Rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm trong phối hợp giữa các sở, ngành với quận, huyện (11:37 06/07/2022)


HNP - Sáng 6/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, HĐND Thành phố, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại hội trường về các nội dung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kết quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên thảo luận tại hội trường


Mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trong chiều qua, 5/7, HĐND Thành phố tổ chức thảo luận 05 tổ đại biểu về 04 nhóm nội dung trên. Các tổ đại biểu HĐND Thành phố đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng với 45 đại biểu phát biểu tập trung vào 87 ý kiến, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm trí tuệ của đại biểu HĐND.
 
Thảo luận trực tiếp tại hội trường, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Mê Linh) cho rằng, việc triển khai các gói kích thích kinh tế hiện nay vẫn chậm; doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, mặt bằng; dẫn đến chỉ số phát triển công nghiệp tăng thấp. Bên cạnh đó, các khoản chi, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong khi đây là nguồn lực quan trọng, do vậy cần xem xét nguyên nhân, nhất là quy trình thủ tục, năng lực, trách nhiệm của cán bộ. Ngoài ra, Thành phố cần mạnh dạn phân cấp những việc gì quận, huyện làm được và cần có sự tham gia đánh giá của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp.
 
Đại biểu Phạm Đình Đoàn phát biểu tại kỳ họp
 
Liên quan đến việc triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất của Thành phố, đại biểu đề nghị cần làm rõ kết quả đấu giá so với kế hoạch về cả số lượng và số tiền thu để đánh giá mức độ thực hiện. Đồng thời, phải làm rõ vì sao có quận, huyện đấu giá đất đạt kết quả đạt cao trong khi có quận, huyện đạt kết quả thấp, thậm chí là 0%.
 
“Xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có rất nhiều mục tiêu lớn. Đây là một trong những định hướng quan trọng của Thành phố. Rất cần các thế hệ lãnh đạo đột phá, dám chịu trách nhiệm để xây dựng Hà Nội thành Thành phố đáng sống, bền vững, thông minh. Đó là yêu cầu, mong muốn của người dân và là di sản để lại cho thế hệ sau”, đại biểu Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh.
 
Nêu trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các phòng ban với quận, huyện, đại biểu Phạm Quang Thanh (tổ Sóc Sơn) cho rằng công tác phối hợp trách nhiệm chưa cao, chưa rõ ràng. Có những việc quận huyện vướng mắc nhưng hỏi các sở, ngành thì ý kiến trả lời chưa rõ. Có những việc cần phối hợp của nhiều sở ngành nhưng một vài ý kiến chưa rõ thì tắc lại hết. Rồi một số sở, ngành cho ý kiến bằng văn bản, nhưng khi dự họp lại ý kiến khác... Tất cả những vấn đề này cần phải xem xét lại vì ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đầu tư công, GPMB, đấu giá đất...
 
Đại biểu Phạm Quang Thanh phát biểu tại kỳ họp
 
Về kết quả giải ngân đầu tư công, đại biểu Phạm Quang Thanh chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến kết quả thấp, trong đó, vướng nhất là về quy trình thủ tục, đặc biệt là thủ tục đầu tư, vướng về công tác GPMB, chi phí nguyên vật liệu tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19... Do vậy, cần linh hoạt hơn trong quản lý điều hành, có sự phối hợp chặt chẽ. Về công tác đấu giá quyền sự dụng đất, đại biểu Phạm Quang Thanh đề nghị Thành phố cần nhanh chóng tháo gỡ, hướng dẫn triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. 
 
Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Thành phố 6 tháng đầu năm, đại biểu Nguyễn Xuân Đại (tổ Hoài Đức) cho rằng Thành phố đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, không những tạo động lực để phát triển Thủ đô trong thời gian tới, mà còn tháo gỡ, làm cơ sở điều chỉnh lại Luật Thủ đô... Thống nhất nhiệm vụ phải tháo gỡ, đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Xuân Đại cho rằng đây là việc rất cần thiết, bởi trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Thành phố cần rất nhiều nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là đường vành đai 4, đầu tư cho 3 lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng 5 huyện lên quận...
 
Đại biểu Nguyễn Xuân Đại phát biểu tại kỳ họp
 
Đại biểu Trịnh Xuân Quang (tổ Thanh Xuân) cho rằng, khi Thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đã bước sang giai đoạn phục hồi phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội. GRDP tăng trưởng quý II cao 7,79%; xuất khẩu và tiêu dùng nội địa phát triển mạnh. Nêu vấn đề công tác đấu giá đất để thu ngân sách địa phương còn chậm…, đại biểu Trịnh Xuân Quang cho rằng Thành phố đã xác định tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về chính sách pháp luật, những nút thắt cần phải tháo gỡ trong xác định giá đất khởi điểm, song, nhiều đơn vị tư vấn e ngại.
 
Theo đại biểu Trịnh Xuân Quang, nguyên nhân sâu xa là từ những vướng mắc về chính sách pháp luật, phương pháp xác định giá. Thành phố đã có nhóm các giải pháp, trong đó, có kiến nghị Trung ương sửa đổi các chính sách đất đai... Đại biểu cho rằng đây là những đề xuất trúng và đúng. Đồng thời đề nghị, trong Quý III/2022, Thành phố tập trung hiện thực hóa những đề xuất này để đảm bảo hiệu quả thu ngân sách cho Thành phố.
 
Đại biểu Trần Anh Tuấn - Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho rằng, kinh tế Thủ đô trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh nhưng chưa đều, tốc độ tăng sản xuất công nông nghiệp còn chậm. Trong 6 tháng cuối năm, Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa kinh tế dịch vụ, nhất là các loại hình mới như kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, đại biểu kiến nghị Thành phố quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo thị xã Sơn Tây phát triển mạnh hơn về tuyến phố đi bộ, tạo được không gian đô thị. Sau 2 tháng triển khai, đã đánh giá được thành công của tuyến phố đi bộ, xúc tiến tăng trưởng kinh tế.
 
Đại biểu Trần Anh Tuấn phát biểu tại kỳ họp
 
“Tới đây, mong Thành phố hỗ trợ Sơn Tây thí điểm hệ thống xe điện, đưa đón khách du lịch từ các khu nghỉ dưỡng ra tuyến phố đi bộ và các di tích của Sơn Tây vào dịp cuối tuần”, đại biểu Trần Anh Tuấn đề xuất.
 
Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu thực trạng có hiện tượng không canh tác, để ruộng hoang hóa. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã muốn tích tụ ruộng đất, thực hiện dự án, thì người dân lại đòi giá cao. Do đó, cần phải có giải pháp để hỗ trợ tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Trọng Toàn - Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t