Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam (19:13 29/09/2022)


HNP - Chiều 29/9, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cùng đoàn công tác của Thành phố đã làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để bàn các giải pháp phát triển nông nghiệp Thủ đô.


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng: Hiện nay, nông nghiệp Thủ đô vẫn chưa phát triển xứng tầm vóc, vị trí, cũng như chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, định hướng phát triển chưa rõ ràng cũng như chưa định hình được hướng đi của mình. Phó Chủ tịch cho biết, hiện, Thành phố đang hoàn thiện quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh lại Luật Thủ đô - đây là 2 cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội lồng ghép vào quy hoạch, đưa vào các điều khoản đặc thù để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp Thủ đô phải có đặc thù, khác với tỉnh khác, trong đó, phải phát huy được 3 thế mạnh: tính trí tuệ, áp dụng khoa học công nghệ và nguồn kinh phí đầu tư.
 
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Phạm Bảo Dương cho biết: Học viện đã có 66 năm xây dựng và phát triển, là trường Đại học trọng điểm Quốc gia. Học viện có 1.275 cán bộ, viên chức, gồm 613 cán bộ giảng dạy và 662 cán bộ quản lý, nghiên cứu và nhân viên. Trong số giảng viên có 11 Giáo sư, 78 Phó giáo sư, 240 Tiến sỹ, 281 Thạc sỹ. Trên 90% giảng viên và nghiên cứu viên Học viện được đào tạo sau đại học tại các nước có nền giáo dục Đại học và KH&CN tiên tiến như: Mỹ, Úc, Hà Lan, Nhật Bản, Đức… Học viện có 14 Khoa chuyên môn, 10 Viện nghiên cứu, 15 Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao, 2 Công ty, 52 Phòng thí nghiệm (trong đó, có 6 phòng đạt chuẩn ISO), 82 mô hình khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, Học viện còn có 46 nhóm nghiên cứu (36 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 nhóm nghiên cứu xuất sắc, 4 nhóm nghiên cứu tinh hoa) và 15 nhóm doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin off) đang được ươm tạo, tiến tới thành lập các công ty Spin off theo mô hình các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp trên thế giới. Học viện đang có các hướng nghiên cứu chính như: thể chế, chính sách, tăng trưởng xanh, nông nghiệp sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ sinh học, giống cây trồng, dược liệu và các hợp chất thiên nhiên, vắc xin và các chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi, quản lý đất đai…

Tính đến tháng 6/2022, Học viện đã đào tạo riêng cho Hà Nội 14.713 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ thú y; 2.348 Thạc sỹ và 24 Tiến sỹ. Giai đoạn 2011-2022, đã thực hiện 630 đề tài KH&CN các cấp trên địa bàn Thành phố. Nhiều quy trình công nghệ đã được áp dụng hiệu quả trên địa bàn Thành phố như kỹ thuật phân lập vi tảo; công nghệ nhân giống, nhân sinh khối tảo; Công nghệ nuôi trồng nấm Linh Chi Ga-2; Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho ong chúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mật… Đặc biệt, đã triển khai một số chương trình, đề tài, đề án như: Đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen sinh vật Hà Nội”; Đề án “Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển đô thị Hà Nội xanh đến năm 2030, định hướng 2050”…

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc, Học viện Nông nghiệp kiến nghị Thành phố điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Học viện, tỷ lên 1/500 và phân khu N11, đã được phê duyệt từ năm 2015 để phù hợp với tình hình thực tế; Hỗ trợ đẩy nhanh việc thu hồi đất bị mất, lấn chiếm hành lang sông cầu Bây; Đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất khu vực chợ Cổng Học viện; Tạo điều kiện cho Học viện trong quá trình thi công xây dựng để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học…Đặc biệt, đề nghị Thành phố đặt hàng Học viện tham gia một số nội dung của Chương trình CTR04 với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Nội theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái và bền vững với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh tạo các vành đai xanh hài hòa với đô thị.

Đồng thời, giao Học viện xây dựng và phát triển vùng nhân giống, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại huyện Gia Lâm; Xây dựng Trung tâm cây giống trên địa bàn huyện Gia Lâm. Ngoài ra, giao Học viện xây dựng Trung tâm khoa học công nghệ nông nghiệp quốc tế tai Hà Nội; Giao Học viện chủ trì xây dựng và triển khai Chương trình quỹ gen, bảo tồn, phát triển nguồn ghen đặc hữu của Hà Nội, tạo ngân hàng quỹ gen Hà Nội (Hanoi Biobank).

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến để phát triển nông nghiệp thủ đô, trong đó, tập trung phát triển những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao; phải tận dụng được lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường rộng lớn; phải gắn với quá trình chuyển dịch lao động và phát triển đô thị gắn với các chuỗi đô thị vệ tinh để giãn dân nội đô. Hà Nội cũng cần xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn; cho ứng dụng cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng phải phát huy tối đa lợi thế của từng vùng như miền núi, vùng ven nội thị; Việc phát triển nông nghiệp phải bắt đầu từ việc thu hút được các doanh nghiệp, công ty lớn cùng tham gia làm nông nghiệp…
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu kết luận
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời khẳng định việc phát triển nông nghiệp của Thủ đô phải mang tính đặc thù riêng và có sự ủng hộ, phối hợp của các nhà khoa học. Sau buổi làm việc này, Học viện cũng cần phối hợp, giúp đỡ nông nghiệp Thủ đô với những định hướng, công việc cụ thể để tạo sức hút cho nông nghiệp Thành phố, thu hút nhiều doanh nghiệp, đơn vị tham gia làm nông nghiệp. Đặc biệt, cần đưa ra được những mô hình phát triển phù hợp với những đặc thù riêng với từng vùng...

Đối với những nội dung Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị, Phó Chủ tịch đề nghị các sở, ngành, UBND huyện Gia Lâm tập trung triển khai xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t