Phát triển trồng hoa, cây cảnh: Chưa khai thác hết tiềm năng (19:33 14/12/2017)


HNP - Trồng hoa, cây cảnh không những mang lại thu nhập cao cho nông dân mà còn là hướng đi của nông nghiệp đô thị. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, Hà Nội đã hình thành nhiều làng nghề hoa, cây cảnh cho thu nhập tiền tỷ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nông dân ngoại thành vẫn chưa tạo sự đột phá để nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong ngành Nông nghiệp.

Nghề trồng hoa ở huyện Thạch Thất cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa


Bộc lộ hạn chế

Theo sở NN&PTNT Hà Nội, sau năm 5 triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh, Hà Nội đã mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt 2.700ha, tăng so với mục tiêu ban đầu 535ha. Cơ cấu các loại hoa có giá trị kinh tế cao ngày càng được mở rộng, hiệu quả tăng 13% so với trước khi triển khai đề án. Đến nay, Hà Nội đã hình thành 50 vùng trồng hoa tập trung với quy mô 20ha/vùng trở lên… Chủng loại hoa cũng thay đổi đáng kể, nhiều giống hoa chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất. Trung bình mỗi hécta hoa chất lượng cao có thể cho hiệu quả từ 400 triệu đồng đến hơn tỷ đồng.

Rõ ràng, trồng hoa, cây cảnh đang là một trong những hướng đi cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái của Thủ đô. Điều này cũng khẳng định sự đúng đắn và cần thiết phải có riêng một đề án cho đối tượng cây trồng mà Hà Nội có ưu thế lớn.

Tuy nhiên, về mặt bằng chung, năng suất, sản lượng và chất lượng trồng hoa đại trà của Hà Nội còn thấp, không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Chất lượng hoa cắt cành còn thấp, tỷ lệ hoa đạt tiêu chuẩn loại 1 chỉ đạt từ 20 đến 50% tùy kinh nghiệm thâm canh. Từng vùng sản xuất hiện có sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng hoa, cây cảnh truyền thống và các vùng mới được mở rộng trồng hoa chất lượng cao.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: hạn chế đối với người trồng hoa, cây cảnh Hà Nội do nông dân thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm, sản xuất manh mún, thiếu vốn đầu tư, thiếu thông tin về thị trường, tiêu thụ bấp bênh; chưa thu hút được doanh nghiệp trong đầu tư phát triển sản xuất tiêu thụ hoa, cây cảnh. Phần lớn diện tích sản xuất đại trà không tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật về mật độ trồng và kỹ thuật chăm sóc (tỉa cây, thay cây, chế độ chiếu sáng… không đúng kỹ thuật và lạm dụng phân bón). Nông dân còn lúng túng khi gặp thời tiết bất thuận, khó điều khiển thời điểm nở hoa đúng vào các dịp nhu cầu tăng cao.

Qua khảo sát, có tới hơn 80% người dân không tuân thủ kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thường phun thuốc định kỳ, tự ý tăng liều lượng, số lần phun thuốc lên gấp 2- 4 lần so với quy định; chủng loại thuốc sử dụng chủ yếu là thuốc hóa học, có độ độc cao ảnh hưởng đến môi trường gây tốn kém làm chi phí tăng.

Ưu tiên giống, công nghệ

Hà Nội chưa hình thành được hệ thống cung ứng giống hoa chất lượng cao. Với những giống chủ động được như hồng, cúc, thược dược chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và phương pháp nhân giống truyền thống như gieo từ hạt, trồng từ củ, mầm, nhánh. Các phương pháp này dễ ứng dụng, giá thành cây giống thấp nhưng chất lượng giống kém, dễ bị thoái hóa, làm giảm chất lượng hoa. Tuy chủng loại hoa của Hà Nội phong phú nhưng thiếu giống hoa đẹp, chất lượng cao. Các giống hoa cao cấp phải nhập từ Hà Lan, Trung Quốc dẫn đến bị động, số lượng cũng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Mặt khác, người dân chưa chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng như nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới hiện đại... Hiện, diện tích trồng hoa trong nhà màng, nhà lưới, che phủ nilon chưa nhiều, chủ yếu triển khai thực hiện trên mô hình hẹp, nhỏ lẻ tại một số vùng hoa chuyên canh. Các vùng trồng hoa chưa ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong sơ chế, bảo quản hoa. Chủ yếu sử dụng các biện pháp sơ chế giản đơn làm ảnh hưởng tới chất lượng và thời gian bảo quản, sử dụng làm giảm giá trị của hoa trong quá trình tiêu thụ.

Vốn đầu tư cho trồng hoa, cây cảnh khá cao, trung bình từ 120 đến 200 triệu đồng/ha, còn hoa cao cấp kinh phí từ 3 đến 20 tỷ đồng/ha, bù lại cho hiệu quả kinh tế cao. Tại các vùng hoa chuyên canh, có trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, hiệu quả từ trồng hoa, cây cảnh trung bình có thể đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm; diện tích trồng hoa hồng chất lượng cao đạt doanh thu từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm trở lên.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại cho biết: Nếu áp dụng mô hình trồng hoa chất lượng cao, nông dân sẽ có mức tăng thu nhập từ 15 đến 20% so với lối canh tác cũ. Bình quân 1ha trồng hoa sẽ tạo việc làm thường xuyên cho từ 40 đến 45 lao động nông thôn. Để phát triển bền vững ngành sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Theo Phó Giám đốc Sở Nguyễn Xuân Đại: ngoài công tác quy hoạch các vùng chuyên canh ổn định, cần phải đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả giống chất lượng và công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Được biết, để thúc đẩy nghề trồng hoa, cây cảnh, thành phố sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cũng như chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung đào tạo nhân lực, trong đó, ưu tiên nhân lực sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu...


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t