Hội nghị trực tuyến khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (16:07 17/03/2023)


HNP - Sáng 17/3, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01); phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”2 (Đề án 939).

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự chương trình có 200 đại biểu, gồm: Đại diện Lãnh đạo các ban Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Hội  Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện một số tổ chức trong nước và quốc tế. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội; trực tuyến tại 63 điểm cầu tỉnh, thành phố và livestream trên fanpage Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
 
Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 01/QĐ- TTg ngày 03/01/2023 trên cơ sở đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội nghị khởi động Đề án nhằm kịp thời triển khai Đề án, thống nhất nhận thức và trách nhiệm của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương, địa phương trong thực hiện đề án với mục tiêu phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ và phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
 
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi động Đề án 01
 
Trong khuôn khổ chương trình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Đây là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi tích cực tham gia khởi nghiệp; khởi sự kinh doanh; các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tài nguyên bản địa và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương trên cả nước; ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, các nữ vận động viên chuẩn bị giải nghệ. 
 
Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức lựa chọn, hỗ trợ các dự án tiềm năng, khả thi để hiện thực hóa góp phần thúc đẩy, thành lập mới, phát triển, duy trì hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự thi; phát hiện những nhân tố tiêu biểu, tích cực để bồi dưỡng thành các gương điển hình về khởi nghiệp thành công để tôn vinh và lan tỏa trong cộng đồng; bổ sung số lượng vào đội ngũ doanh nhân nữ của địa phương, của đất nước; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
 
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao sự chủ động, bài bản của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Đề án và triển khai thực hiện Hội nghị này. Đây là hoạt động rất quan trọng để sớm đưa Đề án được triển khai sâu rộng tại các địa phương.
 
Phó Thủ tướng cho biết, các đề án của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế. Đồng thời, thông qua phát triển kinh tế có tác động tích cực vào sự ổn định xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
 
Đồng thời, nhấn mạnh, đây là những yếu tố xã hội cần thiết cho sự phát triển ổn định và bền vững của mỗi quốc gia, mà phụ nữ với thiên chức người mẹ, người vợ, có vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, việc triển khai các Đề án 01, Đề án 939 không chỉ là nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay gánh vác.
 
Theo Phó Thủ tướng, Đề án 939 đã được triển khai một cách hệ thống, nhất quán, khoa học và linh hoạt ở cả cấp Trung ương và địa phương, giúp các cấp Hội và các ngành liên quan từng bước giải quyết được mục tiêu lan tỏa tinh thần quốc gia khởi nghiệp trong giới nữ. Với nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực, các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp hàng năm với những chủ đề đa dạng, phong phú, được triển khai có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh/thành, với quy mô toàn quốc, đã có hơn 63 ngàn phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh từ khi triển khai Đề án đến nay.
 
Trong lĩnh vực kinh tế tập thể, trong số hơn 29 ngàn hợp tác xã trên toàn quốc, có khoảng 10% hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, trong đó, nhiều hợp tác xã của phụ nữ đang khẳng định có nhiều ưu điểm, thế mạnh, đóng góp lớn trong sản xuất sản phẩm bản địa, chiếm 39% chủ thể sản phẩm OCOP, 80% lực lượng lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp là phụ nữ. Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng trên thực tế nhiều hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý quy mô còn nhỏ, chưa bắt kịp xu thế ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, còn thiếu tính liên kết, kết nối, sản phẩm chưa đạt chuẩn để xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
 
Phó Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, tham gia chủ động, phát huy vai trò, trách nhiệm; khắc phục những hạn chế thời gian qua để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Đề án; bám sát các quan điểm, mục tiêu, định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030, lấy phụ nữ, người dân tham gia hợp tác xã là trung tâm; chú trọng phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng và của toàn xã hội, lồng ghép nguồn lực thực hiện Đề án từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành quan tâm cân đối, bố trí kinh phí trong các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung phát triển kinh tế tập thể; rà soát đánh giá nhu cầu nhân lực nữ, xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhân lực nữ phục vụ phát triển kinh tế tập thể; phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các hội nghị, diễn đàn, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực kinh tế tập thể.
 
Đồng chí Lê Minh Khái tin tưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với những nỗ lực và quyết tâm, sáng tạo hơn nữa, chủ trì triển khai thành công Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".

Trần Hương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t