Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2022 (20:03 01/07/2022)


HNP - Chiều 1/7, Văn phòng UBND Thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội quý II/2022. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học; Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng và Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương đồng chủ trì buổi họp báo. 

Toàn cảnh buổi họp báo


Mở đầu buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, Thành phố đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, hầu hết (99,9%) người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2, mũi nhắc lại tỷ lệ đạt cao (95,4% với người trên 18 tuổi). Triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 69,2% số trẻ thuộc đối tượng tiêm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế. 
                          
Kinh tế Thành phố trong Quý II/2022 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,49% (cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm là 6,4-6,9%). Lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79% (gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 là 6,02% và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19)... Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,5%; cùng kỳ năm 2019 tăng 5,4%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,20 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 20,49 tỷ USD, tăng 24,5% (cùng kỳ năm 2021 tăng 21,1%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,6%).
 
Tổng mức bán lẻI ước đạt 174,44 tỷ đồng, tăng 24,3%; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 336,01 tỷ đồng, tăng 16,5% - gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 7,2%). Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 36,2%, doanh thu tăng 46,9%; Lũy kế 6 tháng đầu năm tăng tương ứng 32,8% và 44,9% (cùng kỳ tương ứng giảm 10,7%, tăng 11,3%). 
 
Đáng chú ý, ngành du lịch thành phố cũng có bước phục hồi mạnh mẽ. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 374% và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% (cùng kỳ giảm 86,2%); Khách du lịch trong nước tăng 188% và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 142% (cùng kỳ giảm 17,7%).
 
Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng thông tin tai buổi họp báo
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND Thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,25%, cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%; trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất là 16,07%. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,6% (cùng kỳ tăng 8,7%); GRDP ngành công nghiệp ước tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 7,66%). Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%) vẫn còn cao. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước 6 tháng đầu năm tương đương cùng kỳ, cao hơn các địa phương thuộc phạm vi kiểm tra của Tổ công tác số 4 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tuy nhiên, vẫn thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với yêu cầu… 
 
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đẩy nhanh công tác quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng kết thi hành Luật Thủ đô.
 
Tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; kiểm soát giá cả, thị trường; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và Thành phố; tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới... 
 
Về phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin, Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa; tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X; thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện giảm nghèo bền vững theo chuẩn mới ban hành của Thành phố...
 
UBND Thành phố cũng tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động ổn định; đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy điện rác Seraphin, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá…
 
Thực hiện hiệu quả Chủ đề năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Thành phố tập trung khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạch định chính sách, xây dựng Chính quyền điện tử. Triển khai thực hiện Đề án của Thành ủy về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026; sơ kết 1 năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo nghị quyết của Quốc hội....
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương trả lời báo chí
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới thông tin gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: Tình trạng này xảy ra rải rác trong năm 2021 và 5 tháng năm 2022. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế là do dịch bệnh kéo dài tạo áp lực lớn lên các tuyến y tế; Nguồn thu của các đơn vị bị sụt giảm nhiều, đặc biệt là các đơn vị tự chủ chi thường xuyên...
 
Trước tình hình đó, Sở Y tế đã có báo cáo lên các cấp và thực hiện ngay các giải pháp như: Căn cứ vào đề án việc làm ký kết hợp đồng tuyển dụng với nhân viên y tế ngay trong thời điểm dịch; Huy động hỗ trợ nhân lực cho các đơn vị y tế; Xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức để nhân viên y tế có thể đăng ký thi tuyển... Thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện kiến nghị những chính sách thu hút cán bộ y tế; Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ nhân viên y tế để đội ngũ này tin tưởng vào sự quan tâm của đơn vị và các cấp chính quyền.
 
Thông tin về tình hình phòng, chống dịch của thành phố thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, theo giải mã trình tự gen của Bệnh viện Bạch Mai đã xuất hiện chủng mới là BA.5. Đây là biến chủng phụ của chủng Omicron, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn BA.1 và BA.2, tuy nhiên có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
 
Thời gian tới, việc thực hiện công tác chống dịch của TP sẽ tập trung vào việc phát hiện sớm qua test nhanh; Chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở điều trị, thu dung; Đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 4 và các mũi tiêm cho trẻ... Hiện, việc thực hiện tiêm mũi 4 còn chậm, TP và các Sở, ngành đang tích cực đẩy mạnh truyền thông, tăng cường tiêm mũi 3-4 cho người dân và trẻ em. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng bởi việc tiêm đầy đủ các mũi sẽ giúp tăng cường kháng thể, hiệu lực bảo vệ tốt, giảm tỉ lệ chuyển nặng.
 
Đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất và quản lý quỹ nhà tái định cư
 
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên báo chí về các biện pháp trong việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn Thành phố, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: Qua rà soát, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 143 dự án/khu đất với tổng diện tích khoảng 87,6ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (hoặc là đất không phải giải phóng mặt bằng) và đã được UBND Thành phố quyết định giao đất, đang thực hiện thiết lập hồ sơ, chuẩn bị điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định… 
 
Để đảm bảo hoàn thành Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022, Sở đã tham mưu UBND Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm, trong đó yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thiện các thủ tục về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh; đôn đốc các quận, huyện, thị xã hoàn thành nhanh thủ tục xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định số 1841/QĐ-UBND ngày 01/6/2022 của UBND Thành phố; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng; đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định…
 
Trả lời báo chí về công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết: hiện nay, Thành phố đang đầu tư xây dựng 05 khu nhà tái định cư gồm 1.272  căn hộ, cụ thể như: Khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng tại ô đất CT4 khu tái định cư tập trung Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm; Dự án xây dựng nhà B,C khu tái định cư tại phường Trần Phú (phục vụ GPMB Công viên Tuổi trẻ Thủ đô); Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu B10/ODK3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu C13/DD1 thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai; Dự án xây dựng nhà ở cao tầng thuộc khu đô thị Đền Lừ III do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư: 362 căn hộ, thành phố đã bố trí các căn hộ tại dự án để phục vụ công tác GPMB thực hiện dự án đường Tam Trinh. Đối với các khu nhà tái định cư trên, Thành phố đã cho rà soát tình trạng cũng như xác định nguyên nhân chưa hoàn thành dự án, từ đó đôn đốc chủ đầu tư dự án sớm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. 
 
Về công tác khắc phục các khu chung cư tái định cư xuống cấp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin: căn cứ các quy định, hàng năm các đơn vị quản lý vận hành phối hợp với các Ban Quản trị nhà chung cư tái định cư tổng hợp 6 hạng mục được Nhà nước hỗ trợ bảo trì từ nguồn cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu Nhà nước tại các nhà chung cư tái định cư gửi Sở Xây dựng phê duyệt Kế hoạch bảo trì theo quy định. Hiện nay đối với công tác bảo trì 6 hạng mục được Nhà nước hỗ trợ; Sở Xây dựng đã phê duyệt Kế hoạch bảo trì cho các đơn vị quản lý vận hành năm 2022, các đơn vị đang triển khai thực hiện theo quy định.
 
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo thông tin tại buổi họp báo
 
Thông tin về hiệu quả hoạt động cũng như các giải pháp quản lý của Thành phố nhằm tránh thất thu tại các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết: hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích 31.705m2 trên 134 tuyến đường, phố. Năm 2021, Sở Giao thông vận tải đã thu phí và nộp ngân sách Thành phố trên 46 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thu phí và nộp ngân sách Thành phố trên 20 tỷ đồng. Đối với UBND quận, huyện, thị xã: đã có 12/30 quận, huyện, thị xã tổ chức cấp phép trông, giữ xe thuộc thẩm quyền với tổng diện tích cấp phép là 91.930m2, đã thu phí và nộp ngân sách nhà nước theo quy định. 
 
Để tăng cường thu, tránh thất thoát nguồn thu, Sở Giao thông vận tải đã giao cho Thanh tra giao thông vận tải xây dựng kế hoạch hàng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Công an Thành phố, Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông, giữ xe trên địa bàn Thành phố như hành vi trông, giữ xe quá diện tích; trông, giữ xe trái phép, không phép… theo thẩm quyền để tránh thất thoát nguồn thu. Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi thu sai giá dịch vụ trông giữ xe theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND Thành phố đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép, để tránh thất thoát nguồn thu. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền và theo các quy định hiện hành.
 
Xác định và giải quyết kịp thời các tồn tại liên quan đến quy hoạch trục đường Lê Văn Lương
 
Trước những sai phạm về “phá vỡ quy hoạch” trên tuyến đường Lê Văn Lương được chỉ ra trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng vừa qua, trả lời báo chí về hướng giải quyết của Thành phố trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết: Sau khi thanh tra Bộ Xây dựng ban hành kết luận Thanh tra, UBND Thanh phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình giải quyết tại các khu vực mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã nêu tại kết luận để báo cáo UBND Thành phố xem xét. 
 
Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang tổ chức thực hiện theo đúng quy định Luật Thanh tra - sẽ xác định rõ các nội dung còn tồn tại, sai sót, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, hình thức kiểm điểm và thực hiện việc kiểm điểm theo quy định. Đối với các nội dung kết luận còn chưa thống nhất, chưa đúng quy định pháp luật thì sẽ có báo cáo giải trình, đề xuất việc thực hiện để báo cáo UBND Thành phố và gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra.
 
 
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến phát biểu tại buổi họp báo
 
Về các giải pháp khắc phục, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông tin, Sở sẽ phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát lại toàn bộ quá trình lập Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết, các tổng mặt bằng, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại theo quy định đã được chỉ ra (mốc thời gian số liệu dân cư, chưa thể hiện rõ tỷ lệ đất cây xanh tại dự án, ghi chú tầng cao chưa phù hợp Thông tư 03/2009/TT-BXD) đề xuất việc bổ sung điều chỉnh trong các đồ án đã phê duyệt. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát lại các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, báo cáo UBND Thành phố đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện sớm các khu vực chưa đầu tư để đảm bảo đồng bộ trong quy hoạch phân khu cũng như quy hoạch chi tiết tuyến đường.
 
Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương, Sở Quy hoạch kiến trúc cũng sẽ phối hợp các cơ quan chuyên ngành để đề xuất giải pháp khắc phục như: tổ chức lại các điểm giao thông chưa hợp lý; đề xuất việc xây dựng các tuyến đường để xác định tại quy hoạch theo thực tế nêu trên kết hợp việc phân luồng, đối nối giao thông các dự án trên tuyến…
 
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố cũng đã trả lời một số nội dung khác được báo chí quan tâm như: vấn đề ùn ứ rác thải thời gian qua và giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý rác thải trên địa bàn Thành phố; về đề xuất cho một số phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh BRT; giải pháp quyết liệt của Thành phố để đẩy nhanh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn; việc di dời các cơ sở nhà đất không phù hợp quy hoạch; việc xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp thời gian qua; chủ trương đầu tư Dự án Đường Vành đai 4; tiến độ điều tra vụ án tại CDC Hà Nội; công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2022-2023; tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông xung quanh Hồ Tây…

Huy Kiên - Phạm Linh - Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t