Hà Nội thần tốc, quyết liệt thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (13:42 24/01/2023)


HNP - Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đến nay, cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội, đặc biệt, 7 quận, huyện có Dự án đi qua đã và đang dồn sức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai đúng tiến độ, quyết tâm đến tháng 6/2023 khởi công Dự án.  

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm việc với các quận, huyện về tiến độ xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô


Đã cắm xong toàn bộ mốc chỉ giới
 
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết: Đến nay, Dự án đã hoàn thành công tác phê duyệt, cắm mốc chỉ giới đường đỏ toàn bộ 58,2km trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, Hà Nội cũng đã phê duyệt điều chỉnh xong chỉ giới đường đỏ đoạn qua đê Song Phương theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hoàn thành công tác xác nhận, điều chỉnh để tổ chức công tác cắm mốc theo chỉ giới được duyệt.
 
Đối với nội dung điều chỉnh chỉ giới đường đỏ tại nút giao Quốc lộ 6 - Vành đai 4 (bổ sung thiết kế nút hoa thị hoàn chỉnh), hiện, Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn và Viện Quy hoạch Xây dựng đã hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1.1, gửi tham vấn cộng đồng và liên hệ làm việc với 40/40 xã liên quan. Hiện, đã hoàn thành tham vấn của huyện Sóc Sơn (2 xã), quận Hà Đông (3 phường), huyện Mê Linh (5 xã). 
 
Đối với công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), Ban Quản lý dự án cùng đơn vị tư vấn đã tổng hợp, hoàn thành BCNCKT dự án thành phần 1.1, trình Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị, địa phương liên quan thẩm định. Đến nay, đã có 11/15 Sở, ngành, quận, huyện có ý kiến thẩm định.
 
Công tác cắm mốc chỉ giới là một hạng mục quan trọng quyết định đến tiến độ của Dự án đường Vành đai 4 trong tương lai
 
Mặt khác, Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án thành phần 2.1. Đến nay, đã có văn bản kết quả tham vấn trên cổng thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đã gửi tham vấn 7 quận, huyện trên địa bàn Thành phố và 6 quận, huyện đã có văn bản trả lời, còn lại huyện Đan Phượng. Ban Quản lý dự án cũng đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2.1, 14/15 Sở, ngành, quận, huyện liên quan đã có ý kiến thẩm định, còn lại huyện Thường Tín chưa có ý kiến bằng văn bản và đã có kế hoạch hoàn thành sớm.
 
Ngoài ra, song song quá trình thẩm định dự án, Ban Quản lý dự án cũng đã lấy ý kiến thỏa thuận với Bộ Giao thông Vận tải để xem xét, thống nhất phương án giao cắt của tuyến đường song hành đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố Hà Nội với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại nút giao Quốc lộ 1A.
 
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 cũng đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thẩm định, đề xuất UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 1 này.
 
Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng
 
Theo số liệu cập nhật về giải phóng mặt bằng (GPMB) từ các địa phương, tổng diện tích thu hồi đất phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại Hà Nội là 794,74ha; nhu cầu tái định cư là 1.006 hộ; cần di dời khoảng 13.786 ngôi mộ, 43 cột điện cao thế.
 
Hiện nay, các quận, huyện đã lập xong phương án GPMB tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư và đã thành lập Hội đồng GPMB, tái định cư và Tổ công tác; đang kiểm đếm và dự thảo phương án và xây dựng kế hoạch triển khai phấn đấu hoàn thành 70% khối lượng GPMB vào tháng 6/2023, hoàn thành công tác GPMB trong năm 2023.
 
Ông Nguyễn Chí Cường cho biết, một trong những khâu khó khăn nhất là di chuyển mồ mả đang đạt kết quả rất khả quan. Các địa phương đã di chuyển được 3.694 ngôi mộ. Ngoài ra, đã phê duyệt phương án bồi thường được 104,14/846,739ha đất trong phạm vi dự án. Số tiền phê duyệt cho các phương án GPMB đạt 1.769,2 tỷ đồng.
 
Chi trả tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội tại huyện Sóc Sơn
 
Đại diện chủ đầu tư Dự án cho biết, đến Tết Nguyên đán 2023, các đơn vị, địa phương sẽ nỗ lực hoàn thành phê duyệt điều chỉnh chỉ giới đường đỏ nút giao Quốc lộ 6 - Vành đai 4; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án thành phần 1.1; thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần: 1.1, 2.1, 3.
 
Theo điều tra của đơn vị tư vấn và thông tin từ các tỉnh, Thành phố, cả Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh đều không được quy hoạch mỏ đất đắp, san lấp. Tuy nhiên, đã có một số mỏ đất được đưa vào danh sách nghiên cứu như mỏ thôn Khánh Chúc Bãi, xã Khánh Thượng và mỏ thôn Quy Mông, xã Phú Sơn thuộc huyện Ba Vì; 3 điểm mỏ tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Một số mỏ đất khác cũng đã được khảo sát như mỏ Công ty MĐ Việt Nam, Quốc Kỳ (tỉnh Bắc Giang); mỏ Núi Choẹt (tỉnh Thái Nguyên); mỏ Thiên Lộc (tỉnh Hòa Bình). Ông Nguyễn Chí Cường cho biết: “Các mỏ nêu trên được phân bố tương đối đều trên tuyến của dự án, thuận lợi cho việc khai thác”.
 
Đối với vật liệu cát đắp nền, theo điều tra của đơn vị tư vấn, tại tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hà Nội có một số mỏ đủ đáp ứng nhu cầu Dự án, tuy nhiên, công suất khai thác thấp. Với nguồn vật liệu đá xây dựng, tổng nhu cầu toàn dự án ước khoảng 5,968 triệu m3, hiện, đã khảo sát được trữ lượng khoảng 8,852 triệu m3 tại Hòa Bình, Hà Nam, Hà Nội...
 
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, công tác triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được triển khai rất quyết liệt, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị, tranh thủ được sự ủng hộ của người dân. Nếu duy trì tốt nhịp độ như hiện tại sẽ đáp ứng tiến độ từng khâu, đảm bảo được các mốc quan trọng của Dự án.
 
Hướng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua thành phố Hà Nội
 
* Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, bao gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, điểm đầu tại khoảng Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại khoảng Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km. Tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng thực hiện theo 07 dự án thành phần.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t