Để không còn cảnh thiếu nước sạch (14:51 25/09/2017)


HNP - Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) có ý nghĩa quan trọng, từng bước thực hiện hóa chiến lược quốc gia về cấp nước sạch nông thôn, cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn ngoại thành. Triển khai thực hiện dự án, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ kịp thời.

Niềm vui của người dân

Dù mới đưa vào hoạt động, nhưng công trình cấp nước sạch liên xã Cổ Đô - Phong Vân (huyện Ba Vì) sử dụng nguồn vốn vay WB đã có tác động tích cực đến đời sống của người dân. Nỗi lo thiếu nước, bệnh tật không còn là nỗi lo canh cánh của người dân nơi đây. Hàng nghìn hộ dân đã được cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Chị Nguyễn Thị Thanh, xã Cổ Đô cho biết, kể từ khi có nước sạch đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Cổ Đô và Phong Vân.

Tương tự, dự án cấp nước sạch liên xã Liên Hiệp - Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ thuộc Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng vay vốn WB đã làm thay đổi việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Hiệp Thuận cho biết: điều mà người dân địa phương mong mỏi là sự quan tâm của các cấp, các ngành có biện pháp xử lý nguồn nước để người dân được sử dụng nguồn nước sạch đã trở thành hiện thực. Trước đây, khi chưa có công trình nước sạch, hàng nghìn hộ dân xã Liên Hiệp - Hiệp Thuận phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào để sử dụng cho ăn uống và tắm rửa hằng ngày. Kể từ khi dự án cấp nước sạch liên xã Liên Hiệp - Hiệp Thuận đưa vào vận hành khai thác, nước sạch đã đến từng hộ gia đình, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn, TP Hà Nội được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, WB cho phép triển khai Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Theo đó, sẽ bảo đảm cung cấp nước sạch cho 60.000 hộ dân nông thôn được đấu nối sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung. Để hoàn thành mục tiêu, thành phố cho phép triển khai 7 dự án cấp nước sạch gồm: Công trình cấp nước sạch liên xã Cổ Đô - Phong Vân (huyện Ba Vì), Liên Hiệp - Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) và cấp nước sạch xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) đã cấp nước sạch cho nhân dân; các dự án cấp nước sạch liên xã khác như Tam Hưng - Thanh Thùy (huyện Thanh Oai), Liên Phương - Vân Tảo - Hà Hồi - Hồng Vân - Thư Phú (huyện Thường Tín), Trung Hòa - Trường Yên (huyện Chương Mỹ) cũng được triển khai xây dựng đưa vào vận hành khai thác; duy nhất dự án cấp nước sạch liên xã Thanh Lâm - Tam Đồng - Đại Thịnh do một vài nguyên nhân nên chưa triển khai đầu tư.

Tháo gỡ khó khăn

Trong cơ cấu vốn của Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng vay vốn WB có phần tỷ lệ 10% tổng mức đầu tư do nhân dân đóng góp. Do vậy, khi thực hiện các dự án phần kinh phí tương đương 10% sẽ được chia đều cho các hộ dân và người dân nào thực hiện xong nghĩa vụ sẽ được đấu nối đồng hồ cấp nước. Đến nay, đối với 3 công trình cấp nước ở huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức đang hoạt động cấp nước ổn định cho tổng cộng 7.100 hộ dân từ năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đối với dự án cấp nước tập trung, việc phát triển mạng và lắp đặt đồng hồ cho người dân không thể bảo đảm 100% ngay sau khi công trình hoàn thành, mà sẽ phải thực hiện dần khi quản lý vận hành công trình. Vì vậy, đến thời điểm này chưa thu hết phần kinh phí 10% theo nghĩa vụ của người dân đóng góp.

Theo đề xuất của liên ngành với UBND thành phố, sẽ giao cho một doanh nghiệp tiếp nhận toàn bộ các công trình trên, đồng thời làm đầu mối thực hiện các nghĩa vụ nhận nợ và trả nợ. Theo đó, doanh nghiệp tiếp nhận phải thực hiện nhận toàn bộ giá trị công trình và hoàn trả nhà nước theo quy định; nhận trách nhiệm trả nợ phần vốn ODA do thành phố vay lại trung ương (30% giá trị xây dựng công trình); thực hiện ứng kinh phí để quyết toán phần vốn nhân dân góp và doanh nghiệp sẽ được hoàn trả khi nhân dân đóng góp trong quá trình phát triển mạng khi đã được quản lý vận hành công trình.

Nhiều ý kiến cho rằng, đi đôi với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất giao doanh nghiệp quản lý công trình cấp nước thuộc Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng vay vốn WB, vấn đề đặt ra, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch với sức khỏe cộng đồng. Công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe; tổ chức các hội họp trao đổi, tìm hiểu về nước sạch gắn với xây dựng nông thôn mới...
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 8146/VP-ĐT đề nghị sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng vay vốn Ngân hàng Thế giới triển khai trên địa bàn thành phố năm 2018. Theo đó, dự kiến kế hoạch số đấu nối nước sạch năm 2018 là 13.000 đấu nối; tương tự số người được cấp nước từ những công trình cấp nước bền vững là 30.000 người; số xã có trường học và trạm y tế duy trì được tình trạng vệ sinh bền vững là 16 xã.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t