Phát huy hiệu quả chính sách, pháp luật BHYT cho học sinh, sinh viên (19:01 13/09/2017)


HNP - Học sinh, sinh viên (HSSV) là nhóm đối tượng được triển khai thực hiện từ những năm đầu của chính sách, pháp luật BHYT. Với kết quả đạt được đã ngày càng khẳng định Luật BHYT cho học sinh nói riêng và người dân nói chung là một định hướng quan trọng, đúng đắn, có tính chiến lược trong chăm lo, phát triển nguồn lực con người.

Thế hệ trẻ được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua chính sách BHYT


Trên địa bàn Thành phố hiện có 1.774.245 HSSV đang theo học tại 1.736 trường học. Thống kê chi tiết số thực hiện từ 30 quận, huyện, thị xã; các trường học được chia thành 06 nhóm. Bao gồm: nhóm tiểu học là 712 trường; THCS là 621 trường; THPT là 207 trường; trung cấp chuyên nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc Sở GD&ĐT là 85 trường; đại học, cao đẳng, trung học là 137 trường; tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là 06 trường. Tương ứng với đó là 648.829 học sinh tiểu học; 380.622 học sinh trung học cơ sở; 200.195 học sinh trung học phổ thông; 21.322 học sinh tại các trường trung cấp chuyên nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc Sở; 518.359 sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng.
 
Số lượng trường học lớn, quy mô HSSV đông là một tiềm năng lớn cho công tác phát triển diện bao phủ BHYT, nhưng để phát huy tiềm năng này không hề đơn giản. Nhất là với sự chênh lệch về kinh tế xã hội của các hộ gia đình tại 30 quận, huyện, thị xã và ý thức tự giác tham gia BHYT của sinh viên tại các trường đại học chưa cao. Đi cùng với đó là áp lực trong công tác tổ chức thực hiện, với một lượng lớn thủ tục, hồ sơ hành chính cần giao dịch khoảng hơn 1.700 trường học, tương ứng với việc xử lý dữ liệu, in, cấp thẻ cho khoảng trên 1,7 triệu HSSV. Đồng thời, cũng cho thấy quy mô, tính chất phức tạp của công tác thu BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội..
 
Bên cạnh những khó khăn mang tính đặc thù, cũng như các tỉnh, Thành phố khác trên cả nước, Hà Nội cũng gặp nhiều những thách thức mang tính khách quan trong quá trình thực hiện một số nội dung mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT như thực hiện điều chỉnh mức đóng từ 03 - 4,5% lương cơ sở, thu theo năm tài chính - 12 tháng, thay vì thu theo năm học - 09 tháng…Thực tế cũng cho thấy, năm học 2015 - 2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trên địa bàn giảm so với năm học trước đó; từ 88,25% trong năm học 2014 - 2015 giảm xuống còn 88,1%.
 
Từ đó, BHXH TP Hà Nội xác định rõ, để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân thì phải tập trung phát triển ở từng nhóm đối tượng, trong đó, nhóm HSSV đóng vai trò cần được ưu tiên. Đây là nhóm có tiềm năng phát triển không nhỏ, trong khi quá trình thực hiện có sự tham gia của ngành giáo dục, cụ thể là các trường học, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, do vậy tính khả thi để tăng diện bao phủ là cao hơn so với các nhóm khác, nhất là với nhóm thuộc diện tham gia theo BHYT hộ gia đình. Cùng với đó, BHXH TP Hà Nội còn thực hiện nhiều biện pháp nhằm hướng tới mục tiêu tăng số HSSV tham gia BHYT. Trong đó, chú trọng công tác tham mưu với Thành ủy Hà Nội, UBND TP về thực hiện chính sách BHYT HSSV. Cụ thể, kiến nghị Thành phố tăng cường phối hợp với BHXH Thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH, BHYT, BHTN. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 82,8% và đạt trên 90,1% trước năm 2020. 
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND TP Hà Nội, sự nỗ lực của BHXH Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị có liên quan, số HSSV tham gia BHYT trên địa bàn Thủ đô đã tăng 2,67% trong năm 2017, đạt tỷ lệ bao phủ 90,77% tổng số HSSV. Đáng kể, một số quận, huyện, thị xã đạt tỷ lệ bao phủ cao; điển hình có thể kể đến Hai Bà Trưng (99,84%); Hoàn Kiếm (98,9%); Tây Hồ (98,68%); Long Biên (98,08%); Hoàng Mai (96,48%)…
 
Năm học 2016 - 2017, BHXH TP đã trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường học là 78 tỷ 780 triệu đồng. BHXH TP cũng chi trả cho nhiều trường hợp HSSV bị tai nạn, ốm đau bất ngờ, bị mắc bệnh hiểm nghèo lên đến hàng trăm triệu đồng, giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị bệnh. Qua đó, góp phần giúp hệ thống y tế trường học trên địa bàn được kiện toàn và phát triển với cách thức, quy trình phối hợp hoạt động chặt chẽ, năng lực cán bộ y tế trường học được nâng cao; điều kiện học tập và vệ sinh được cải thiện đáng kể; các loại dịch bệnh giảm nhiều và không có dịch lớn xảy ra; các tài liệu chuyên môn có chất lượng, cập nhật kiến thức được phổ biến kịp thời; kiến thức phòng chống bệnh tật của học sinh được nâng cao…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t