Hà Nội kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (14:49 23/11/2021)


HNP - Sáng 23/11, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm và tọa đàm Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2021). Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã tới dự và chúc mừng ngành văn hóa Thủ đô. Nhằm phòng, chống dịch Covid-19, chương trình được diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng tặng hoa chúc mừng Ngành Văn hóa nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam


Phát biểu diễn văn tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đỗ Đình Hồng cho biết, là một trong số ít các Thủ đô, Thành phố trên thế giới có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trải qua hơn một ngàn năm với biết bao biến đổi, thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội trở thành mảnh đất "địa linh nhân kiệt", hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa, sức mạnh dân tộc, tỏa sáng hình ảnh đất nước một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất, là "trái tim của cả nước" - nơi kết tinh và lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hoà bình của con người Việt Nam.
 
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn chưa có tiền lệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Mọi ngành, mọi nghề, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô đều bị ảnh hưởng nặng nề. Song ngành Di sản Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã đảm bảo sự an toàn tại các cơ quan, công sở của ngành, các điểm di tích, di sản, đổi mới tổ chức nhiều hình thức để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Ngành cũng đã tham mưu để Thành ủy, UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với những điều, khoản cụ thể trong lĩnh vực văn hóa. Để đạt được những kết quả đó, có phần không nhỏ của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ và rất nhiều các tổ chức, cá nhân yêu di sản...
 
Các khách mời trao đổi tại buổi Tọa đàm
 
Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã gìn giữ, phát huy các giá trị của danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của Thủ đô. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến "an toàn - thân thiện", ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Bằng chủ trương phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hoá ngàn năm văn hiến, Hà Nội chủ trương xây dựng Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa với những mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, trước mắt là thực hiện các cam kết, xây dựng và phát triển Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
 
Khẳng định sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội tuy đạt được những thành tích đáng khích lệ, nhưng cũng còn những tồn tại, hạn chế và đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Do đó, thay mặt ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Giám đốc Đỗ Đình Hồng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cùng các nhà khoa học, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân, các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và Hà Nội cùng các tầng lớp nhân dân để sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp…
 
Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra toạ đàm với nhiều ý kiến có giá trị của các nhà khoa học, chuyên gia. Theo đó, các đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc toạ đàm diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức, vai trò của văn hoá trong đời sống kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. 
 
Phó Giáo sư Trần Lâm Biền nhấn mạnh: Chúng ta vẫn nói hội nhập nhưng không hòa tan. Vậy làm thế nào để không hòa tan. Trước hết, chúng ta phải khẳng định, phải nhận thức chúng ta là ai. Di sản chính là yếu tố để khẳng định điều ấy. Việc quan tâm bảo tồn di sản chính là cái gốc trong xây dựng, phát triển văn hoá. 
 
Còn theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, hiện nay, để văn hoá đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, thì chỉ có con đường phát triển công nghiệp văn hoá. Với kho tàng di sản phong phú của mình, Hà Nội cần tập trung phát triển công nghiệp văn hoá từ vốn di sản, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Để làm được điều này, Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; chú trọng nhân tố con người trong bảo tồn, phát huy giá trị, đưa di sản vào học đường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t