UBND Thành phố họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 (19:31 09/09/2022)


HNP - Chiều 9/9, UBND Thành phố đã tổ chức họp báo, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 và một số nội dung chuyên đề. Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn của UBND Thành phố Trương Việt Dũng cùng các đồng chí: Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo


Tham gia buổi họp báo có đại diện lãnh đạo một số Sở, Ngành Thành phố cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố.
 
Kinh tế Thủ đô tiếp tục phục hồi tích cực
 
Theo thông tin được UBND Thành phố cung cấp tại buổi họp báo, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu cân đối lớn về kinh tế của Thành phố được đảm bảo. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luỹ kế ước thực hiện đến hết tháng 8 là 223.132 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán, bằng 110,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương, luỹ kế ước thực hiện đến tháng 8, là 43.129 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán đầu năm, bằng 110,1% so với cùng kỳ.
 
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 1.422 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11.121 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2021. Các chỉ số hoạt động kinh doanh tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và phát triển tốt. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 0,9% so với tháng 7/2022, tăng 15,7% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, IIP tăng 8,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 451,339 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.
 
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đẩy mạnh. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Thành phố thu hút 992,4 triệu USD vốn FDI, trong đó, đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn 141,3 triệu USD; 122 lượt tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 374,6 triệu USD và 258 lượt góp vốn với số vốn 476,2 triệu USD. Bên cạnh đó, Thành phố cũng thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách gồm 15 dự án mới với số vốn 31.480 tỷ đồng. Cũng tính chung 08 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 20.023 doanh nghiệp với số vốn 226.037 tỷ đồng (tăng 22% về số lượng doanh nghiệp và tăng 2% vốn đăng ký so với cùng kỳ).
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng điều hành họp báo
 
Đáng chú ý, lượng khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 8 ước đạt 148 nghìn lượt khách, tương đương với tháng 7 và tăng 45,3% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng, khách trong nước đến Hà Nội đạt 956 nghìn lượt khách, tăng 83,6%. Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 8 ước đạt 132 nghìn lượt khách, tăng 22,2% so với tháng 7/2022 và tăng 18,5 lần so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 477 nghìn lượt khách, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách sạn, nhà hàng đạt 56,749 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2 lần; Doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,838 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ.
 
Hà Nội đẩy mạnh phân cấp đối với 634 thủ tục hành chính
 
Thông tin đến báo chí về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố, sẽ được UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp ngày 12/9/2022, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Quân cho biết, việc phân cấp, ủy quyền đã được thành phố Hà Nội thực hiện 16 năm nay, trong đó, HĐND Thành phố ban hành 2 Nghị quyết, UBND Thành phố ban hành 8 quyết định về phân cấp, ủy quyền, với tinh thần những gì cấp dưới làm tốt thì sẽ phân cấp, ủy quyền.
 
Trong Đề án lần này, Thành phố xác định 5 trọng tâm. Trong đó, tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai. Tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ.
 
Rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách triệt để. Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính của toàn Thành phố là 1.884 thủ tục, gồm 1.534 thủ tục cấp Thành phố (gồm UBND và Chủ tịch UBND Thành 384 thủ tục; sở, ngành có 1.150 thủ tục), cấp huyện là 244 thủ tục, cấp xã là 106 thủ tục. Qua rà soát, tổng hợp, đề xuất, dự kiến sẽ phân cấp, ủy quyền đối với 634 TTHC, đạt 35,5% TTHC cấp Thành phố và cấp huyện (tính riêng cấp Thành phố là 41,65%). 
 
Ngoài ra, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết ngày 03/8/2016 với việc bổ sung phân cấp đối với 09 nhiệm vụ so với quy định phân cấp hiện hành liên quan đến: Quản lý tượng đài, tranh hoành tráng; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách cho các quận; lĩnh vực di tích; chợ; nước sạch ở vùng sâu vùng xa; xử lý nước thải tại các khu dân cư không kết nối được với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của Thành phố; bến xe, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông; trường trung học phổ thông.
 
Các đơn vị trả lời báo chí tại buổi họp báo
 
Thành phố cũng tiếp tục xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện. 
 
Cùng với đó, tiếp tục rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế; rà soát về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố; rà soát về TTHC để đảm bảo nguồn lực thực hiện phân cấp, giảm thời gian thực hiện các TTHC. 
 
Dành hơn 1,1 nghìn tỷ đồng hỗ trợ học phí năm học 2022-2023
 
Về dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Nguyễn Quang Tuấn cho biết, thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các địa phương phải quy định mức học phí trong khung quy định của Chính phủ. Theo đó, mức thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP cao hơn mức thu học phí của Hà Nội năm học 2021-2022.
 
Hiện nay, về cơ bản dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế Thành phố đang từng bước phục hồi, ổn định. Tuy nhiên, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm giảm tác động do việc điều chỉnh học phí theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh và để đảm bảo an sinh xã hội, UBND Thành phố dự kiến đề xuất học phí học sinh phải đóng thực tế năm học 2022-2023 giữ nguyên như mức học phí phải đóng năm học 2021-2022 (bao gồm cả việc hỗ trợ 50% học phí).
 
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Nguyễn Quang Tuấn trả lời báo chí tại buổi họp báo
 
Phần chênh lệch so với mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, ngân sách Thành phố sẽ cấp bổ sung cho các đơn vị. Dự kiến ngân sách Thành phố phải hỗ trợ khoảng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng cho năm học 2022-2023.
 
Ngoài chính sách trên, UBND Thành phố dự kiến đề xuất cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023. Theo đó, có 02 đối tượng được hỗ trợ, cụ thể: Học sinh học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã miền núi (được hỗ trợ 100% học phí); Học sinh thuộc đối tượng giảm học phí theo quy định của Chính phủ (được hỗ trợ toàn bộ phần học phí còn lại, sau khi đã hưởng chính sách giảm học phí theo quy định của Chính phủ). 
 
Với chính sách trên, học sinh ở khu vực miền núi và học sinh thuộc đối tượng giảm học phí sẽ không phải đóng học phí. Dự kiến, kinh phí ngân sách hỗ trợ khoảng hơn 17 tỷ đồng.
 
Tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm vi phạm về PCCC với các cơ sở Karaoke
 
Liên quan đến vấn đề PCCC, đặc biệt là tại các sơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, Chánh văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng thông tin, UBND Thành phố đã ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND, ngày 9/9/2022, chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm vi phạm về PCCC với các cơ sở Karaoke. Trong đó nhấn mạnh đối với những cơ sở kinh doanh Karaoke, bar, vũ trường trong thời gian sửa chữa kiên quyết yêu cầu không hoạt động, chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm. 
 
Thông tin thêm về nội dung này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết, Công an Thành phố luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Công an, Thành ủy, UBND Thành phố trong công tác PCCC. Hàng năm, Công an Thành phố đều có kế hoạch phối hợp với các địa phương để kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có điều kiện vi phạm quy định về PCCC. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không chấp hành nghiêm, lén lút hoạt động khi không đủ các điều kiện PCCC. Công an Thành phố đã phối hợp, phát hiện xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
 
“Công an Thành phố phải bố trí nhiều nhân lực đi giám sát các cơ sở này để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ. Công an Thành phố Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm, chấm dứt hoạt động đối với các đơn vị vi phạm; quy trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân, tập thể để xảy ra vi phạm”, Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết.
 
Gần 258 tỷ đồng hỗ trợ, động viên công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về Dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết: Ngày 31/8/2022, UBND Thành phố có Tờ trình số 286/TTr-UBND trình HĐND Thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội. Nghị quyết dự kiến được trình HĐND Thành phố thông qua vào kỳ họp thứ 9, ngày 12/9/2022.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng là công chức, viên chức, lao động hợp đồng đang làm việc tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời, đã tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Cùng với đó là viên chức, lao động hợp đồng có chuyên môn y tế đang làm công tác y tế tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời, đã tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc Da cam/Dioxin thành phố Hà Nội, các Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội…
 
“Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng ngành y tế Thủ đô là chính sách mới, đặc thù của thành phố nhằm động viên kịp thời đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội. Trong đó, Liên Sở Y tế - Tài chính - Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tham khảo trên một số mức chi hỗ trợ một lần tại thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến góp ý của các Sở, các Ban HĐND Thành phố, ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố, tại cuộc họp ngày 28/7/2022, trên cơ sở ý kiến góp ý bằng văn bản của các Sở, ban ngành Thành phố… với tổng dự kiến kinh phí hỗ trợ là 257.859 triệu đồng”, ông Vũ Cao Cương cho biết.
 
Các mức hỗ trợ được đề xuất theo mức độ công việc và cho từng vị trí trực tiếp làm chuyên môn y tế và không trực tiếp làm chuyên môn y tế bao gồm: Mức 1 là 10 triệu đồng/người; mức 2 là 7 triệu đồng/người; mức 3 là 5 triệu đồng/người. Cụ thể, các bệnh viện, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm gồm: Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm) được hưởng mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người. Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính) được nhận mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người. Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm pháp y, Trung tâm Tư vấn dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm gồm: Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm) được nhận mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người...
 
Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế và văn hóa
 
Liên quan đến câu chuyện phải bốc thăm để vào trường mầm non ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái đã thông tin cụ thể. Theo đó, quận Hoàng Mai hiện có có 227 tòa nhà chung cư cao tầng, 2 chung cư cũ. Quận có mật độ dân cư cao nhất Thành phố. Riêng phường Hoàng Liệt có 85 chung cư, 5 tòa đang xây dựng. Dân số phường Hoàng liệt có 92.000 người, hằng năm tăng khoảng 2.000 trẻ mầm non. Trên địa bàn phường có 11 trường (6 trường công lập và 5 trường mầm non tư thục). 
 
Trong đó, Trường mầm non Hoàng Liệt có 4 cơ sở với 27 lớp học. Năm học 2022-2023, trường mầm non Hoàng Liệt chỉ tiếp nhận được 1.202 học sinh, trong đó, 333 học sinh từ 3-4 tuổi trong khi có 718 hồ sơ đăng ký. Trường đã họp với phụ huynh, tổ dân phố, bí thư chi bộ để tìm kiếm giải pháp. Đa số đồng tình với cách bốc thăm. Về quy hoạch mạng lưới trường học, UBND quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát, tăng cường nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ. Riêng phường Hoàng Liệt dự kiến xây dựng 2 trường mới trong thời gian tới.
 
Quận Hoàng Mai cũng kiến nghị Thành phố xem xét, điều chỉnh quy hoạch đất xây trường học; thu hồi các dự án xây dựng trường học mà chủ đầu tư chậm triển khai để giao cho UBND quận lập dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách quận.
 
Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng trả lời báo chí tại buổi họp báo
 
Thông tin thêm về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng cho biết, đối với các dự án chậm triển khai, quan điểm của lãnh đạo Thành phố là kiên quyết thu hồi. Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Thành phố đã thu hồi đối với 7 dự án với quy mô 185 ha, trong tháng 9 này, tiếp tục thu hồi đối với 230 ha. 
 
Đối với các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai, hiện nay, đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo rà soát, trường hợp nhà đầu tư không triển khai thì sẽ thu hồi để triển khai bằng hình thức đầu tư công để thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về quan tâm đầu tư cho 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế và văn hóa.
 
Trả lời một số vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm liên quan đến thông tin UBND Thành phố yêu cầu chuyển dự án nhà ở xã hội 393 Lĩnh Nam của Tập đoàn Hòa Bình từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng cho biết, UBND Thành phố chưa có văn bản chỉ đạo nào về nội dung này. Thời gian qua, Công ty Hòa Bình có hồ sơ đề xuất, nộp qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, UBND Thành phố đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát báo cáo UBND Thành phố. “UBND Thành phố chưa có văn bản chỉ đạo nào về việc không đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại đây”, Chánh Văn phòng UBND Thành phố khẳng định.

Trọng Toàn - Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t