Hà Nội: Tích cực vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết (14:32 22/07/2017)


HNP - Trước tình hình diễn biến bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng trên địa bàn TP Hà Nội, Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội đã phỏng vấn Phó Giám Đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh để giúp người dân hiểu và nắm rõ hơn về căn bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, tiếp cận được những biện pháp nhằm phòng, chống dịch sốt xuất huyết cũng như khắc phục tình trạng bệnh khi có diễn biến xấu. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh trả lời phỏng vấn


P/V: Ông nhận định gì về tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn TP thời gian này và ngành Y tế đã có những biện pháp chủ động phòng, chống như thế nào? 
 
Dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn mọi năm. Tính đến tháng 7/2017, trên địa bàn Thành phố ghi nhận gần 6.000 ca mắc bệnh sốt xuất thuyết. Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND Thành phố có kế hoạch phòng, chống dịch, đồng thời, tham mưu Thành phố hợp Ban Chỉ đạo triển khai phòng, chống sốt xuất huyết tới tất cả các quận, huyện, thị xã. Về công tác giám sát, Sở đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các trạm Y tế giám sát tình hình muỗi, bọ gậy, loăng quăng; giám sát tình hình bệnh nhân để phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời. 
 
Ngành cũng đã tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng và chữa bệnh. Phun hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy, loăng quăng tại các ổ dịch. Những nơi có ổ dịch cũ và nguy cơ cao, chủ động giám sát về bọ gậy, muỗi và người bệnh. Chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng giường bệnh, lực lượng bác sỹ, hóa chất, thuốc men, trang thiết bị y tế phục vụ chữa trị cho bệnh nhân.
 
P/V: Theo ông, nguyên nhân nào khiến diễn biến sốt xuất huyết ngày càng phức tạp?
 
Hiện tại, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chưa giảm và vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết là yếu tố thời tiết, do năm nay, mùa Đông nhiệt độ cao, nền nhiệt chênh lên so với mọi năm từ 1-2 độ. Đặc biệt, thời tiết mưa nhiều là điều kiện để muỗi vằn phát triển và sinh sản. Ngoài ra, môi trường ở Hà Nội hiện bị ô nhiễm khá nhiều; điển hình là tại các khu nhà trọ, công trường xây dựng, bãi đất trống… Sốt xuất huyết được chia ra làm 4 type: Type D1, D2, D3 và D4. Ở Hà Nội đã xuất hiện type  D1, D2 và gần đây là type D4. Việc xuất hiện nhiều type  như vậy sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh, khả năng diễn biến nặng và tăng nguy cơ tử vong. 
 
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có cả những nguyên nhân chủ quan. Trong đó, một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo tại thời điểm đầu mùa dịch. Việc xử lý dịch bệnh chưa triệt để, nhất là công tác thu gom phế thải, diệt ổ bọ gậy, loăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi ở các hộ gia đình. 
 
P/V: Ông có thể đưa ra những gợi ý đối với những trường hợp đã mắc bệnh?
 
Trước đây tỷ lệ tử vong trên các ca bệnh sốt xuất huyết là từ 2%-5%. Hiện nay, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 0,026%-0,03%. Song, để giảm tỷ lệ tử vong trên  số ca mắc, khi có những biểu hiện như sốt cao, đau đầu, đau hai hốc mắt, nhức mỏi khắp cơ thể, da xung huyết… người bệnh cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được khám và tư vấn. 
 
Đáng chú ý, sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ là: sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, sốt xuất huyết Dengue nặng. Nếu sốt xuất huyết Dengue , người bệnh có thể theo dõi tại nhà hoặc các cơ sở y tế địa phương. Nhưng khi bệnh diễn biến thành sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo thì cần tới bệnh viện và đối với người bị sốt xuất huyết Dengue nặng thì phải điều trị tại các khoa hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện để tránh nguy cơ tử vong. 
 
P/V: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả những biện pháp mà ngành Y tế đã và đang triển khai thực hiện?
 
Nhờ có những biện pháp quyết liệt và tích cực, công tác phòng, chống sốt xuất huyết đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được chữa khỏi và ra viện  khoảng 90%. Số còn lại đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố chiếm từ  5%-10%. Các ổ dịch cơ bản được khống chế, trong đó 92%  ổ dịch chỉ ở mức 1-2 bệnh nhân, không bùng phát thành những ổ dịch lớn. Ổ dịch năm nay dừng lại ở mức trung bình, chiếm khoảng 8%.
 
P/V: Giải pháp tiếp theo của Sở Y tế là gì?
 
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, có thể gây dịch, nếu không có biện pháp tích cực sẽ làm diễn biến bệnh nặng hơn và tăng nguy cơ tử vong. Đáng ngại là, hiện nay, bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, Sở Y tế cho rằng, thứ nhất, các cấp chính quyền cần tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt. Đồng thời, đề xuất với Thành phố chỉ đạo cấp ủy các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn xây dựng  Nghị quyết chuyên đề về phòng, chống dịch, trong đó có sốt xuất huyết, để triển khai cho đảng viên, các Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn  nhằm chủ động trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
 
Thứ hai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc theo phân cấp (Thành phố kiểm tra quận, huyện; quận, huyện kiểm tra xã, phường). Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể. Cụ thể, Sở Y tế đã có kế hoạch phối hợp với Đoàn Thanh niên phổ biến cho các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn để Đoàn Thanh niêm tham gia vào công tác trên. 
 
Đối với các công trường, hộ kinh doanh vi phạm vệ sinh môi trường, có liên quan đến vấn đề dịch sốt xuất huyết, đề nghị các cấp chính quyền đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và xử lý phạt hành chính nếu cần. Trong công tác chuyên môn, ngành yêu cầu những địa bàn có nguy cơ cao và ổ dịch cũ chủ động trong công tác giám sát, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi; khoanh vùng, lập danh sách hộ gia đình có người mắc bệnh…
 
Việc phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ là của ngành y tế, mà cần có sự vào cuộc và có các biện pháp quyết liệt từ chính quyền, từ cộng đồng, ý thức cũng như sự hiểu biết của người dân về tác hại, nguy cơ của bệnh. Qua đó, người dân có thể bảo vệ bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
 
Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t