Ứng phó với biến đổi khí hậu: Chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ (15:11 07/02/2018)


HNP - Dưới tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt và trái với quy luật tự nhiên, gây tổn thất lớn về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường. Để chủ động ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ.

Biến đổi khí hậu thời gian qua ngày càng trở nên phức tạp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sử dụng quá nhiều năng lượng gây phát thải khí nhà kính… Kết quả là chính con người phải hứng chịu cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Đơn cử, năm qua, vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, trên địa bàn thành phố xảy ra đợt nắng nóng kỷ lục chưa từng có trong vòng hàng chục năm qua. Sau đó mưa lũ liên tục xảy ra, cụ thể cơn bão số 2 diễn ra trong tháng 7, tiếp đến đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12/10 đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định: "Thời tiết đang diễn biến phức tạp, khôn lường và nhanh hơn chúng ta dự kiến. Biến đổi khí hậu xảy ra ngoài ý muốn của con người. Những bất thường về mưa, bão rất khó chống lại, mà chỉ có thể nghĩ đến phương án giảm thiểu mà thôi...".

Nhận thức được vấn đề nêu trên, TP Hà Nội có nhiều hoạt động thể hiện cam kết chống lại các tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc triển khai hàng loạt các hành động, chương trình trong khuôn khổ kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng các kịch bản ứng phó và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đơn cử, thành phố đã thống kê, đánh giá, đề xuất các giải pháp quản lý phát thải nhà kính đối với các lĩnh vực chất thải như hoạt động chôn lấp rác thải, đốt chất thải, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, hoạt động chăn nuôi gia súc. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thống kê phát thải khí nhà kính về lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp...

Trước thách thức về tiêu thụ năng lượng sẽ tăng cường mạnh mẽ, nhất là trong công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển đô thị, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, thành phố đã đặt ra từng nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, đề cao các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu. Chẳng hạn trong năm qua, ngoài tổ chức hội nghị, tập huấn, hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn ở nhiều địa phương, khu, cụm công nghiệp; đồng thời phát hành tờ rơi hướng dẫn kiến thức chung về áp sụng sản xuất sạch hơn..., các sở ngành thành phố còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Qua đó, đã tạo bước chuyển đáng kể trong nhận thức về biến đổi khí hậu của các cấp, các ngành và nhân dân. Từ chỗ có rất ít người quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, đến nay mọi người dân trên địa bàn thành phố đã ý thức rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra diễn biến thất thường của thời tiết, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội, đời sống dân sinh.  

Ông Lê Tuấn Định cho biết, bên cạnh các hoạt động trên, các sở, ngành thành phố cũng đang triển khai thực hiện một số nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của ngành Công Thương trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2014-2020. Tương tự, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xử lý ô nhiễm một số hồ trên địa bàn thành phố; kiểm kê, đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính lĩnh vực chất thải và đang thực hiện cho 4 lĩnh vực còn lại; quy hoạch đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung; thu thập thông tin khí tượng thủy văn và thiên tai; dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường; xây dựng danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ…

Nổi bật trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố là chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Chương trình này đã kêu gọi và nhận được sự tham gia xã hội hóa trồng cây xanh của nhiều đơn vị, tổ chức như: Vingroup, VPbank, AIC, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đầu tư Việt Hưng, Vinaconex, GPInvest... Tính đến tháng 10 năm ngoái, toàn thành phố đã trồng được khoảng 312.000 cây xanh. Lũy kế đến nay, toàn thành phố đã trồng được 449.000 cây xanh, đạt 44,9% mục tiêu của chương trình.

Hưởng ứng "Chiến dịch Giờ trái đất", "Ngày môi trường Thế giới", trên địa bàn thành phố cũng đã diễn ra nhiều hoạt động bề nổi như: Chiến dịch "Không khói xe", "Giấc mơ không khói xe", phát động cuộc thi chụp ảnh về sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ nhằm giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu. Đáng nói, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đã thu hút nhiều đoàn thể chính trị xã hội của thành phố tham gia thực hiện hiệu quả. Đơn cử, Hội Nông dân thành phố phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ", đồng thời tổ chức hội thảo công bố hiện trạng, giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố. Từ đó, hoàn thiện các giải pháp, lộ trình hạn chế, tiến tới không đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố.

Cũng trong khuôn khổ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, đồng thời biện soạn tài liệu, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường cho cộng đồng người dân địa phương. Tuyên truyền rộng rãi đến người dân về việc bảo vệ môi trường khu vực dân cư, bỏ rác đúng nơi quy định; thiết kế, in ấn sổ tay phân loại rác tại nguồn; tổ chức các chiến dịch đạp xe tuyên truyền hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học và bảo tồn động vật hoang dã; xây dựng mô hình "Sống xanh" tại một số xã trên địa bàn thành phố. Theo như lời ông Lê Tuấn Định, thành phố cũng đã xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động về kiểm kê khí nhà kính, giải quyết các thách thức về ứng phó với biến đổi khí hậu.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t