Tiếp tục kiên định các biện pháp phòng, chống dịch (15:19 20/07/2021)


HNP - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những ngày gần đây của các tỉnh, thành khác và qua đánh giá nguy cơ đối với thành phố, trong thời gian tới, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục kiên định các biện pháp phòng, chống dịch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở trong việc thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố về công tác phòng chống dịch… 

Quang cảnh phiên họp


Đó là yêu cầu được đưa ra tại phiên họp trực tuyến Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 thành phố với các quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn nhằm đề ra các giải pháp, quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19, do đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ chủ trì. Cùng dự họp có các đồng chí: Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố.
 
Tiếp tục khẩn trương điều tra yếu tố dịch tễ của các chùm ca bệnh
 
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 725 ca mắc, trong đó, ghi nhận 296 ca phát hiện ngoài cộng đồng tại 24 quận, huyện. Theo đó, từ ngày 5/7/2021, đã ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt xuất hiện các chùm ca bệnh có số lượng ca mắc lớn. Hiện tại, yếu tố dịch tễ của các chùm ca bệnh này đang được khẩn trương điều tra, làm rõ.
 
Cũng trong đợt dịch thứ 4, thành phố có 154 điểm phong tỏa tại 22 đơn vị, trong đó, có 109/154 điểm đã được gỡ bỏ, hiện còn 45 điểm phong tỏa tại 17 quận, huyện với khoảng 5.400 người. Đối với người đi về từ vùng dịch đều được quản lý theo đúng quy định. Thành phố đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc, quản lý chặt chẽ 100% người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và vùng có dịch trở về Hà Nội. Lực lượng y tế tham gia phục vụ tại 22 chốt chốt kiểm soát ra vào Thành phố đã giám sát, kiểm dịch 117.469 lượt người, lấy mẫu xét nghiệm đối với người từ vùng có dịch về thành phố (75 người), kết quả âm tính.
 
Hiện nay, các bệnh viện của thành phố đang điều trị 200 bệnh nhân F0 (Bệnh viện Bắc Thăng Long 34 bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang 107 bệnh nhân, Bệnh viện Thanh Nhàn 59 bệnh nhân) và 40 bệnh nhân nghi ngờ (F1, F2 có triệu chứng). Đồng thời, thành phố cũng đã phê duyệt phương án đáp ứng 1.000 giường bệnh cách ly điều trị người bệnh Covid-19. Ngoài ra, đang tiếp tục xây dựng phương án đáp ứng 5.000 giường bệnh và cao hơn nữa khi dịch bệnh lan rộng.
 
Về công tác quản lý cách ly tập trung, thành phố đã thành lập 20 cơ sở cách ly tập trung F1 tại 19 quận huyện với 11.611 chỗ, hiện đang cách ly 2.128 người. Các quận, huyện đã lập danh sách để thành lập 32 cơ sở với 8.144 chỗ cách ly tập trung và tiếp tục rà soát nhằm nâng công suất cách ly lên 40.000 chỗ theo chỉ đạo của thành phố.
 
Công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tiếp tục được quan tâm. Thành phố đã tổ chức tiêm phòng cho 201.524 người (chiếm 2,4% dân số), chủ yếu là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân tại các khu công nghiệp và các đối tượng ưu tiên khác. Hiện, Sở Y tế tiếp tục hoàn thiện dự thảo phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn để trình UBND thành phố ban hành với mục tiêu tiêm được tỷ lệ cao nhất, nhanh nhất và an toàn nhất khi nguồn vắc xin được Bộ Y tế phân bổ nhiều hoặc thành phố chủ động được nguồn cung vắc xin… 
 
Không "ngăn sông cấm chợ"
 
Tại phiên họp, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Công an TP đã thực hiện, triển khai gấp rút các nhiệm vụ thành phố giao, trong đó, có điều động cán bộ chiến sĩ tổ chức 22 chốt kiểm soát tại cửa ngõ Thủ đô nhằm ngăn chặn nguồn bệnh lây lan. Cố gắng vừa không để ách tắc giao thông, không "ngăn sông cấm chợ" vừa kiểm soát chặt chẽ các xe đi từ vùng dịch. Song, hiện nay, công tác này vẫn tồn tại một số khó khăn. Theo đó, lớn nhất là nguồn nhân lực y tế làm nhiệm vụ xét nghiệm tại các chốt; công tác khai báo y tế còn chậm dẫn đến ùn tắc. 
 
Trên cơ sở đó, Công an TP Hà Nội sẽ rà soát lại các chốt, tập trung lực lượng để đảm bảo kiểm soát lưu lượng ra, vào. Ngoài ra, sẽ khẩn trương tính toán phương án để xe tải, xe container khi đi qua Hà Nội đến các tỉnh, thành khác sẽ không dừng lại trong Thành phố và lên phương án với các loại xe khách…
 
Theo Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Vũ Văn Viện, hiện có 9 sân bay khu vực phía Nam có chuyến bay ra Hà Nội. Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã phối hợp Sân bay Nội Bài nắm bắt danh sách hành khách. Liên quan đến việc lưu thông hàng hóa, Sở Giao thông và Vận tải cho biết, ngoài "luồng xanh" cho hàng hóa theo chỉ đạo của Bộ Giao thông và Vận tải, Sở đã kiến nghị để tạo thêm "luồng xanh" cho vận tải hành khách; vận tải cho công tác cách ly tại địa phương và chuyên gia của một số doanh nghiệp.
 
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội báo cáo tại phiên họp
 
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngay khi thành phố ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND, Sở đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp, rà soát nguồn cung đảm bảo đáp ứng đủ hàng hóa cho người dân. Đồng thời, tham mưu TP tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp phân phối xây dựng phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra, đảm bảo lưu thông theo đúng chỉ đạo "không ngăn sông cấm chợ". 
 
Sở cũng đã phối hợp với các quận, huyện và doanh nghiệp phân phối thường xuyên cũng như rà soát để nắm bắt sâu sát tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc dự trữ hàng hóa gấp 3 lần trong 3 tháng. Đồng thời, yêu cầu hàng hóa phải đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ; đảm bảo an toàn thực phẩm… Ngoài ra, Sở Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ đạo các hệ thống phân phối cung cấp đủ hàng hóa, không để người dân phải mua hàng tích trữ. Đối với các doanh nghiệp trong cụm Khu công nghiệp, Sở phối hợp với các quận, huyện làm tốt công tác phòng, chống dịch và tính toán phương án "3 tại chỗ" đối với các đơn vị đủ điều kiện.
 
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, ngành Công thương phải đối mặt với các khó khăn khi nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp bị "đứt gẫy" do người lao động thuộc diện "F" phải cách ly; khó khăn khi vận chuyển lưu thông hàng hóa qua một số tỉnh, thành… Do đó, quyền Giám đốc Sở Công thương kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa, tiêm vắc xin cho người lao động và giải tỏa triệt để các chợ cóc, chợ tạm… phục vụ công tác phòng, chống dịch.
 
Liên quan đến việc xử lý ổ dịch, quận Đống Đa ghi nhận 17 ca F0 tại 7 phường, xác định 291 trường hợp F1, 1.814 trường hợp F2 và đang tiếp tục truy vết thần tốc các trường hợp liên quan, đặc biệt là tại Nhà thuốc Đức Tâm. Đại diện lãnh đạo phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) cho biết, ghi nhận 15 F0, hiện, quận đang tiến hành khoanh vùng, phong tỏa các ổ dịch; cố gắng kiểm soát tình hình, hạn chế dịch lây lan; đồng thời, tuyên truyền tới mọi người dân thực hiện nghiêm các nội dung của Công điện số 15/CĐ-UBND của UBND TP.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t