Phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội (22:05 16/01/2017)


HNP - Trong thời gian qua, thành phố đã tăng cường tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua qua đó, đội ngũ này đã vận dụng được kiến thức, hiểu biết áp dụng tại các thôn, xã góp phần xóa đói giảm nghèo và phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương.

Phát huy vai trò của người có uy tín


Những năm qua, đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự phát huy vai trò và tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Người có uy tín đã tích cực vận động và giúp đỡ nhiều hộ đồng bào tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Bản thân người có uy tín và gia đình có nhiều đóng góp tích cực như: hiến đất làm đường, tham gia lao động công ích, gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, đã vận dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, sử dụng các giống ngô, lúa mới cho năng suất cao, bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả...

Riêng năm 2016, người có uy tín đã tham gia giải quyết hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, hòa gải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Nhiều người có uy tín thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa. Vận động nhân dân xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc.
 
Ông Đinh Như Môn, thôn Lụa, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất là người có uy tín trong vùng đồng bào Dân tộc thiểu số đồng thời cũng là một hoà giải viên của xã. Ông cho biết: trong năm 2016, tại thôn đã nảy sinh 4 sự việc vướng mắc, xung đột, các vụ việc chủ yếu về vấn đề tranh chấp đất đai và ô nhiễm môi trường dẫn đến mâu thuẫn, kiện cáo, nhưng do kịp thời nắm bắt tình hình, gần gũi chia sẻ, tổ hoà giải do ông làm tổ trưởng đã hoà giải thành 4/4 vụ việc này. Nhờ có sự kiên trì khéo léo mà các hộ gia đình, dòng tộc đã có tiếng nói chung, dần xích lại gần nhau.
 
Theo kinh nghiệm của ông “muốn cho công tác hoà giải được kết quả tốt, thì các hoà giải viên luôn phải thực hiện đúng phương châm hoà giải đó là khách quan, công minh, có lý, có tình, bảo đảm bí mật đời tư của mỗi người, mỗi hộ gia đình”. Đối với người uy tín, để tiếng nói của mình thật sự có uy tín trong nhân dân thì bản thân và gia đình luôn phải gương mẫu, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Vận động con cháu trong dòng họ sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
 
Bà Nguyễn Thị Huê, tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức, một cán bộ có uy tín trong xã cho rằng: hiện nay, xã có hơn 10 cán bộ được lựa chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc, “đa số là người cao tuổi như các bác vẫn đến từng hộ gia đình trong thôn bản để vận động bà con hiến đất làm đường giao thông nông thôn”. Nhờ có những cán bộ đó mà phong trào hiến đất để có mặt bằng xây dựng nhà văn hoá thôn đường giao thông, thuỷ lợi, mương máng nội đồng phục vụ sản xuất trên địa bàn xã An Phú diễn ra rộng khắp.
 
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, trưởng thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho biết: Nhờ có nuôi bò sữa, gia đình ông có thu nhập ổn định. Trong thôn ông còn tích cực giúp đỡ, vận động các hộ gia đình trong thôn khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thoát nghèo. Nhờ vậy, thôn Ké Mới từ 14% hộ nghèo năm 2012 xuống còn 5,45 năm 2015.
 
Bên cạnh đó, ông cũng tích cực tham gia công tác xã hội, tích cực hưởng ứng phong trào ủng hộ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo” cũng như duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc… với tư cách là bí thư chi bộ, ông cũng tích cực hướng dẫn đồng bào dân tộc tham gia đội cồng chiêng của thôn, nghiên cứu và bảo tồn nhiều giống cây và bài thuốc Nam quý để chữa bệnh cho mọi người.
 
Có thể nói, người có uy tín trong đồng bào dân tộc là những tấm gương sáng và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, là những người tiêu biểu về làm kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở. Không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tình với công việc, gắn bó với bà con, tuyên truyền mọi người thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, để phát huy được kết quả trong việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể đối với công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc thành phố và các đơn vị cần triển khai các chế độ, chính sách đối với người có uy tín đảm bảo kịp thời và hiệu quả. 

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t