Nâng cao chất lượng các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thủ đô (22:22 07/04/2018)


HNP - Sau 6 tháng triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” đã có 520/941 cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện, tuy nhiên, việc triển khai Đề án vẫn gặp nhiều khó khăn. Để Đề án đi vào cuộc sống đòi hỏi các sở, ngành và các quận cần đẩy mạnh hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh trái cây đã thực hiện theo Đề án và triệt để xử lý tình trạng bán rong trên vỉa hè.

Các cửa hàng kinh doanh trái cây được gắn biển nhận diện luôn cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng


Đạt nhiều kết quả nhưng vẫn khó triển khai Đề án
 
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, tính đến hết tháng 3/2018, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có tổng số 941 cửa hàng kinh doanh trái cây. Trong đó, có 817 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 657cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 712 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây; 750 cửa hàng có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc trái cây; 625 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây…
 
Tính đến thời điểm hiện tại, UBND các quận đã cấp biển nhận diện cho 520 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu của Đề án trái cây. Cụ thể: quận Hoàn Kiếm: 26/61 cửa hàng; quận Đống Đa: 46/72 cửa hàng; quận Tây Hồ: 12/58 cửa hàng; quận Bắc Từ Liêm: 33/66 cửa hàng; quận Cầu Giấy: 50/111 cửa hàng; quận Nam Từ Liêm: 30/44 cửa hàng; quận Ba Đình: 36/74 cửa hàng; quận Hai Bà Trưng: 72/100 cửa hàng; quận Thanh Xuân: 70/98 cửa hàng; quận Hà Đông: 38/78 cửa hàng; quận Hoàng Mai: 63/101 cửa hàng; quận Long Biên: 44/71 cửa hàng.
 
Đánh giá về lợi ích từ việc cấp biện nhận diện theo đề án trái cây của Thành phố, ông Bùi Thế Dũng, Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng hoa quả Luôn tươi sạch (72 Trần Thái Tông, Cầu Giấy) cho rằng: Đây là việc mang lại hiệu quả rõ rệt đối với người kinh doanh và người tiêu dùng. Qua biển nhận diện, người tiêu dùng biết đến các sản phẩm của cửa hàng nhiều hơn từ đó doanh thu của các cửa hàng tăng cao hơn thời điểm chưa được gắn biển nhận diện…
 
Mặc dù Đề án đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực nhưng theo Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan: trong quá trình triển khai Đề án vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, kiểm soát chất lượng ATTP, truy xuất nguồn gốc trái cây; Một số hộ kinh doanh trái cây nhỏ lẻ nhận thức về Đề án còn hạn chế nên chưa phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng trong công tác hoàn thiện các thủ tục cũng như điều kiện thực tế để được cấp các loại giấy tờ về ATTP, cấp biển nhận diện…
 
Đặc biệt, một yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến sự thành công của Đề án là đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn còn giữ thói quen tiện đâu mua đấy, chưa chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trái cây dẫn đến thực tế vẫn còn tồn tại các địa điểm kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, không có trang thiết bị bảo quản trái cây, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng trái cây không bảo đảm. Thêm vào đó, công tác thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc còn nhiều khó khăn, vướng mắc (nhất là một số hộ kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc trái cây dẫn đến các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng không có giấy tờ về nguồn gốc. 
 
Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để thực hiện Đề án
 
Để hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội thực hiện theo Đề án, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như: phối hợp với Quỹ Đầu tư Phát triển Thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TP Hà Nội cung cấp thông tin những chương trình, chính sách tín dụng, hoạt động cho vay tại Quỹ Đầu tư và một số ngân hàng thương mại để giới thiệu cho các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn có nhu cầu làm thủ tục vay vốn theo quy định; Tổ chức các hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, giới thiệu, cung cấp thông tin về nguồn cung trái cây an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành có nhu cầu tổ chức kết nối, tiêu thụ. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở đã nhận được danh sách của trên 130 cơ sở, vùng trồng trái cây an toàn do 17 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cung cấp để giới thiệu cho các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận. 
 
Bên cạnh đó, Sở đã làm việc với đại diện của hai nhãn hàng chuyên cung cấp tủ bảo quản SANAKI và ALASKA. Các đơn vị này cam kết hỗ trợ giảm giá bán thiết bị từ 10 - 15% so với giá bán trên thị trường cho các cửa hàng kinh doanh trái cây có nhu cầu mua trang thiết bị...
 
Để giải quyết các hạn chế, tiếp tục triển khai Đề án, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng đề nghị Sở NN&PTNT cần phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc trái cây nhất là trái cây trong nước. Hoàn thiện việc cấp các loại giấy tờ về ATTP đối với các cửa hàng chuyên doanh trái cây thuộc lĩnh vực nông nghiệp quản lý. Duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020. 
 
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng đề nghị các quận cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án trái cây bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả đến người tiêu dùng; tuyên truyền đến các cửa hàng kinh doanh trái cây về các điều kiện để được cấp biển nhận diện. UBND các quận chỉ đạo các phòng, các phường hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, hộ kinh doanh được cấp đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm; rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3-4 đối với cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây trên địa bàn. Đồng thời, rà soát quỹ đất còn trống nhất là các tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh theo đúng quy định, đảm bảo ATTP. Chỉ đạo các lực lượng chức năng quận cần triệt để xử lý việc kinh doanh, buôn bán trái cây trên vỉa hè, lòng đường...

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t