Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp Hà Nội: Ưu tiên khoa học và công nghệ là then chốt (21:40 30/01/2018)


HNP - Để sử dụng hiệu quả, bền vững đất lâm nghiệp và giải quyết những tranh chấp trong quản lý, sử dụng đất đai, đòi hỏi phải thực hiện tái cơ cấu. Vấn đề đặt ra, TP Hà Nội giải quyết nhiệm vụ này như thế nào để đạt được đa mục tiêu, nhất là giúp người dân yên tâm giữ rừng, nâng cao đời sống cho người trồng rừng.

Tồn tại những bất cập

Dù công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê rừng được thành phố quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn một số bất cập. Đơn cử, đến nay, toàn thành phố đã giao rừng và đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý trên 90% diện tích. Tuy nhiên, theo đánh giá công tác này còn chậm, chưa gắn giao đất, giao rừng với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên hầu hết các chủ rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong giao rừng, cho thuê rừng chưa đánh giá được trữ, chất lượng các lô rừng khi giao... dẫn tới khó thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong bảo vệ và phát triển rừng.

Qua rà soát, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của thành phố phân bổ trên địa bàn 270 thôn, bản, 61 xã thuộc 7 huyện, thị xã. Hiện nay việc phân định mốc giới 3 loại rừng của thành phố bước đầu mới xác định cho 2 khu đặc dụng (Vườn quốc gia Ba Vì và khu rừng di tích lịch sử văn hóa Hương Sơn), còn lại hầu hết ranh giới giữa đất lâm nghiệp và đất sử dụng khác; giữa 3 loại rừng của các địa phương cũng chưa được triển khai. Còn trong công tác khoanh nuôi phục hồi rừng của thành phố chủ yếu triển khai thực hiện trên rừng núi đá tại khu đặc dụng Hương Sơn bình quân 1.000ha/năm. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả giá trị kinh tế và chức năng phòng bộ bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan của rừng cần có những biện pháp lâm sinh tác động thích hợp như làm giàu rừng.

Những năm gần đây, công tác trồng rừng được thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư. Trung bình hằng năm, thành phố trồng rừng mới tập trung từ 200 đến 300ha, trong đó, trồng rừng sản xuất từ 80 đến 100ha/năm và trồng rừng phòng hộ từ 120 đến 200ha/năm. Tuy vậy, diện tích được đầu tư trồng rừng chủ yếu là rừng phòng hộ, diện tích trồng rừng sản xuất, trồng rừng đặc sản.... chiếm tỷ lệ thấp. Trước đây, công tác trồng rừng còn mang nặng yêu cầu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cây trồng đơn giản, chưa chú ý đến chất lượng rừng, vốn đầu tư cho trồng rừng thấp. Những năm gần đây trồng rừng đã được đầu tư cao hơn, trong rừng thâm canh bằng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, song diện tích được đầu tư trồng chưa nhiều...

Nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập trên chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan. Bởi cây lâm nghiệp có chu kỳ kinh doanh dài, phụ thuộc vào thiên nhiên, rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Trong khi kinh phí, suất đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế, chủ yếu mang tính hỗ trợ. Đời sống của nhân dân còn khó khăn, ít có khả năng đầu tư vốn cho trồng rừng. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, trồng rừng và tham gia đầu tư kinh doanh rừng hiện nay trên địa bàn thành phố chưa phù hợp, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp chưa đồng bộ...

Gia tăng giá trị, phát triển bền vững

Trước thực trạng trên, việc tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp của Hà Nội đang được kỳ vọng sẽ phát triển theo hướng bền vững và đem lại giá trị vật chất cho người trồng và bảo vệ rừng. Trao đổi về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, bảo vệ, phát triển rừng phải gắn với phát triển bền vững của các ngành kinh tế và phát triển tổng thể của Thủ đô. Bởi rừng của Hà Nội ngoài chức năng bảo tồn, phòng hộ, còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Do đó phải xác định rõ chức năng của từng khu rừng để bảo vệ và phát triển rừng phù hợp. Phát triển rừng Hà Nội phải toàn diện và bền vững. Việc thực hiện giao đất phải gắn với giao rừng để xác định chủ rừng theo đúng quy định của pháp luật. Ranh giới đất lâm nghiệp, ranh giới các loại rừng chức năng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất phải được xác định rõ trên bản đồ và thực địa. Bảo vệ và phát triển rừng Hà Nội phải đảm bảo tính đồng bộ giữa đầu tư xây dựng các khu du lịch... với đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực giống cây trồng rừng, đặc sản... và công tác quản lý bảo vệ rừng.

Theo định hướng, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 7,5% vào năm 2020 và cùng với các dự án của thành phố để nâng tỷ lệ cây xanh từ 2 đến 3m2/người hiện nay lên từ 8 đến 10m2 vào năm 2020 và năm 2030 con số này đạt từ 10 đến 15m2/người. Về kinh tế: Tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế đặc biệt từ kinh tế đồi rừng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng đồi núi và phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Nâng mức thu nhập bình quân 1ha đất lâm nghiệp từ 10 đến 15 triệu đồng/ha/năm lên từ 40 đến 60 triệu đồng/ha/năm trong giai đoạn 2020 - 2030. Còn về xã hội và an ninh quốc phòng: Tạo công ăn việc làm hàng năm cho người dân địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội vùng đồi núi và thành phố.

Để tái cấu trúc ngành lâm nghiệp hiệu quả, vấn đề đặt ra, thành phố phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về khoa học và công nghệ, vốn đầu tư, cơ chế, chính sách... Trong đó, giải pháp về khoa học và công nghệ được xem là then chốt. Theo đó, thành phố nên quan tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc và bổ sung tập đoàn cây trồng đa mục đích, xây dựng các mô hình trông rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Cùng với đó, tăng cường công tác khuyến lâm, khuyến nông, xuống tận cơ sở để thực hiện nông lâm kết hợp... nhằm tăng thu nhập, ổn đinh đời sống; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ thông tin vào công tác quản lý, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, theo dõi phòng cháy chữa cháy rừng...

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Hà Nội hơn 27.726ha chiếm 8,34% diện tích tự nhiên của thành phố. Rừng Hà Nội được phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn). Diện tích đất có rừng trên địa bàn thành phố hơn 20.047ha, chiếm 72,31% tổng diện tích đất lâm nghiệp với tỷ lệ che phủ rừng là 5,59%. Trong diện tích đất có rừng, chỉ có hơn 7.582ha rừng tự nhiên các loại, chiếm 37,82% diện tích đất có rừng. Diện tích rừng trồng hơn 12.465ha, chiếm 62,18 % diện tích đất có rừng và được phân bố hầu hết tại 7 huyện, thị xã có rừng; diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 7.678ha.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t