Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 (15:23 15/03/2023)


HNP - Sáng 15/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Quang cảnh Hội nghị


Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
 
Tìm các giải pháp đột phá để du lịch phát triển
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua đại dịch. Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, nắm bắt tình hình để đưa ra các giải pháp, đối sách phù hợp. Chúng ta cần suy nghĩ để có thêm bài học kinh nghiệm đối phó với những vấn đề mới nổi lên.
 
Theo Thủ tướng, nhìn lại những năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.
 
Do đó, Hội nghị này được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa.
 
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…
 
Thủ tướng khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.
 
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc. Thủ tướng gợi ý nên chăng có phong trào chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế-xã hội và du lịch nhanh, bền vững. 
 
Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
 
Thủ tướng mong các đại biểu hiến kế để chọn việc trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó.
 
Du lịch nội địa đã vượt ngưỡng 100 triệu lượt khách 
 
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời điểm tổ chức hội nghị hôm nay đúng tròn 1 năm Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại thị trường du lịch quốc tế (15/3/2022 - 15/3/2023), cùng với việc đẩy nhanh phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới và với sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngành du lịch của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn và bước đầu đã được được những kết quả, biểu hiện trên một số lĩnh vực sau:
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta tập trung nghiên cứu để tháo gỡ các điểm nghẽn khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm tại điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch của quốc tế vào Việt Nam, đồng thời, đề cao vao trò của du lịch nội địa, coi du lịch nội địa là bệ đỡ trong bối cảnh từng bước tiếp cận với thị trường khách quốc tế.
 
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi chưa có dịch.
 
Ngoài tháo gỡ về cơ chế, tiếp tục thực hiện các chính sách hướng tới giúp đỡ các doanh nghiệp du lịch trong vấn đề tiếp cận vốn, chính sách hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch và các chính sách khác về tiền điện, nước, tiền thuê đất đai trong các cơ sở lưu trú nhằm tạo điều kiện để chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
 
Chúng ta đã đẩy mạnh hơn về công tác thông tin, truyền thông trong việc xúc tiến, quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh.
 
Các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện để phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới.
 
Bộ cũng đã ban hành chiến lược maketing về phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 để tổ chức thực hiện, tổ chức các chương trình truyền thông du lịch trên nền tảng số với khẩu hiệu "Việt Nam - Đi để yêu" bằng hai ngôn ngữ Tiếng Anh và tiếng Việt. Lồng ghép, triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch với các sự kiện quan trọng có quy mô khu vực và quốc tế nhất là gần đây chúng ta đã tổ chức diễn đàn du lịch ASEAN.
 
Ngành Du lịch đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp "Sống trọn vẹn tại Việt Nam" trong giai đoạn mở cửa thị trường:
 
Lồng ghép triển khai các hoạt động, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế, gần đây nhất là Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex tại Indonesia, Hội chợ ITB Berlin 2023 tại Đức, với 700 biên bản ghi nhớ và cuộc đàm phán giữa những cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các công ty lữ hành với bạn bè quốc tế để cam kết và đưa khách quốc tế vào Việt Nam.
 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại Hội nghị
 
Nhiều hoạt động liên kết, quảng bá du lịch được nhiều địa phương tổ chức như: Hà Nội tổ chức Diễn đàn du lịch MICE, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế, Lễ hội Áo dài với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam", Đà Nẵng triển khai chương trình kích cầu du lịch với thông điệp "Tận hưởng Đà Nẵng", Hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023…
 
Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới kết nối với các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam như: Ấn Độ, Frankfurt (Đức), London (Anh), San Francisco (Mỹ)…
 
Điểm sáng nữa là chuyển đổi số: Hệ sinh thái du lịch thông minh từng bước được hình thành trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel; thẻ Việt-Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch.
 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã làm việc với Bộ Công an để kết nối dữ liệu trên cơ sở Đề án 06; chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách thăm quan điểm đến…làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch.
 
Chính nhờ các giải pháp nêu trên, toàn ngành du lịch khép lại năm 2022 đã hoàn thành được chỉ tiêu về khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm, tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng của đất nước. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
 
Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.
 
Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đến ngành du lịch
 
Về các hạn chế, tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thứ nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.
 
Một số nguyên nhân chính gồm: Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của Covid-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiền năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
 
Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.
 
Thứ ba, về sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy, ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.
 
Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
 
Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.
 
Để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, ngành du lịch đặt ra các mục tiêu năm 2023: khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
 
Về các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển Vùng, trong đó, tập trung:
 
Định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, bao gồm các lĩnh vực: Du lịch Văn hoá, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng. 
 
Cơ cấu lại thị trường du lịch; nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.
 
Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.
 
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 06/1/2023), trong đó huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một "Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển" đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.
 
Triển khai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023- "Bình Thuận - Hội tụ xanh" và chuỗi các hoạt động hưởng ứng của các địa phương trong toàn quốc nhằm xây dựng và tạo điểm nhấn về sản phẩm, dịch vụ phục vụ các hoạt động quảng bá, xúc tiến hàng năm của Du lịch Việt Nam.
 
Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hoá thị trường, tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu thị trường. Huy động sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước.
 
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng, triển khai Đề án "Phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án 06".
 
Phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết sau Hội nghị, Nghị quyết sẽ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Khẩn trương thực hiện mô hình chuyển đổi số gắn với kinh tế số; phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đến ngành du lịch của mình để 63 tỉnh, thành đều có 63 sản phẩm du lịch mang tính bản sắc, chú trọng nhiều hơn đến công tác kết nối, liên kết để bảo đảm được các chỉ tiêu mà nhiều địa phương đã đề ra. Tăng cường công tác quản lý nhà nước để giúp nhân dân nâng cao nhận thức làm du lịch, phấn đấu đạt được mục tiêu mỗi người dân trở thành đại sứ du lịch thân thiện.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t