Ngành Y tế chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Hè (17:06 27/06/2017)


HNP - Mùa Hè là thời điểm có nhiều dịch bệnh xuất hiện như cúm, tả, thương hàn, tiêu chảy, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Chính vì vậy, ngành Y tế TP Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế cũng như tăng cường phòng, chống các dịch bệnh mùa Hè, đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi tại quận Hai Bà Trưng


Theo báo cáo của ngành Y tế Hà Nội, những tháng đầu năm 2017, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội tương đối ổn định, chưa ghi nhận các trường hợp bệnh nguy hiểm như: bệnh do vi rút Zika, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, MERS-CoV, Ebola. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp mắc dịch bệnh mùa Hè được ghi nhận như: 81 trường hợp mắc ho gà (1 trường hợp tử vong tại quận Tây Hồ); 61 trường hợp chân tay miệng; 6 trường hợp mắc liên cầu lợn; 4 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản và 2 trường hợp tử vong do dại tại huyện Quốc Oai và huyện Ba Vì. 
 
Ngoài những dịch bệnh mùa Hè kể trên, TP còn ghi nhận những ca bệnh sốt xuất huyết với số lượng mắc lên đến đến 1.662 trường hợp (89% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 182 bệnh nhân đang điều trị), tính đến ngày 13/6/2017, trong đó, 1 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Số mắc tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 
 
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phân bố tại 28/30 quận, huyện (trừ huyện Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây), 235 xã, phường, thị trấn, chiếm 40% số xã, phường, thị trấn của Thành phố. Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (484 ca), Hoàng Mai (343 ca), Hai Bà Trưng (128 ca). Một số phường, xã có số mắc cao là: Trung Liệt, Khương Thượng, Thịnh Quang, Láng Hạ, Kim Liên quận Đống Đa; Vĩnh Hưng, Hoàng Liệt, Tương Mai, Yên Sở, quận Hoàng Mai; xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện rải rác vào các tháng trong năm, song có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây.
 
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp là do một số nguyên nhân. Thứ nhất, có sự thay đổi bất thường, không theo chu kỳ dịch những năm trước, thể hiện qua số mắc tăng nhanh và cao sớm so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2 đến 3 tháng. Thứ hai, dịch được ghi nhận trên diện rộng 28/30 quận, huyện, thị xã, tuy nhiên, số mắc vẫn tập trung ở khu vực trọng điểm về sốt xuất huyết như những năm trước và có xu hướng lan sang các huyện ven nội như Thường Tín, Hoài Đức. Thứ ba, xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp có quy mô xã, phường với số bệnh nhân cao. 
 
Trong khi đó, việc phòng, chống dịch có một số khó khăn nhất định như: người dân chưa hoàn toàn phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Một số nơi công tác chỉ đạo của cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt. Đồng thời, thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và bệnh chưa có vắc xin phòng; chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. Theo dự báo thường xuất hiện đỉnh dịch vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
 
Mặc dù dịch bệnh mùa Hè năm nay chưa có diễn biến phức tạp, ngoại trừ số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Song, một số dịch bệnh mà đặc biệt là bệnh do vi rút Zika đã xuất hiện tại các tỉnh thành phía Nam và Hà Nội có lưu hành loại muỗi truyền bệnh này nên nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện tại Hà Nội trong thời gian tới. Do đó, ngành Y tế đã triển khai một số công tác phòng, chống dịch mùa Hè nói chung và bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút zika nói riêng trên toàn Thành phố. 
 
Cụ thể, Sở Y tế đã triển khai giám sát các hành khách nghi ngờ từ cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, công tác khám sàng lọc cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Tháng 3 vừa qua, Sở phối hợp với UBND huyện Thường Tín tổ chức diễn tập công tác phòng, chống dịch cúm A(H7N9) tại chợ đầu mối Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín. Khoanh vùng, điều tra, xử lý tại cộng đồng, các khu vực có bệnh nhân mắc các loại dịch bệnh như tay chân miệng, liên cầu lợn, ho gà, dại, viêm não Nhật Bản… Phối hợp với ngành Thú y trong công tác phòng, chống dịch lây từ động vật sang người.
 
Cùng với đó, tổ chức tốt các buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tháng nhằm chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin như ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản. Tính trong 5 tháng đầu năm, đã tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho 63.729 trẻ em dưới 1 tuổi, đạt tỷ lệ 48,7% so với dự kiến cả năm. Tiêm vắc xin sởi, rubella cho 89.427 trẻ từ 18 - 23 tháng tuổi, đạt 64,2%. Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho 211.212 trẻ từ 1 - 2 tuổi, đạt 51,1%...
 
Những tháng cuối năm, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh. Đặc biệt là giám sát, phát hiện sớm tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý kịp thời, triệt để. Triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Thường xuyên cập nhật thông tin về các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Làm tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc bệnh và triển khai các phương án phân tuyến điều trị…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t