Nhiều chuyển biến trong quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại (10:58 13/03/2017)


HNP - Thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg và Quyết định số 166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã đẩy mạnh công tác quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và đã thu được những kết quả tích cực.

Theo đó, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội tăng cường kiểm tra việc thực hiện quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn; tổ chức kiểm tra thường xuyên đối với cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng số khoảng 5.440 cơ sở y tế, khám chữa bệnh.

Tại các trạm y tế của cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn, lượng chất thải rắn y tế phát sinh gần 9,8 tấn/ngày, trong đó có khoảng 1,13 tấn/ngày là rác thải nguy hại được xử lý tại chỗ bằng lò đốt. Tổng lượng chất thải rắn y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế đã được thu gom, xử lý là 294 tấn/tháng, trong đó lượng chất thải y tế nguy hại là 34,8 tấn/tháng; 100% lượng rác thải y tế được thu gom, phân loại tại nguồn đồng bộ với việc bố trí các điểm thu gom rác thải phù hợp và theo đúng quy cách quy định để tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý theo quy định. 90% đơn vị có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý chất thải y tế theo đúng quy định.

Tương tự, 18/41 bệnh viện thuộc Sở Y tế đã có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt, trong đó 16 bệnh viện huyện đã được đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt chất thải rắn theo công nghệ Sl-SH của Nhật Bản, 2 đơn vị được đầu tư từ năm 2002 (Bệnh viện Hà Đông công nghệ P100 của Mỹ và Bệnh viện Sơn Tây công nghệ Howel của Áo). Tất cả các lò đốt đều hoàn thành việc lắp đặt trong năm 2011-2012 được bàn giao cho các bệnh viện đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 12 bệnh viện là xử lý tại chỗ bằng lò đốt, còn 6 bệnh viện đã chuyển sang hình thức thu gom, xử lý tập trung.

Qua rà soát, trên địa bàn thành phố, chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 750 tấn/ngày chủ yếu tập trung từ hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó lượng rác không nguy hại phát sinh khoảng 646 tấn/ngày. Hiện nay, các đơn vị, cơ sở sản xuất thường tự phân loại ngay tại nguồn để phục vụ nhu cầu tái chế, tái sử dụng lại, phần chất thải rắn công nghiệp nguy hại được hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý. Tỷ lệ thu gom rác thải không nguy hại từ 85 đến 90% tương đương 581 tấn/ngày và xử lý khoảng 405 tấn/ngày, vượt mức kế hoạch đề ra.

Đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại, lượng rác thải nguy hại phát sinh trung bình khoảng 104 tấn/ngày, chiếm từ 15 đến 20% khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh. Tỷ lệ thu gom rác thải nguy hại đạt từ 62 đến 73 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 60 đến 70 % và được xử lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; xử lý tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn và các cơ sở xử lý có giấy phép quản lý chất thải nguy hại khác, còn lại được lưu giữ tại các cơ sở phát sinh theo đúng quy định.

Tại những vùng sản xuất rau an toàn đã được lắp đặt các thùng chứa, vỏ bao bì, chai lọ đựng phân bón được thu gom, tập kết, xử lý và tiêu hủy cùng với vỏ bao bì nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Phần lớn vỏ bao bì, chai lọ đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi còn lại được người dân thu gom lại và tái sử dụng trong hộ gia đình hoặc bán lại cho các điểm thu gom, tái chế.


Văn Quyết


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t