Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn (12:13 06/11/2021)


HNP - Sáng 6/11, Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đinh Tiến Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.


Cùng tham dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng.
 
Tháo gỡ “nút thắt” về thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực phát triển
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã luôn ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng Thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.
 
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, Thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. 
 
Đến nay, thành phố Hà Nội đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, đứng thứ 2 trên toàn quốc và chiếm tới 23,7% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách nhà nước, 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
 
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Tổng sản phẩm GRDP của Thành phố 9 tháng đầu năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Mặc dù trong 10 tháng năm 2021, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở tăng 76%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. 
 
Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các doanh nhân, các chuyên gia, người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn...
 
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp, với phương châm “sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế”, chính quyền Thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
 
Thành phố đã thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho trên 38.000 lượt doanh nghiệp, người nộp thuế, với tổng số tiền đã thực hiện là 22.600 tỷ đồng; ban hành và thực hiện Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19, với 6 nhóm giải pháp...
 
“Có hàng nghìn việc đang tồn đọng cần phải tập trung giải quyết, cùng với đó triển khai đồng bộ những chủ trương, quyết sách theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố; trước mắt, phải giải quyết những tồn tại lâu nay để doanh nghiệp phát triển”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
 
Đối với các hồ sơ, dự án đầu tư đang tồn đọng tại các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Bí thư Thành ủy cho biết đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương giải quyết dứt điểm, tháo gỡ kịp thời, trả lời thấu đáo cho doanh nghiệp và người dân. “Chúng tôi xác định đây là những nút thắt, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, có lẽ là nút thắt rất lớn, liên quan đến thủ tục hành chính, cần phải được tập trung giải quyết để khơi thông nguồn lực cho phát triển Thành phố”, người đứng đầu Thành phố khẳng định.
 
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Bí thư Thành ủy tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, vượt khó để sớm khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục đóng góp nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
 
Thành phố cam kết luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp
 
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025: xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP bình quân đầu người đạt 8.300-8.500 USD.
 
Cùng với nhiều giải pháp phát triển kinh tế xã hội đang triển khai, Thành phố sẽ quan tâm giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, như: đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, chất thải rắn để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường; Xây dựng lại hệ thống chung cư cũ để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân và cũng là đảm bảo chỉnh trang, tái thiết đô thị theo hướng hiện đại.
 
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị
 
Thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông quan trọng, có tính hiệu quả và tính lan tỏa cao như: Xây dựng tuyến đường Vành đai 4 nhằm mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, giảm ùn tắc giao thông và tăng khả năng kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng Sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. 
 
Đặc biệt, Thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn; Nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức của Thành phố.
 
Với mục tiêu và định hướng như vậy, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định: Thành phố sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô, tham gia tích cực cùng Thành phố trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.
 
Thành phố cam kết tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển bền vững; bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ đối với Nhà nước...
 
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, tiếp ngay sau Hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị hôm nay sẽ là cơ sở quan trọng để Thành phố thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
 
“Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp được thẳng thắn chia sẻ và đối thoại; Thành phố Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại Hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp, và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của Thành phố”, người đứng đầu thành phố Hà Nội khẳng định.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t