Quan tâm đến chính sách và chất lượng đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên (21:22 15/03/2017)


HNP - Trong những năm qua, Thành phố luôn dành sự quan tâm cũng như nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Không chỉ mở rộng quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học, mà Thành phố còn tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách cũng như công tác đào tạo đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. 

Hiện, toàn ngành có 133.830 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp. Tính đến năm 2016, trên địa bàn Thành phố có 319 cơ sở dạy nghề, với 8.489 giáo viên, trong đó, có 4.061 giáo viên thuộc các cơ sở công lập và 4.428 giáo viên thuộc các cơ sở ngoài công lập; 3.389 giáo viên tham gia giảng dạy tại các trường cao đẳng nghề; 1.369 giáo viên trung cấp nghề; 3.731 giáo viên giảng dạy tại các trung tâm dạy nghề. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố còn có trường Đại học Thủ đô Hà Nội và 12 trường Cao đẳng trực thuộc Thành phố quản lý, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các đơn vị trên cơ bản đảm bảo số lượng và chất lượng trong các ngành nghề đào tạo.
 
Hà Nội là một trong số địa phương có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp. Tỷ lệ trên chuẩn của giáo viên các cấp học cao so với tỷ lệ chung của cả nước. Đặc biệt, trình độ Tin học, Ngoại ngữ được nâng cao nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Bên cạnh đó, nhằm thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao tình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, trong 5 năm qua, Thành phố đã cử hàng chục đoàn với hàng trăm lượt cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục đi nước ngoài tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị, hội thảo quốc tế theo lời mời của các tổ chức giáo dục của nhiều nước trên thế giới. Thông qua đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Hà Nội có cơ hội được mở rộng tầm nhìn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để từng bước tiếp cận trình độ giáo dục của các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Công tác tuyển dụng giảng viên, giáo viên của các trường công lập của Thành phố trong thời gian qua luôn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2011 đến năm 2016, Hà Nội đã tuyển dụng được 33.380 giáo viên các cấp học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT và Trung cấp chuyên nghiệp) kịp thời bổ sung thay thế giáo viên thiếu do nghỉ chế độ và do tăng quy mô trường lớp. Riêng với giáo viên mầm non, trong 5 năm trở lại đây, đã tuyển được 26.395 giáo viên là viên chức, đáp ứng được nguyện vọng cho đội ngũ giáo viên mầm non, tạo sự ổn định và phát triển cho ngành học mầm non của Thủ đô. Đối với các trường Đại học, Cao đẳng đã được chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức phục vụ cho đơn vị mình. Đặc biệt, Thành phố cũng chính thức công nhận chính sách xét tuyển đặc cách đối với Thủ khoa xuất sắc của các trường Đại học.
 
Chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định tạo sự ổn định. Trung bình, mỗi năm, Thành phố cấp kinh phí khoảng hơn 10 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Sở GD&ĐT; riêng năm 2016, cấp khoảng 56 tỷ đồng. Không chỉ đào tạo, bồi dưỡng, hàng năm, Thành phố còn cử từ 40 đến 60 người đi đào tạo sau đại học bằng nguồn vốn ngân sách… Thành phố đã chỉ đạo sát sao các Sở, ngành trong việc triển khai đầy đủ các quy định về chính sách như: nâng lương thường xuyên, vượt khung, trước thời hạn… 100% nhà giáo, cán bộ quản lý ở cơ sở giáo dục được hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nhà giáo theo đúng quy định.
 
Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, việc nâng cao phẩm chất đạo đức, chính trị cho đội ngũ luôn được quan tâm. Sở GD&ĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành, trong đó phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị và mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở đều chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng  và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và của Thành phố. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức tốt việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý và giáo viên cuối năm, đặc biệt là đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý và giáo viên theo chuẩn cán bộ quản lý  và chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên tập trung vào 6 tiêu chuẩn với 25 tiêu chí đánh giá, bao gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý và năng lực dạy học.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t