Xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới (15:00 12/04/2018)


HNP - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp, góp phần làm tốt hơn công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW


Làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động
 
Vừa qua, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 04/4/2008 của Thành ủy Hà Nội (Khóa XIV) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Một trong những kết quả nổi bật là nhận thức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân được nâng lên; các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp được củng cố, phát triển…
 
Trong 10 năm qua, Liên đoàn Lao động Thành phố đã phối hợp tổ chức trên 1 nghìn buổi tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới trên 300 nghìn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ). Cùng đó, các cấp công đoàn cũng tổ chức gần 35 nghìn buổi tuyên truyền về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, BHYT, BHTN... tới gần 10,5 triệu lượt người lao động; in và phát hàng triệu sổ tay, tờ rơi, tờ gấp nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động.
 
Liên đoàn Lao động Thành phố cũng phối hợp kiểm tra, thanh tra 1.390 doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, công tác an toàn vệ sinh lao động…, trong đó, hậu kiểm việc nợ đọng BHXH tại 105 doanh nghiệp, thu được gần 450 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng đã phối hợp kiểm tra trên 6 nghìn doanh nghiệp; phối hợp giải quyết kịp thời 59 cuộc tranh chấp lao động; phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho trên 55 nghìn lao động...
 
Đáng chú ý, hàng năm, Liên đoàn Lao động phối hợp với UBND Thành phố tổ chức hội nghị tiếp xúc đối thoại với CNLĐ, cán bộ công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội. Qua đó, gần 200 kiến nghị của CNLĐ và người sử dụng lao động được UBND Thành phố tiếp thu, chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp xem xét giải quyết. Ngoài ra, Thành phố thí điểm xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, phục vụ chỗ ở cho gần 2 vạn công nhân; tạo điều kiện để các chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân tại 2 khu công nghiệp Phú Nghĩa và Thạch Thất - Quốc Oai, cung cấp hàng chục nghìn chỗ ở cho công nhân…
 
Cũng trong 10 năm qua, từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và nguồn hỗ trợ khác, Liên đoàn Lao động Thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 603 “Mái ấm Công đoàn” cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền gần 16,9 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới 7 điểm vui chơi cho trẻ em với số tiền 340 triệu đồng; trợ cấp cho gần 129 nghìn lượt CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức trên 2 nghìn chuyến xe ô tô miễn phí đưa trên 135 nghìn lượt CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết; tổ chức “Tết sum vầy” và thăm và tặng quà các cháu bị bệnh hiểm nghèo với số tiền hơn 55 tỷ đồng.
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
Công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, viên chức lao động cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn quan tâm thực hiện. Nhất là trong việc chỉ đạo các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp mở các lớp dạy nghề, học ngoại ngữ, bổ túc văn hoá cho người lao động; hướng dẫn, chỉ đạo người sử dụng lao động tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho công nhân lao động ngay tại doanh nghiệp phù hợp với thực tế yêu cầu của công việc.
 
Chỉ tính riêng “Chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ”, trong 10 năm qua, đã có trên 580 nghìn CNVCLĐ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, được tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị, ý thức giác ngộ giai cấp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp gắn với phong trào xây dựng cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa, xây  dựng đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô vững mạnh.
 
Đặc biệt, Thành phố đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn; hàng năm ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (trung bình 80 tỷ/năm). Tính đến hết năm 2017, toàn Thành phố có 371 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong 10 năm qua đã đào tạo, cung cấp cho thị trường 1,6 triệu lao động, nâng tổng số lao động qua đào tạo của Thành phố lên 60,7%.
 
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã tổ chức và phát động sâu rộng hiệu quả các phong trào thi đua, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”… Từ thực tiễn các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc được biểu dương khen thưởng. Trong 10 năm qua, đã có 254.424 lượt CNLĐ đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, 18.181 “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở và 895 “Công nhân giỏi Thủ đô”. 
 
Công tác phát triển Đảng trong CNVCLĐ được chú trọng. Tính đến 6/2017, các cấp Công đoàn đã giới thiệu trên 30 nghìn đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp và có 28.765 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức công đoàn và các đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU, gắn với thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” và “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t