Trao đổi kinh nghiệm thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các trường đại học, cao đẳng (14:39 31/05/2024)


HNP - Sáng 31/5, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các trường đại học, cao đẳng. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội dự Hội nghị.

Bí thư Đảng ủy Khối các Trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội thông tin, Đảng bộ Khối có 68 tổ chức cơ sở đảng với hơn 22.000 đảng viên. Toàn Khối có 01 đơn vị hành chính, 47 trường đại học, học viện, 20 trường cao đẳng, với trên 1.500 giáo sư và phó giáo sư; 4.000 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học; hơn 8.500 thạc sỹ; gần 4.200 cử nhân, kỹ sư và tương đương; có trên 550.000 sinh viên các hệ đào tạo.
 
Trong những năm gần đây, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học, cao đẳng đã có nhiều đổi mới theo hướng trao cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục - đào tạo, nhằm phát huy mọi tiềm năng sức sáng tạo trong đổi mới mô hình quản trị, xây dựng chiến lược phát triển, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, tạo môi trường thuận lợi để nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, sinh viên có môi trường sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế, cũng như thu hút nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục. Những thay đổi đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Đảng ủy Khối đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, ban giám hiệu các trường trực thuộc triển khai hiệu quả việc thực hiện dân chủ gắn với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo. 
 
Quang cảnh Hội nghị
 
Đảng ủy, ban giám hiệu các trường đã phát huy vai trò của người đứng đầu; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong nhiều mặt công tác; định kỳ tổ chức đối thoại với cán bộ, giảng viên, sinh viên... Việc thực hiện dân chủ đã góp phần quan trọng tạo nên sự đoàn kết, ổn định, phát triển của các trường; nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong tình hình mới.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện dân chủ ở một số trường đại học thuộc Đảng ủy Khối cũng có thể còn có những hạn chế, vướng mắc cần phải được khắc phục, như: Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của các trường tuy được thành lập nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa xây dựng chương trình công tác cụ thể, chưa kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo khi có thay đổi về nhân sự; Việc họp định kỳ đánh giá việc thực hiện dân chủ chưa thường xuyên. Một bộ phận cán bộ, giảng viên, sinh viên chưa có nhận thức và trách nhiệm đầy đủ về thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
 
“Do đó, hội nghị hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, những bài học thành công cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở. Qua đó, chúng ta có thể rút ra những giải pháp hiệu quả, đề xuất các sáng kiến cải tiến để cùng nhau xây dựng một hệ thống giáo dục ngày càng vững mạnh và tiến bộ”, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền nhấn mạnh.
 
TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tham luận
 
Hội nghị đã có 9 ý kiến tham luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các trường. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, việc triển khai tổ chức thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của ban giám hiệu gắn với thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Các đại biểu đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; trao đổi kinh nghiệm, những cách làm hay, những mô hình tốt trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
 
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội phát biểu tham luận
 
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội nêu rõ, dân chủ và thực hành dân chủ luôn là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt, khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 173 với mục đích tạo sự đồng bộ trong thực hiện Luật đối với toàn hệ thống chính trị Thành phố, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người lao động và Nhân dân đối với việc thi hành Luật; quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời, xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện. 
 
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
 
Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cho biết, Đảng bộ thành phố Hà Nội có 77 tổ chức đảng thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, thuộc 2 đảng bộ cấp trên cơ sở là Đảng ủy Khối và Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội. Tính đến ngày 30/9/2023, toàn Thành phố có 65/77 trường đã thành lập hội đồng trường với 1.063 thành viên, trong đó số thành viên tham gia cấp ủy là 420 đồng chí.
 
Việc đảm bảo hài hòa giữa vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, quản trị của Hội đồng trường, quản lý điều hành của ban giám hiệu đang ngày càng được cải thiện thông qua việc xây dựng các quy chế phối hợp. Đây cũng là nền tảng để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở phát huy hiệu lực.
 
Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thực sự hiệu lực, hiệu quả, đồng chí Đỗ Anh Tuấn đề nghị Đảng bộ Khối và các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đến toàn thể cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên, người lao động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn nhà trường.
 
Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường phải gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của hội đồng trường, của hiệu trưởng và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường. 
 
Bên cạnh đó, mở rộng hơn nữa việc thực hiện dân chủ ở tất cả các đối tượng và trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường; phát huy quyền làm chủ của giảng viên, cán bộ quản lý, người lao động, sinh viên, đề cao trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường.
 
Tăng cường nền nếp, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của cơ sở giáo dục; Tiếp tục quan tâm hoàn thiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu một cách hài hòa, không chồng chéo và rõ chức năng, nhiệm vụ. “Đây cũng là cơ sở quan trọng để tạo sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ. Việc thực hiện tốt các quy chế, quy định trong nhà trường như quy chế dân chủ, quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thi đua khen thưởng, quy chế tiếp công dân, giải quyết đơn thư… sẽ góp phần tạo niềm tin trong mỗi cán bộ, giảng viên, người lao động trong nhà trường, hạn chế tối đa mâu thuẫn phát sinh và tình trạng đơn thư”, đồng chí Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t