Giải trình, làm rõ những vấn đề quan trọng tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (15:37 23/11/2022)


HNP - Sáng 23/11, tiếp tục thực hiện Chương trình Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII làm việc tại hội trường nghe giải trình về các ý kiến góp ý của đại biểu trong hơn 1 ngày thảo luận tại tổ.

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội


Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn. Dự hội nghị còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; Bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
 
Trước đó, trong hai ngày 21 và 22/11, sau phiên khai mạc, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã dành thời gian tập trung thảo luận tại tổ về các báo cáo, tờ trình.
 
Mở đầu ngày làm việc thứ ba, thay mặt Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đã báo cáo, giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu góp ý đối với 5 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công và tài sản công.
 
Theo đồng chí Hà Minh Hải, qua kết quả tổng hợp thảo luận tại các tổ, có 110 lượt đại biểu phát biểu với 166 ý kiến trực tiếp. Về cơ bản, các đại biểu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho kỳ họp. Các tờ trình, báo cáo đã được chuẩn bị công phu, chất lượng, đầy đủ thông tin và được gửi đến các đại biểu trước phiên họp. Đồng chí Bí thư Thành ủy phát biểu khai mạc hội nghị đã có những phân tích, gợi mở những vấn đề, nội dung quan trọng, vấn đề trọng tâm để các đại biểu tập trung nghiên cứu thảo luận. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng, các đại biểu cơ bản tán thành với các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố với những nội dung rất quan trọng.
 
Các đại biểu cơ bản đều tán thành với kết cấu, bố cục và nội dung của các tờ trình, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến về kết quả, hạn chế và đặc biệt là phương hướng, giải pháp để hoàn thiện các chương trình, nhiệm vụ công tác của Thành phố. "Ban Cán sự đảng UBND Thành phố xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu để chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện các nội dung trình HĐND Thành phố", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải khẳng định.
 
Tiếp đó, đồng chí Hà Minh Hải cũng đã báo cáo giải trình cụ thể đối với 7 nhóm ý kiến các đại biểu quan tâm, gồm: Công tác xây dựng, chuẩn bị các tờ trình, báo cáo; tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch năm 2023; nguồn lực và phân bổ nguồn lực; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ và tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư công; Đề án quản lý tài sản công.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo, giải trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu 
 
Đáng chú ý, về tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch năm 2023, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, qua các buổi thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ bối cảnh khó khăn và kết quả đạt được của năm 2022. Thành phố cùng lúc triển khai nhiệm vụ của năm 2022 với khối lượng công việc lớn, vừa thực hiện nhiều nhiệm vụ cho trung và dài hạn như: Tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; tổng kết Luật Thủ đô; triển khai Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; rà soát tổng thể và toàn diện các lĩnh vực, các địa bàn để xây dựng và triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền; triển khai kế hoạch đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... Từ bối cảnh đó, bài học kinh nghiệm đem lại thành công năm 2022 là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của đồng chí Bí thư Thành ủy, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy. Đó là bài học về tầm nhìn, xác định mục tiêu, xác định trọng tâm, trọng điểm, đột phá của đột phá; phải luôn lắng nghe, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng; đồng thời, phải sâu sát, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, và thực chất; lấy hiệu quả và kết quả cuối cùng bằng sản phẩm cụ thể để đánh giá.
 
Cùng những kết quả đạt được, một số ý kiến cho rằng nên phân tích sâu về hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để từ đó đề ra phương hướng và giải pháp cho năm 2023. Đó là hạn chế về công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành của Thành phố và giữa các sở, ban, ngành với các quận, huyện, thị xã; là thiếu quyết liệt, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh của người đứng đầu một số đơn vị; hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính; sự chậm trễ trong việc thực hiện các kết luận của thanh tra và Kiểm toán Nhà nước; việc chậm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); nhiều việc tồn đọng kéo dài (404 dự án tồn đọng)... Đối với năm 2023, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, cần tập trung dự báo, đánh giá và phân tích kỹ hơn về bối cảnh, trong đó đều thống nhất nhận định cho rằng năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với năm 2022.
 
Về đầu tư công, nhiều ý kiến thống nhất đánh giá đây là điểm yếu của các năm, trong đó đặc biệt là năm 2022 và đề nghị phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân thực chất của việc giải ngân chậm. Trong đó, một số đại biểu có ý kiến đề nghị đánh giá về hiệu quả đầu tư, về thứ tự ưu tiên, như đối với lĩnh vực giao thông do đầu tư dàn trải, không theo thứ tự ưu tiên nên không thông suốt toàn tuyến và không phát huy được hiệu quả đầu tư. Các ý kiến cho rằng, cần đánh giá giám sát hiệu quả đầu tư từ trước khi dự án được phê duyệt. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tích hợp các ngành khi đề xuất dự án, trong đó đặc biệt là giao thông phải luôn đi trước; quy hoạch đất đai phải gắn kết chặt chẽ, khoa học với các quy hoạch khác.
 
Với Đề án quản lý tài sản công, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cơ bản các đại biểu đều thống nhất, đánh giá cao về sự cần thiết, tầm quan trọng của Đề án, đồng thời, đề nghị bổ sung một số nội dung và đề ra một số giải pháp. Trong đó, xác định việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn thiếu các chính sách pháp luật để quản lý hiệu quả, các ý kiến đều thống nhất yêu cầu bổ sung, báo cáo Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý hiệu quả và kịp thời xử lý các vi phạm. Các đại biểu đề nghị số hóa toàn bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm để quản lý toàn bộ tài sản công để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả. Đại biểu còn đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung một số hạng mục là các tài sản công khác như: Tài sản hợp tác xã; chợ; bến, bãi đỗ xe và kể cả tài sản công phi vật thể.
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu, giải trình, làm rõ các ý kiến thảo luận tại Hội nghị
 
Báo cáo giải trình về điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đã có 27 ý kiến tham gia đóng góp với 5 nhóm nội dung chính. Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, quy hoạch chung của Thủ đô cần lưu ý loại hình cư trú không định, từ đó, xem xét tỷ lệ nhất định để phát triển trong những năm tiếp theo. 
 
Theo đồng chí Dương Đức Tuấn, việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội lần này sẽ bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế, bảo đảm định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”... Ban Cán sự đảng UBND Thành phố xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm hoàn thiện tờ trình trong thời gian sớm nhất.
 
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu và làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ giờ đến cuối năm nay, từ UBND Thành phố đến các sở, ngành, các quận, huyện phải tập trung vào công tác trực tiếp rà soát từng dự án để phân tích tiến độ, khối lượng hoàn thành, phiếu giá, thanh toán... Chủ tịch UBND Thành phố cũng mong muốn các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn quan tâm đến vấn đề này, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
 
Liên quan đến triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, nguồn vốn thực hiện di chuyển mộ, lãnh đạo Thành phố nhất quán sử dụng nguồn vốn từ dự án Vành đai 4. Đề nghị các sở ngành liên quan thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương. Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhấn mạnh, việc này đang nóng, nếu vừa làm vừa cầm chừng sẽ không thể xong đúng tiến độ.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu giải trình, làm rõ các ý kiến thảo luận tại Hội nghị
 
Giải trình, làm rõ thêm các ý kiến đại biểu nêu về Dự thảo Chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, các ý kiến đều cơ bản nhất trí với dự thảo Chương trình công tác. Một số ý kiến cũng băn khoăn về việc các nội dung chưa thực hiện theo Chương trình công tác năm 2022 sẽ dẫn đến áp lực cho năm sau; về việc này, tại tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy đã đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Văn phòng Thành ủy phối hợp Ban Cán sự đảng UBND Thành phố rà soát, thống nhất và trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định việc không tiếp tục thực hiện hoặc chuyển tiếp sang Chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy đối với từng nội dung cụ thể.
 
Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung nội dung đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố; bổ sung nội dung lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đầu tư trên địa bàn Thành phố; bổ sung nội dung công tác chỉ đạo Đại hội công đoàn các cấp; bổ sung nội dung báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy về định hướng công tác quy hoạch, quản lý, khai thác hồ Tây trong tháng 6; kiến nghị Thành ủy ban hành chỉ thị phát triển giao thông đường sắt đô thị để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố đề ra. Với những kiến nghị này, Ban Thường vụ Thành ủy xin được tiếp thu và sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu tổng hợp, đề xuất, đưa vào Chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy; đồng thời giao nhiệm vụ cho các cơ quan chủ trì tham mưu, báo cáo.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết phát biểu, giải trình, làm rõ các ý kiến thảo luận
 
Làm rõ về những ý kiến đại biểu nêu về Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết, theo dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy nêu trong năm 2023, Thành ủy dự kiến thực hiện một cuộc kiểm tra, nội dung sẽ bám sát việc thực hiện các chủ trương, quy định về công tác cán bộ và 2 cuộc giám sát chuyên đề liên quan đến việc thực hiện các chương trình, nghị quyết về phát triển văn hóa và việc thực hiện sau kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
 
Qua 14 ý kiến đóng góp, cơ bản các đại biểu thống nhất cao với dự thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng số lượng các tổ chức Đảng được kiểm tra còn ít và đề xuất kiểm tra tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, theo dự thảo kế hoạch, đoàn kiểm tra, giám sát  của Thành ủy  sẽ trực tiếp kiểm tra tại một số địa phương, đơn vị. Số còn lại sẽ tự thực hiện kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện để tiến hành tổng hợp và đánh giá chung. Đồng chí Hoàng Trọng Quyết cũng cho biết, việc kiểm tra, giám sát sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan, đơn vị. Thời gian kiểm tra, giám sát sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn...
 
Sau khi Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày Dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t