Hóa giải bất cập trong phát triển làng nghề (08:24 10/01/2018)


HNP - Làng nghề truyền thống của Hà Nội tồn tại và phát triển, không chỉ tạo nên bản sắc văn hóa, còn có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, công tác phát triển làng nghề còn gặp không ít khó khăn, chính sách hỗ trợ không còn phù hợp, mặt bằng sản xuất chật hẹp, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất còn hạn chế. Đó là những đánh giá tình hình phát triển làng nghề năm 2017 của Sở Công Thương.

Hà Nội đẩy mạnh phát triển làng nghề kết hợp với du lịch


Tồn tại nhiều hạn chế, bất cập

Theo Sở Công Thương, năm qua, công tác phát triển làng nghề được thành phố rất quan tâm. Riêng ngân sách hỗ trợ cho phát triển nghề, làng nghề hơn 35,2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các sở, ngành đã mở các lớp đào tạo, truyền nghề, nâng cao kỹ năng quản trị điều hành cho cho hàng nghìn lao động, cán bộ quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn. Cũng thông qua kinh phí hỗ trợ, các sở, ngành đã hỗ trợ 12 dự án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Dù được hỗ trợ nhưng vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển làng nghề. Đáng nói, một số chính sách không còn phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh thực tế hiện nay. Một số hiệp hội ngành hàng chưa phát huy vai trò dẫn dắt hoạt động của làng nghề, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tầu, hạt nhân trong các làng nghề, do vậy, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán. Một số làng nghề, ngành nghề bị mai một hoặc không còn hoạt động chưa được khôi phục như: Nghề gốm Phú Sơn (thị xã Sơn Tây), gốm Tô Hiệu (huyện Thường Tín), nghề dệt the La Khê (quận Hà Đông)...

Năm qua, công tác, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại được đánh giá là đạt được nhiều kết quả cao. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của làng nghề của Hà Nội vẫn chưa có thương hiệu, mẫu mã, kiểu dáng thay đổi chậm nên sức cạnh tranh yếu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, việc giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các hội chợ, các trung tâm thương mại chi phí nhiều, mô hình làng nghề kết hợp du lịch phát triển chậm. Đáng nói, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề phát triển chưa được cải thiện và đã đến mức báo động tập trung ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chế biến lâm sản, dệt may...

Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn hạn chế do thiếu vốn và các hộ ở xen trong các khu dân cư, quy mô sản xuất phần lớn là thủ công, máy móc lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, trong khi nhu cầu mở rộng mặt bằng là rất lớn. Theo tính toán, hiện nay, diện tích đất dành cho sản xuất của các làng nghề trên địa bàn thành phố bình quân mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Hiện trên địa bàn thành phố có 43 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.052ha, đã giải phóng mặt bằng được hơn 984ha. Còn lại 46 cụm công nghiệp đang chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Một khó khăn nữa, trình độ quản lý và tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Trình độ của các hộ sản xuất phần lớn chưa qua đào tạo bồi dưỡng về quản lý kinh tế nên điều hành sản xuất chưa hiệu quả.

Giải pháp khắc phục

Theo thống kê, tổng doanh thu của 297 làng nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn thành phố đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng... Để các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố phát triển bền vững phải tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành để khuyến khích phát triển nghề, làng nghề. Đồng thời, có sự hỗ trợ tích cực về tài chính, tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi cho các cơ sở, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất cả về chiều rộng và chiều sâu.

Nhiều ý kiến cho rằng, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội nên khai thác tiềm năng, nguồn lực của từng địa phương để làng nghề sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu làng nghề, nhãn hiệu hàng hóa, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới thiết bị công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Tăng cường hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ văn hóa, quản lý, kỹ thuật của doanh nghiệp, hộ sản xuất, người lao động thông qua chương trình khuyến công, đào tạo dạy nghề. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Khuyến khích mở rộng các thành phần kinh tế nhằm huy động mọi nguồn lực về vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật để tham gia phát triển nghề, làng nghề.

Ngoài ra, với tiềm năng lợi thế của Thủ đô, thành phố nên tập trung hỗ trợ thành lập, phát huy vai trò của các tổ chức hội, hiệp hội nghề, làng nghề trong việc hỗ trợ về vốn, tìm kiếm thị trường, áp dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề, quảng bá, tiêu thụ sản. Hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch mang lại lợi ích cho phát triển làng nghề và du lịch. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm mở rộng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng của làng nghề.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t