Cơ hội mới cho nông nghiệp Hà Nội (14:55 12/04/2018)


HNP - Tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra những cơ hội mới cho ngành Nông nghiệp Hà Nội. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh cũng không hề nhỏ, đòi hỏi ngành Nông nghiệp Thủ đô phải quyết tâm cao, đồng bộ áp dụng nhiều giải pháp cho một "hành trang" vững vàng hơn.

Trồng rau an toàn ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín cho hiệu quả kinh tế cao


Tăng trưởng rõ nét

Chủ động hội nhập thế giới, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ khi đạt mức tăng trưởng khá cao. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, riêng năm 2017, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của thành phố tăng 2%, còn tổng giá trị sản xuất đạt 35.133 tỷ đồng (giá so sánh 2010) tăng 5,17% so với năm 2016, trong đó: Chăn nuôi tăng 8,95%, thủy sản 13,18%. Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp không chỉ chuyển động theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả, mà còn được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao cho năng suất vượt trội. Nhất là trong các lĩnh vực như trồng trọt, đã sử dụng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Các trang trại trồng trọt sử dụng giống mới cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới... Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi chủ yếu áp dụng công nghệ cao từng phần với các hình thức: Công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, ẩm độ ánh sáng; sơ chế, chế biến, bảo quản các sản phẩm chăn nuôi bằng công nghệ bao gói hút chân không, bảo quản lạnh; chế biến sâu các sản phẩm thịt, trứng, sữa thành các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 25% và có 1 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Toàn thành phố có 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó: 65 mô hình ứng dụng công nghệ cao về trồng trọt, giá trị sản phẩn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với cây lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%; 34 mô hình ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi; giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đạt 33,5%. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 4 mô hình dụng công nghệ cao về thủy sản, 2 mô hình về bảo quản chế biến. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đã khẳng định rõ vai trò khoa học và công nghệ trong phát triển, theo hướng hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân tham gia các hội chợ triển lãm như: Hội chợ hàng nông sản do Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức; Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững; phối hợp với hệ thống AEON tổ chức Tuần hàng Hà Nội Việt Nam 2017 tại Nhật Bản... Tổ chức kết nối giao thương đưa sản phẩm nông sản của 3 tỉnh (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ) về Hà Nội tiêu thụ. Đáng nói, thành phố đã xây dựng, duy trì 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (27 chuỗi nguồn gốc động vật, 38 chuỗi nguồn gốc thực vật); đã cấp thí điểm 10 giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thị được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận để tập trung tuyên truyền, quảng bán sản phẩm an toàn theo chuỗi.

Phát triển trọng tâm, trọng điểm

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đạt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng từ 2,5 đến 3%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng 3% trở lên (giá trị sản xuất trồng trọt tăng từ 1,5 đến 1,7%/năm, chăn nuôi tăng từ 4,5 đến 5%, thủy sản từ 7 đến 8%/năm); thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,4%. Để đạt được con số này, đòi hỏi toàn ngành thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, mấu chốt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao. Đồng thời, tập trung phát triển theo các chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, hàng hóa... Theo đó, thành phố sẽ tập trung nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao đạt từ 55.000 đến 60.000ha canh tác; chuyển đổi 1.800ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao. Duy trì vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung với diện tích 5.044ha; rau ứng dụng công nghệ cao 300ha trở lên. Qua đó, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 6 đến 8% tổng giá trị sản xuất rau toàn thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố duy trì phát triển cây ăn quả tập trung với quy mô 9.000ha canh tác, phấn đấu đến năm 2020 có hơn 1.384ha trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, nâng tỷ lệ sản xuất ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 15 đến 20% tổng giá trị sản xuất cây ăn quả. Giữ nguyên diện tích chè hiện có, phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao đạt 556ha, tỷ lệ sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 30 đến 40% tổng giá trị. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố giữ đàn bò thịt ở mức 120 nghìn con (bò sữa từ 15 đến 16 nghìn con); đàn lợn từ 1,6 đến 1,8 triệu con, sản lượng đạt 370 nghìn tấn; gia cầm ổn định 30 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng 100 nghìn tấn. Trong định hướng phát triển, thành phố tập trung đưa giống vật nuôi, phát triển ứng dụng công nghệ cao, phấn đến đến năm 2020, giá trị sản phẩm chăn nuôi được ứng dụng công nghệ cao chiếm 45% giá trị sản xuất chăn nuôi. Cùng với đó, xây dựng 6 vùng nuôi thủy sản tập trung, đưa sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố đạt 105.000 tấn.

Ngoài ra, thành phố ưu tiên các nguồn lực để đến năm 2020 xây dựng được 150 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (62 chuỗi nguồn gốc từ động vật và 88 chuỗi nguồn gốc thực vật); tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% và có thêm 3 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố chỉ đạo ngành Nông nghiệp rà soát, từ đó, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển; đồng thời gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu. Ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp năm nay.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t