Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số (21:00 20/11/2017)


HNP - Trong thời gian qua, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chính sách phát triển giáo dục nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, nhiều cơ sở trường, lớp được đầu tư mở rộng chất lượng giáo dục được nâng cao và cũng từ đây xuất hiện nhiều học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.

Lãnh đạo Ban Dân tộc TP Hà Nội tặng giấy khen cho các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2017


Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách dân tộc, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó thành phố đã dành hơn 600 tỷ đồng để đầu tư 50 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thành phố dự kiến bố trí 328 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 35 dự án trường học.
 
Hiện nay, tại 14 xã vùng dân tộc miền núi của thành phố có 22 trường tiểu học, 17 trường trung học cơ sở và 3 trường trung học phổ thông, 1 trường phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố còn có trường Hữu Nghị 80, trường Hữu nghị T78 ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng cho học sinh nước Cộng hòa DCND Lào trường còn có chức năng quản lý, nuôi dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc.
 
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên vùng dân tộc miền núi luôn được coi trọng. Hiện nay, trên địa 14 xã vùng dân tộc miền núi có 200 giáo viên đang công tác là người DTTS. Các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS và giáo viên được thực hiện đầy đủ và kịp thời. 100% trẻ em được học mẫu giáo và vào lớp 1, tỷ lệ xã phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm 2017 đạt 90%. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt gần 82%. 
 
Trong năm học vừa qua, nhiều em học sinh ở các trường dân tộc thiểu số là những học sinh giỏi toàn diện, các em đã thực hiện tốt 5 điều bác Hồ dạy, làm tốt công tác Trần Quốc Toản, công tác đội, đoàn. Ở những địa phương xa trung tâm thành phố như huyện Ba Vì, Mỹ Đức vẫn còn không ít những em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài giờ đến trường nhiều em còn phải giúp đỡ ông bà cha mẹ những việc trong gia đình, kể cả những việc đồng áng, làm thuê để có tiền ăn học.
 
Một trong những tấm gương sáng của đội ngũ học sinh giỏi đồng bào dân tộc thiểu số năm 2017 có em Đinh Thị Thu Trang, người dân tộc Mường, học sinh trường THCS xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Sinh ra trong một gia đình nghèo, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn. Bản thân Trang hàng ngày ngoài giờ lên lớp vẫn phải dành nhiều thời gian phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Dù vậy 9 năm học đã qua, cô học lớp 10A4 trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội đều đạt học sinh giỏi. Niềm vui lớn hơn là trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Ngữ văn vừa qua, Thu Trang đã khiến người thân hết sức vui mừng khi xuất sắc giành giải Nhì.
 
Không chỉ có gia đình em Đinh Thị Thu Trang, còn có rất nhiều con em đồng bào dân tộc đạt được nhiều thành tích trong học tập như: em Vương Thùy Linh, dân tộc Nùng, đang học tại Trường THCS Kiến Hưng đạt giải Nhì môn lịch sử cấp thành phố; em Đinh Thị Huyền, dân tộc mường Trường THPT nội trú Hà Nội, đạt giải Ba môn lịch sử cấp thành phố…
 
Nhận xét về công tác phát triển giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng cho biết: đối với công tác giáo dục cho học sinh vùng dân tộc thiểu số trong thời gian qua được đặc biệt quan tâm, với các chủ trương chính sách cụ thể. Quy mô mạng lưới trường lớp ngày càng phát triển ở tất cả các xã có đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 4 trường THPT, trong đó có 1 trường dân tộc nội trú và 3 trường THPT, tất cả các xã đều có ít nhất 1 trường THCS. 
 
Cũng theo lãnh đạo Sở, hiện nay, quy mô số lượng học sinh đồng bào dân tộc ngày càng phát triển tương xứng với sự phát triển của dân số, đảm bảo sự phát triển liên tục trong việc nâng cao dân trí phát triển các nguồn nhân lực ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tương xứng với sự phát triển của giáo dục thủ đô. Việc xây dựng các trường chuẩn quốc gia được coi trọng và phục vụ cho nhu cầu học tập của các em học sinh cũng như công tác giảng dạy. Nhờ vậy, công tác quản lý cũng ngày càng được nâng cao từ đó nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp thành phố đây là niềm tự hào cho cả ngành giáo dục Thủ đô và đồng bào dân tộc thiểu số.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t