Chương trình bữa ăn an toàn: Mang thực phẩm sạch đến từng mâm cỗ tết (15:17 29/01/2018)


HNP - Với mong muốn giúp người dân Thủ đô được sử dụng những thực phẩm an toàn và chất lượng, mới đây Ban Chủ nhiệm chương trình Bữa ăn an toàn cùng các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm sạch đã về làng nghề làm giò chả, bánh chưng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) để gặp gỡ trao đổi với các nghệ nhân, chính quyền sở tại, cùng chung tay làm ra những sản phẩm chất lượng nhất phục vụ người dân Thủ đô.

Nghệ nhân Vũ Bá Chung cùng các thành niên trong làng gói bánh chưng tết


“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, bánh chưng từ lâu đã là món ăn không thể thiếu của mâm cơm người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về. Bánh chưng Ước Lễ nổi tiếng bởi mùi vị đặc trưng quyện cùng vị ngọt của đỗ xanh, thơm ngậy vị thịt, cùng lá nếp và lá dong. Không ai biết chính xác nghề làm bánh chưng, giò chả tại làng Ước Lễ có từ bao giờ; bởi ngay trên cổng làng - nơi có hoa văn khắc họa chạm trổ tinh tế, đẹp đẽ nhất từ thời nhà Mạc, nay còn lưu giữ bốn chữ do vua Minh Mạng ban “Mỹ tục khả phong” (Phong tục tốt đẹp).
 
Theo các nghệ nhân trong làng, nguyên liệu làm bánh chưng cơ bản đều giống nhau, gồm: Gạo nếp ngon, đỗ xanh và thịt lợn. Nhưng không phải đâu cũng có thể gói đạt được sự tinh tế trong từng khâu, từng bước như ở Ước Lễ.
 
Bánh muốn thơm, dẻo đậm vị cũng từ việc chọn loại gạo nếp ngon. Nếp cái hoa vàng là loại làm bánh chưng ngon nhất. Những hạt gạo trắng, tròn và thơm mùi lúa nếp làm say lòng người góp phần làm nên hương vị thơm ngon của bánh. Xôi bánh chưng muốn ngon thì gạo nếp cần được ngâm từ 5-7 tiếng để hạt mềm và sẵn sàng cho công đoạn gói bánh, đậu xanh chọn hạt to, chắc mẩy, còn thịt nhân bánh phải "sạch", nửa nạc nửa mỡ - được nêm nếm gia vị tiêu chuẩn từ nước mắm cốt truyền thống, cùng hạt tiêu sọ để thịt dậy mùi thơm tự nhiên.
 
Người dân nơi đây chỉ gói bánh bằng tay, nhưng những chiếc bánh vẫn rất vuông vắn, sắc cạnh và đều tăm tắp. Làm bánh đã kỳ công, luộc bánh còn kĩ càng hơn. Để bánh được xanh, thường người dân Ước Lễ đổ thêm nước cho nồi bánh chưng đang nấu, bởi khi thên nước lạnh, bánh sẽ nhanh chín, lá xanh đẹp mắt. Bánh chín vớt ra, cho vào nước lạnh rửa qua để giữ màu xanh ở lá.
 
Nghề làm bánh chưng tuy đã mai một dần ở vùng quê nghèo, ngày nay, ở Tân Ước chỉ còn lại khoảng 10 hộ giữ nghề làm bánh chưng, nhưng nghề không phụ những ai kiên trì theo đuổi. Mỗi cuộc thi gói bánh lớn trên toàn quốc đều có nghệ nhân của Tân Ước tham gia và giành giải cao. Mùa Xuân năm 2008, đoàn nghệ nhân của Tân Ước gồm 5 người tham gia lễ hội gói bánh nhanh ở đất Tổ Hùng Vương, đoàn đã xuất sắc phá kỷ lục rất sâu khi vừa chuẩn bị nguyên liệu, vừa gói xong 10 chiếc bánh chỉ trong vòng 4 phút 37 giây. Sự khéo léo của những người thợ gói bánh trở thành niềm tự hào của người dân Tân Ước.
 
Ngoài nổi tiếng gói bánh chưng xanh, người dân nơi đây còn có món giò đặc sắc không kém. Yếu tố làm nên thương hiệu giò Ước Lễ không chỉ nằm ở sự thơm ngon, an toàn vượt trội mà còn từ chiều dài lịch sử hàng trăm năm không ngừng mày mò, tìm kiếm để món ăn này ngày càng ngon hơn.
 
Trước đây làm giò chả bằng tay, người làng lưu giữ những bí quyết giã thịt sao cho thật dẻo quánh đến mức không dính chày mới được. Sau này, người dân chuyển sang làm bằng máy. Sức lao động được giải phóng, nhưng dân làng vẫn giữ truyền thống của cha ông, đó là gói giò nhất thiết phải bằng lá chuối tây, gói khổ to, không như cách làm giò công nghiệp.
 
Nhằm hỗ trợ Thanh Oai xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp cho sản phẩm giò chả, bánh chưng Tân Ước, chương trình Bữa ăn an toàn do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện đã hỗ trợ đưa các nguồn thực phẩm an toàn về Tân Ước. Chị Hồ Thị Mai Trinh, Chủ nhiệm chương trình Bữa ăn an toàn cho biết: “Nắm bắt nhu cầu thực phẩm sạch hiện nay của cộng đồng, chương trình Bữa ăn an toàn hỗ trợ giới thiệu cho các cơ sở sản xuất bánh chưng Tân Ước những thương hiệu nông sản sạch uy tín như gạo Bảo Minh, thịt lợn nuôi bằng thảo dược Bắc Bình… nhằm mang đến cho cộng đồng những sản phẩm an toàn và chất lượng, không chỉ trong ngày Tết mà còn ở ngày thường, đúng như mục tiêu cuối cùng của chương trình là mang đến những bữa ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân Thủ đô”.
 
Cũng theo chị Hồ Thị Mai Chinh, để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2018 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng miền trên cả nước đến với người dân Thủ đô nhân dịp Tết cổ truyền, mới đây, Ban chỉ đạo Chương trình “Bữa ăn an toàn” đã xây dựng và kế hoạch triển khai “Tuần lễ An toàn thực phẩm Tết 2018” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Theo đó, chương trình sẽ được diễn ra từ ngày 01/02/2018 đến hết ngày 07/02/2018 tại Royal City. Tham dự chương trình, khách hàng sẽ được thăm quan hơn 200 gian hàng với những đặc sản vùng miền không chỉ từ các địa phương của Thủ đô mà còn có đặc sản từ các tỉnh thành khắp cả nước. Đặc biệt, vào ngày 04/02/2018, tham dự chương trình khách hàng sẽ được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân làng nghề Ước Lễ gói bánh chưng xanh và được hướng dẫn gói bánh chưng, gói giò.
 
Anh Vũ Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước cho biết, giò chả, bánh chưng là một nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt. Hiện nay, xã Tân Ước đã dành khoảng 2ha đất để xúc tiến xây dựng thương hiệu làng nghề, chuẩn bị thành lập hiệp hội làng nghề và kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh của địa phương, nhằm giữ chân thanh niên gắn bó và phát triển một nghề truyền thống của địa phương.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t