50% hành khách sử dụng vé tháng trên tuyến Buýt BRT (19:25 25/02/2017)


HNP - Sau hơn nửa tháng thực hiện thu phí (từ ngày 6/2 đến ngày 23/2), tuyến buýt nhanh BRT đã vận chuyển được gần 230.000 hành khách. Trong đó, lượng hành khách sử dụng vé tháng để đi lại thường xuyên trên tuyến chiếm 50%.


Số liệu thống kê từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, từ khi bắt đầu thu phí đến nay, tuyến buýt nhanh BRT đã vận chuyển 229.573 hành khách (bình quân mỗi ngày vận chuyển 13.504 lượt khách, ngày cao nhất vận chuyển 15.410 hành khách). Bình quân mỗi nhà chờ phục vụ 538 hành khách/ngày (trong đó điểm đầu Kim Mã mỗi ngày bình quân đón 2.025 hành khách, các nhà chờ Yên Nghĩa, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy, Vũ Ngọc Phan, Giảng Võ bình quân môi ngày đón khoảng gần 1000 lượt hành khách).
 
Như vậy, lượng hành khách sử dụng tuyến BRT khá cao. Mặc dù từ 6/2 đã bắt đầu thực hiện thu phí nhưng lượng hành khách đi lại trên tuyến vẫn đạt hơn 90% so với thời gian miễn phí. Trong đó, lượng hành khách sử dụng vé tháng để đi lại thường xuyên trên tuyến chiếm 50%.
 
Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, tuyến BRT đi vào hoạt động đã vận hành đúng phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn, thu hút được hành khách sử dụng dịch vụ và bước đầu đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Dịch vụ BRT được duy trì ổn định, tin cậy đã tạo ra sự khác biệt rõ rệt so với buýt thường: tốc độ xe chạy trung bình gần 20km/giờ (tăng 20% so với buýt thường); thời gian xe chạy trung bình là 45 phút/lượt (giảm gần 20% so với xe buýt thường). Vận tốc xe chạy ổn định, đúng kế hoạch do được hoạt động trong làn đường dành riêng ít bị tác động bởi tình trạng ùn tắc giao thông; lượt xe xuất bến đúng giờ đạt tỷ lệ 97,7%; lượt xe thực hiện đạt tỷ lệ cao. Phương tiện, nhà chờ hiện đại luôn được đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự, thuận tiện cho hành khách lên xuống xe.
 
Sản lượng hành khách của tuyến BRT trong thời gian đầu hoạt động là khá cao, gấp hơn 8 lần so với tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã thử nghiệm theo lộ trình tuyến BRT cho thấy lượng hành khách trên tuyến tham gia sử dụng phương tiện công cộng trên tuyến đã tăng lên đáng kể so với khi chưa có tuyến BRT. Đặc biệt, hành khách có những đánh giá tích cực, đồng cảm hơn với phương tiện công cộng, ý thức người tham gia giao thông trên tuyến được cải thiện với việc đa số các phương tiện đã chủ động không đi vào làn đường của tuyến BRT.
 
Về kết nối mạng lưới, tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động đã thực hiện điều chỉnh 05 tuyến buýt (09, 18, 19, 22, 50) để tăng cường kết nối với tuyến BRT, bước đầu đã phát huy hiệu quả với các khu đô thị, khu dân cư được kết nối với tuyến như Dương Nội, công viên Thiên đường Bảo Sơn, Mỗ Lao, Vạn Phúc,... và gần như toàn bộ các tuyến đường ngang đều có xe buýt kết nối với tuyến BRT. Trong đó, việc điều chỉnh hoạt động của các tuyến buýt 22 thành 03 tuyến buýt gom kết nối sản lượng tuyến BRT tăng rõ rệt tại điểm đầu Kim Mã, khách tại Kim Mã tăng hơn 20% so với trước khi điều chỉnh.
 
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, với những chỉ đạo quyết liệt của Thành phố về tổ chức giao thông ưu tiên cho vận hành tuyến BRT (thí điểm lắp dải phân cách để phân tách làn BRT với làn giao thông chung tại 03 nhà chờ Giảng Võ, Nguyễn Tuân và Hoàng Đạo Thúy); các lực lượng chức năng duy trì điều tiết, hướng dẫn giao thông dọc lộ trình tuyến BRT; cùng sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí đã góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến, tạo thuận lợi cho hoạt động của tuyến BRT. Đáng chú ý, từ khi tuyến buýt BRT đi vào vận hành chưa có hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài xuất hiện. Bên cạnh đó, từ ngày 15/2, các lực lượng chức năng bắt đầu tiến hành xử phạt đối với các phương tiện lấn làn buýt nhanh, do vậy tình trạng các phương tiện lấn làn buýt nhanh đã giảm rõ rệt, tạo thuận lợi cho tuyến BRT vận hành ổn định, an toàn.
 
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác tuyến BRT trong thời gian tới, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra phối hợp với Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì điều tiết, hướng dẫn giao thông; tiếp tục hướng dẫn người tham gia giao thông không đi vào làn buýt BRT, áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP đối với các trường hợp cố tình vi phạm trật tự giao thông trên tuyến. 
 
Đồng thời, tăng cường công tác duy trì, bảo đảm vệ sinh và hướng dẫn hành khách tại các nhà chờ bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách; Tăng cường xe buýt kết nối khu đô thị Trung Văn với tuyến BRT, kết nối cụm các trường Đại học khu vực Thanh Xuân với tuyến BRT; mở rộng kết nối của tuyến BRT với khu vực phía Bắc Thành phố.
 
Thực hiện hợp lý hóa hệ thống điểm dừng xe buýt thường; hoàn thiện hệ thống thông tin hướng dẫn khách hàng sử dụng xe BRT tại các nhà chờ, điểm đầu cuối để tạo thuận lợi cho hành khách sử dụng, trung chuyển với mạng lưới xe buýt của Thành phố; khảo sát bổ sung hệ thống thu gom rác, nhà vệ sinh công cộng tại các nhà chờ BRT để phục vụ hành khách, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tiến hành điều tra, khảo sát xã hội học đối với hành khách đi lại trên tuyến BRT để hoàn thiện dịch vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; Phối hợp với Tổng công ty vận tải Hà Nội xây dựng hoàn thiện phương án quản lý, vận hành hệ thống trạm chờ của tuyến BRT…

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t