Tập trung xử lý tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội (13:24 01/12/2017)


HNP - Hà Nội là địa phương có số lượng chi trả, số người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng lớn nhất cả nước. Trong 5 năm qua, với việc thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 21/11/2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020” đã góp phần thực hiện chế độ, chính sách với người lao động và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 64.704 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với gần 1,432 triệu lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, tăng 30.575 đơn vị (89,6%) và tăng 277.111 lao động (24%) so với năm 2012. Có được kết quả trên, thành phố luôn xác định công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ quan trọng để duy trì, ổn định quỹ BHXH, BHYT, chính vì thế hàng năm, Cục Thuế TP đã phối hợp với BHXH chuyển danh sách các đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ thuế để rà soát, xác định các cơ sở chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động.
 
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện, nhất là tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT, Hà Nội đã chủ động đào tạo, mở rộng mạng lưới đại lý thu, đến nay đã có 1.404 điểm thu của 643 đại lý trên toàn thành phố. Trong 5 năm qua, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố đạt trên 108.508 tỷ đồng, tăng 93.175 tỷ đồng so với năm 2012 (tăng 607,7%).
 
Là địa phương có số đối tượng thụ hưởng và số tiền chi trả BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước, công tác quản lý đối tượng và quản lý tiền chi trả các chế độ BHXH được thành phố giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng và không để xảy ra thất thoát. Thành phố cũng quan tâm cải cách hành chính, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác chi trả để tạo thuận lợi nhất cho người thụ hưởng chính sách. Trong 5 năm qua, thành phố đã thực hiện chi trả các chế độ BHXH với tổng số tiền trên 116.763 tỷ đồng với gần 5,390 triệu lượt đối tượng thụ hưởng, tăng 97.915 tỷ đồng (519,5%) và tăng trên 4,271 triệu lượt đối tượng (381,9%) so với năm 2012. Hiện nay, thành phố đang thực hiện chi trả hằng 2 hình thức là qua hệ thống ATM và qua bưu điện.
 
Đối với việc thực hiện chính sách BHYT, hàng năm, thành phố chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với BHXH để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bằng BHYT. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 205 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, cùng với đó là 30 trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và 467 trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia khám chữa bệnh BHYT. Từ năm 2013 đến nay, trên 25,8 triệu lượt bệnh nhân đã được khám chữa bệnh bằng BHYT với số kinh phí chi trả gần 23,5 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, có 94 trường hợp cơ quan BHXH thanh toán chi phí cao (tổng số tiền trên 41 tỷ đồng) từ 262 triệu đến 1,24 tỷ/người.
 
Bên cạnh đó, công tác CCHC, ứng dụng CNTT và nâng cao chất lượng dịch vụ được BHXH tích cực triển khai, được đánh giá là một đơn vị dẫn đầu trong cả nước. Từ năm 2016, BHXH Hà Nội đã triển khai 100% hồ sơ giao dịch điện tử và luân chuyển hồ sơ giữa các phòng, ban, với BHXH các quận, huyện, xử lý theo quy trình khép kín, nhờ đó tỷ lệ hồ sơ chậm, muộn giảm xuống còn 3% (năm 2013 là 20%) và không còn tình trạng thất lạc hồ sơ. Trong 7 tháng đầu năm 2017, BHXH Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết trên 449 nghìn hồ sơ (tăng 137,6% so với cùng kỳ năm trước).
 
Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT được chú trọng thực hiện. Trong 5 năm qua, BHXH Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 6.491 đợt thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị. Qua đó đã thu hồi 1,3 tỷ đồng tiền chi sai chế độ BHXH; xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ đồng; từ chối thanh toán trên 208 tỷ đồng tiền BHYT sau giám định tại các đơn vị. Cùng với đó, BHXH đôn đốc các đơn vị chậm đóng BHXH, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các đơn vị nợ BHXH, khởi kiện ra tòa 1.217 đơn vị, thu hồi số tiền 91,2 tỷ đồng…
 
Bên cạnh những kết quả trên, Hà Nội có trên 200 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, song tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT cho người lao động còn thấp; trong khi số nợ BHXH của thành phố hiện cao nhất cả nước, chiếm khoảng 10% tổng số phải thu. Ngoài ra, chi phí khám chữa bệnh BHYT có xu hướng tăng, nhất là 7 tháng đầu năm 2017 dẫn đến bội chi quỹ BHYT.
 
Từ nay đến năm 2020, Hà Nội xác định tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, các chương trình hành động, kế hoạch của thành phố; xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả để góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân. Phấn đấu trên 55% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH; trên 45% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHTN; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,1%; trên 70% doanh nghiệp tham gia BHXH cho người lao động; 100% học sinh tham gia BHYT từ năm học 2017-2018 và giảm tỷ lệ nợ BHXH về dưới 4%.
 
Hà Nội đã cũng đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện, trong đó, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với BHXH tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ỳ, trốn đóng, chậm đóng BHXH, gắn với tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó, tổ chức tốt việc đấu thầu thuốc tập trung. Thường xuyên thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở có hành vi trục lợi quỹ BHYT.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t