Đề án Xây dựng xã hội học tập: Đạt nhiều kết quả quan trọng (15:12 18/06/2021)


HNP - Sáng 18/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020". Dự tại điểm cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị


Theo báo cáo tại hội nghị, sau 8 năm triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020", các cấp, các ngành và đoàn thể từ trung ương đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc và đã đạt được kết quả quan trọng. Theo đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có chuyển biến tích cực. 
 
Với 4 mục tiêu đề ra, đến cuối năm 2020, có 34/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; 22/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; 19/63, tỉnh, thành phố đạt được mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn; 51/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc.
 
Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với chỉ tiêu đề ra như: 90,8% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại; 43,53% số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2; 64,6% số học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục.
 
Công tác đào tạo từ xa đã góp phần tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của người học, người lao động. Đến nay, có trên 53.000 trường học tổ chức dạy - học trực tuyến, nâng tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến trung bình đạt 80%; 240 cơ sở đào tạo đại học đã áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến theo các mức độ khác nhau, trong đó, 79 cơ sở tổ chức quản lý và dạy học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến…
 
Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương đã báo cáo, làm rõ hơn những kết quả của Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020", đồng thời, đóng góp các giải pháp, nội dung cần quan tâm hơn trong giai đoạn 2021-2030.
 
Trong 8 năm qua, thành phố Hà Nội đã ghi dấu ấn với việc hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án, trong đó, có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước như: Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%); số cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng CNTT đạt 100% (cả nước đạt 93,89%); số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 50% (cả nước đạt 43,53%); số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%)… 
 
Kết quả nổi bật của Hà Nội trong thời gian qua là những nỗ lực trong việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ năm 2012 đến năm 2020, số lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất đạt 87% (cả nước đạt 69,78%); số công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương đạt 98% (cả nước đạt 66,97%)…
 
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, xây dựng xã hội học tập là công việc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò nòng cốt. Những kết quả cụ thể về xây dựng xã hội học tập 8 năm qua tại các địa phương cho thấy chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã đi vào thực tiễn. 
 
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh một số nội dung như: Chú trọng trang bị cho mỗi người dân có kỹ năng học tập - kỹ năng nền tảng để giải quyết mọi vấn đề, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng; phát triển xã hội hiếu học - một xã hội biết tạo ra các nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng để thoả mãn nhu cầu đó. 
 
Để tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cần xác định rõ vai trò của các thành tố liên quan đến việc xây dựng xã hội học tập, trong đó, thành tố quan trọng nhất là người dân. Mỗi người dân phải tự nhận thức được nhu cầu học tập; các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò then chốt; ngoài ra còn cần sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp; mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên… Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh việc xây dựng nguồn tài nguyên số; nâng cao tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân về xây dựng xã hội học tập.
 
Ghi nhận những nỗ lực trong quá trình triển khai Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng giấy khen cho 75 tập thể, 103 cá nhân.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t