Đồng bộ nhiều giải pháp trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (15:25 17/07/2024)


HNP - Sáng 17/7, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố chủ trì Hội nghị


Dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Hồng Trung -  Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội - Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và các đồng chí lãnh đạo của các đơn vị thành viên BCĐ 389 Thành phố: Công an Thành phố, Hải quan Thành phố, các Sở ngành thành viên và BCĐ 389 các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
 
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Các đơn vị, sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã đã chủ động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Đồng thời, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến tình hình, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm để chủ động xây dựng các kế hoạch chuyên đề, tuần tra kiểm soát, xác lập chuyên án tổ chức đấu tranh, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm tụ điểm phức tạp, xử lý các hành vi vi phạm; không bao che, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả; không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đúng quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân. 
 
Về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng thành phố đã thanh tra, kiểm tra 12.032 vụ việc, phát hiện 11.554 vụ vi phạm; số vụ xử lý hành chính 11.436 vụ, trong đó: hàng cấm, hàng nhập lậu 1.911 vụ, gian lận thương mại 8.659 vụ, hàng giả 866 vụ, khởi tố 118 vụ với 175 bị can; thu nộp ngân sách trên 4.744,33 tỷ đồng.
 
Theo nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các tuyến, lĩnh vực và mặt hàng trọng điểm kể cả trên tuyến hàng không, bưu chính, nội địa. Trong khi đó, việc xử lý còn những khó khăn, hạn chế nhất định do hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không tập kết, bày bán công khai như trước đây mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp; sử dụng các thiết bị giám sát xung quanh kho hàng, điểm tập kết… sau đó các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa; khi phát hiện có người lạ ngay lập tức sẽ dừng hoạt động hoặc chuyển hàng hóa đi nơi khác gây khó khăn trong quá trình phát hiện, giám sát, nắm di biến động của đối tượng cũng như quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình xác minh, điều tra, xử lý.   
   
Việc thực hiện các hành vi gian lận thương mại trong môi trường thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, tận dụng công nghệ để xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet; các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không chính xác, gây khó khăn trong việc xác minh thông tin, truy vết các đối tượng để ngăn chặn, xử lý…
 
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đỗ Hồng Trung phát biểu tại Hội nghị
 
Để làm tốt nhiệm vụ trên, 6 tháng cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động dự báo, nắm bắt tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; tăng cường công tác chống đầu cơ, găm hàng, các quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các dịp lễ, Tết. Tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa lớn, các điểm giao nhận chuyển phát hàng hóa; chú trọng đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đỗ Hồng Trung và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị thành viên đóng góp vào kết quả chung của BCĐ 389 Thành phố trong thời gian qua. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã gợi mở về những nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội.
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố phát biểu kết luận Hội nghị
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài; trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa...
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố rà soát lại quy chế phân công, quy chế phối hợp của Ban Chỉ đạo, có cập nhật bổ sung theo tình hình mới. Giao Công an Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm triển khai việc xây dựng kho tang vật tạm giữ hành chính tập trung của Thành phố. Cùng với đó thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các khó khăn, vướng mắc để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định phù hợp hơn với thực tế.
 
Liên quan vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Công Thương nghiên cứu đề xuất cơ chế giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cho các ban quản lý chợ kiểm soát, giám sát chặt chẽ đầu vào hàng hóa đưa vào chợ, bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa... Bên cạnh đó, chủ động dự báo, nắm bắt tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; tăng cường công tác chống đầu cơ, găm hàng, các quy định của pháp luật về giá nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các dịp lễ, Tết. Tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa lớn, các điểm giao nhận chuyển phát hàng hóa; chú trọng đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong lĩnh vực thương mại điện tử...

Thu Hằng


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t