởng từ 3 đến 4 người. Số cán bộ có trình độ trung cấp trở lên trong Hội đồng quản trị chỉ chiếm 28,5%, ban kiểm soát chiếm 16,2%, kế toán chiếm 45,5%. Qua thống kê, tổng số thành viên HTX là 1.018.284 người, hầu hết là hộ gia đình nông dân tham gia. Các HTX chuyên ngành có số thành viên ít hơn nhưng đều là người lao động trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp hoặc chủ trang trại.

Nhiều HTX trên địa bàn thành phố đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân, làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất. Trong số các HTX nông nghiệp, có 65% HTX có dịch vụ tưới tiêu, 3% HTX có dịch vụ điện, 40% HTX có dịch vụ bảo vệ thực vật, 20% HTX có dịch vụ thú y, 8% HTX có dịch vụ làm đất. Một số HTX đã mở rộng thêm các dịch vụ về vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt, quản lý chợ. Không chỉ bảo toàn và tăng trưởng vốn quỹ, không ít HTX còn thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều hành sản xuất, tổ chức tập huấn, trình diễn mô hình đầu bờ về quy trình kỹ thuật thâm canh cây trồng, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, bảo vệ đồng ruộng, tu sửa, kiên cố hoá kênh mương nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian qua, hoạt động của mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp phần nào đã giúp cho các HTX trên địa bàn thành phố vượt qua những khó khăn trong sản xuất, thực hiện tốt việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, các HTX còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện dồn điền đổi thửa, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống cho xã viên, đơn cử như HTX Nông nghiệp Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), HTX Nhị Khê (huyện Thường Tín), HTX Đại Thắng (huyện Phú Xuyên), HTX An Mỹ (huyện Mỹ Đức)... Nhiều HTX đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể như: Gạo chất lượng cao T10 tại HTX Đại Thắng (huyện Phú Xuyên), khoai lang Hoàng Long của HTX Dịch vụ Trị Lai, xã Đồng Thái (huyện Ba Vì)...

Đồng bộ nhiều giải pháp

Tuy nhiên, vẫn còn không ít mặt tồn tại, yếu kém trong hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Trước hết dễ nhận ra là năng lực, cơ sở vật chất hiện có của các HTX chuyển đổi và thành lập mới còn hạn chế, nhất là HTX quy mô thôn chưa có trụ sở làm việc, không có địa điểm để mở rộng ngành nghề kinh doanh. Điểm chung là các HTX đang trong tình trạng thiếu vốn hoạt động, việc vay từ kênh ngân hàng hay các kênh tài chính khác thường gặp khó khăn do không có tài sản thế chấp; việc huy động vốn góp của HTX cũng không dễ gì do các hộ thành viên còn nghèo hoặc có tâm lý lo ngại HTX hoạt động như mô hình cũ. Đầu ra cho sản phẩm của xã viên cũng không ổn định, thiếu sức cạnh tranh. Một số HTX còn thu dịch vụ theo đầu sào canh tác nông nghiệp. Các dịch vụ chế biến, tổ chức sản xuất, kinh doanh còn ít HTX làm được. Còn nhiều HTX chưa mở rộng liên kết giữa các HTX trên địa bàn và liên kết với doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để khắc phục thực trạng trên, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể từ nay đến năm 2020, thành phố đã đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Trước hết, tập trung đổi mới, phát triển, nâng cao vai trò hiệu quả hoạt động của các HTX, từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở. Phấn đấu duy trì và nâng chất lượng các HTX hoạt động trung bình lên khá, các HTX hoạt động khá lên tiên tiến. Phát triển và nhân rộng các mô hình mới, HTX điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh hiệu quả và tập trung xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực với quy mô lớn của thành phố gắn với tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đáng chú ý, UBND thành phố vừa phê duyệt Đề án "Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020". Theo đó, trong năm 2018, thành phố đặt mục tiêu phấn đầu có 100% số HTX nông nghiệp tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012; 60% HTX hoạt động khá trở lên, HTX yếu kém còn lại dưới 10%; không còn HTX không hoạt động; xây dựng 3 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng 2 mô hình HTX liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; 100% cán bộ chủ chốt được bồi dưỡng, bổ sung các kiến thức về HTX và pháp luật liên quan...

Nhằm thực hiện Đề án thành công, các nhóm giải pháp được thành phố tập trung thực hiện gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế chính sách; huy động các nguồn lực; tăng cường đào tạo bồi dưỡng; nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước và HTX; phát huy vai trò của Liên minh HTX và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán các hoạt động của HTX. Cùng với đó, thành phố triển khai quyết liệt với tinh thần đổi mới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Xác định nhu cầu đào tạo nghề tập trung cho lao động của các doanh nghiệp nông nghiệp; lực lượng quản lý và thành viên HTX nông nghiệp...


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t