Ứng dụng công nghệ thông tin ở Hà Nội: Nỗ lực phục vụ người dân, doanh nghiệp (05:25 15/06/2017)


HNP - Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thành phố Hà Nội thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng.

Hướng đi đúng

Thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện mạnh mẽ ứng dụng CNTT nhằm thực hiện hiệu quả hơn cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, thành phố đã ban hành nhiều văn bản xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về ứng dụng CNTT. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT thành phố Hà Nội để giúp UBND thành phố quyết định chủ trương, cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về ứng dụng CNTT trong cơ quan, ngành, lĩnh vực của thành phố. Ngoài ra, hằng năm, thành phố ban hành kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện của năm trước và xác định các mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm.

Bằng sự nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thành phố đã đạt những kết quả quan trọng. Cụ thể, 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã có trang hoặc cổng thông tin điện tử hoạt động hiệu quả, trong đó đều đăng tải thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đáng nói, công tác triển khai ứng dụng CNTT đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng chính quyền điện tử cơ bản đã hình thành. Nhận thức về ứng dụng CNTT đã có sự chuyển biến rõ rệt, tác động tích cực thúc đẩy công tác cải cách hành chính. Mạng diện rộng (WAN) của thành phố đã kết nối 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã có máy chủ quản trị mạng và cài đặt các ứng dụng của đơn vị; 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã có mạng LAN và Internet kết nối tới tất cả các phòng, ban; 100% UBND xã, phường, thị trấn có kết nối Internet và có mạng LAN. 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn sử dụng thành thạo máy vi tính. 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn sử dụng Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử; thiết lập hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% công chức, viên chức để trao đổi, giải quyết công việc.

Sau 2 năm liên tiếp đứng ở vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, năm 2016 Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ hai trong số 63 tỉnh, thành phố. Kết quả này không chỉ thể hiện sự nỗ lực của Hà Nội nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp mà còn cho thấy hướng đi đúng của thành phố trong thời gian qua.

Hỗ trợ tối đa người dân

Đầu tư một cách bài bản cho ứng dụng CNTT, một số ứng dụng chuyên ngành phát huy được hiệu quả rõ rệt, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đơn cử, Cổng Giao tiếp điện tử thành phố được nâng cấp, mở rộng trên nền tảng mới, cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của UBND thành phố. 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã có trang hoặc cổng thông tin điện tử hoạt động hiệu quả trong việc cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn... Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục, trên địa bàn thành phố có gần 2.080 trường học các cấp thì 100% trường mầm non được trang bị đủ máy tính và máy chiếu đa năng; 78,1% các trường tiểu học, 81,7% THCS có phòng thực hành máy tính nối mạng nội bộ (LAN) và Internet và 100% trường học đề có máy chiếu hoặc màn hình thông minh... Năm qua, thành phố tích cực triển khai phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016-2017 tại 2.620 đơn vị trường học.

Tương tự, lĩnh vực giao thông, vận tải, thành phố đã đầu tư nhiều công trình giao thông đường bộ, hệ thống giao thông gắn với ứng dụng hệ thống như: Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông; ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý giấy phép lái xe bằng vật liệu PET; triển khai hệ thống thẻ vé điện tử thông minh bằng công nghệ tiên tiến đảm bảo tính liên thông và áp dụng trong toàn hệ thống giao thông công cộng; hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên tuyến BRT từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa; cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3 Cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng... Một số ngành, lĩnh vực khác cũng được ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý như: Quản lý đầu tư, tài chính, quản lý đô thị.

Bên cạnh đầu tư hạ tầng, công tác đào tạo về ứng dụng CNTT được triển thành phố khai tích cực, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đề ra cả về đối tượng, nội dung và hình thức đào tạo. Các nội dung đào tạo, tập huấn tập trung hướng dẫn về cơ quan điện tử, chính quyền điện tử, kỹ năng ứng dụng CNTT, kiến thức quản trị hệ thống và bảo đảm an toàn thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tính riêng năm 2016, thành phố đã tổ chức đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản cho cho 8.962 học viên, đảm bảo 100% cán bộ công chức xã, phường, thị trấn được đào tạo đạt chuẩn CNTT. Đồng thời tổ chức đào tạo cho 2.000 viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo; tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm dùng chung của thành phố cũng được triển khai kịp thời, đảm bảo chất lượng.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t