Bình tĩnh, tỉnh táo nhưng cũng phải quyết liệt trong phòng, chống dịch (19:27 10/05/2021)


HNP - Chiều 10/5, Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì, họp với UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo các sở, ngành Thành phố và quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Quang cảnh Hội nghị


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng chống dịch Covid-19 Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
 
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBND Thành phố đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
 
Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị
 
Cơ bản kiểm soát được 5/8 chùm ca bệnh
 
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng chống dịch Covid-19 Trần Thị Nhị Hà cho biết: Từ ngày 29/4/2021 đến nay, Thành phố ghi nhận 46 ca mắc ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện (Thường Tín, Đông Anh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Thanh Oai, Hai Bà Trưng).
 
Thường trực Thành ủy đã quyết liệt chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố vào cuộc, các cấp ủy, chính quyền xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu. Công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố luôn nhất quán với tinh thần chủ động, thần tốc, quyết liệt, linh hoạt, khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, xử lý nhanh, gọn.
 
Để chủ động ứng phó, Thành phố xác định xét nghiệm đóng vai trò quan trọng, quyết định việc xác định sớm ca bệnh để chủ động bao vây, khoanh vùng, xử lý, cắt đứt nguồn lây nhiễm, không để lan rộng, ngành y tế đã tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm: tăng cường năng lực lấy mẫu, các đơn vị nâng công suất xét nghiệm. Hiện, công suất xét nghiệm tăng 10 lần (từ 3.000 mẫu/ngày tăng lên 30.000 mẫu/ngày) và sẽ tiếp tục nâng công suất xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh, mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho nhóm đối tượng nguy cơ và khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để tầm soát phát hiện sớm ca bệnh, đánh giá nguy cơ để chủ động phòng, chống dịch.
 
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà báo cáo tại hội nghị
 
Với sự thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dịch kịp thời, đến nay, đã cơ bản kiểm soát được lây nhiễm từ 5 chùm ca bệnh liên quan tới Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, ca bệnh Ấn Độ, chuyến bay VN 160. Tuy nhiên, liên quan tới ổ dịch của 02 bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều) và đặc biệt là từ ổ dịch tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang là mối quan ngại lớn, số ca mắc vẫn tiếp tục được ghi nhận, vì vậy, cần tập trung giải pháp để nhanh chóng kiểm soát nguồn lây từ các ổ dịch này.
 
Thành phố cũng khẩn trương phong tỏa ngay lập tức các địa điểm có ca bệnh, ổ dịch; trong khu vực phong tỏa thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 28 điểm cách ly, với tổng số 24.623 người. Ngoài ra, từ ngày 29/4/2021 đến nay, Thành phố đã xét nghiệm 24.973 người, trong đó, có 11.554 trường hợp F1 và các trường hợp liên quan đến ca bệnh; 13.419 người có nguy cơ cao; đã tiêm chủng 69.677 liều vắc - xin...
 
Xác định 4 nhóm nguy cơ chính
 
Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng chống dịch Covid-19 nhận định, các ca bệnh tại Hà Nội đều xác định được nguồn lây truyền, tuy nhiên, nguy cơ phát sinh thêm các ca mắc mới trong công đồng trong Thành phố vẫn rất cao bởi 4 nhóm nguy cơ chính, gồm: Chùm ca bệnh tại Gia Lâm và các ca mắc mới có liên quan đến ổ dịch tại Thuận Thành - Bắc Ninh; mầm bệnh từ các ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều...; số mắc mới liên tục gia tăng tại 08 địa phương có địa bàn giáp ranh và lượng người quay trở lại Thành phố làm việc và học tập rất lớn.
 
Trước mắt, Hà Nội vẫn đang triển đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên, với các nhận định dự báo, Thành phố vẫn cần phải chuẩn bị các kịch bản trong trường hợp tiếp tục phát sinh, ghi nhận các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trên địa bàn Thành phố.
 
Ban Chỉ đạo Thành phố cũng nêu khó khăn hiện nay: Do số ca mắc gia tăng nên công tác điều tra, khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng tiếp xúc và đối tượng liên quan rất lớn, yêu cầu cấp bách về thời gian nên các lực lượng phải triển khai công việc khẩn trương bất kể ngày đêm và nhiệm vụ này đã diễn ra trong thời gian dài. Trong khi đó, mức chi cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch thấp (chi cho người đi giám sát, điều tra, lấy mẫu, xác minh dịch 300.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ cộng tác viên, tình nguyện viên 130.000 đồng/người/ngày). Đặc biệt, công tác hậu cần đáp ứng chống dịch gặp nhiều khó khăn về thủ tục, quy trình mua sắm…
 
Ban Chỉ đạo Thành phố kiến nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo sớm phương án phòng chống dịch, chuẩn bị trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; chỉ đạo có phương án, kịch bản chỉ đạo các đơn vị trong tình hình dịch bệnh bùng phát, lan rộng; xem xét tăng chế độ phụ cấp/bồi dưỡng cho các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, nhất là lực lượng ở cơ sở. Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn trong công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch; xem xét cơ chế đặc thù trong điều kiện phục vụ công tác phòng, chống đại dịch…
 
Tăng tốc xét nghiệm, truy vết
 
Là 1 trong 3 điểm nóng, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên đề xuất, Thành phố sớm có vắc-xin tiêm diện rộng; mỗi địa bàn chỉ đạo có bệnh viện dã chiến; có nơi cách ly ở từng quận, huyện và giao quân đội phụ trách; chỉ đạo Ban quản lý Khu công nghiệp chế xuất Thành phố đảm bảo công tác phòng chống dịch tại chỗ…
 
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện có 11 ca F0 đều ở xã Tô Hiệu. Liên quan đến các trường hợp này, huyện đã rà soát, phối hợp đưa đi cách ly tập trung đối với 521 trường hợp F1 và 608 trường hợp F2 cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Huyện cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Thành phố, Ban Chỉ đạo Thành phố. Ngoài việc lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc, huyện còn lấy mẫu xét nghiệm đối với 545 mẫu các hộ xung quanh những ca F0. 
 
Ngay sau khi có các ca bệnh, huyện đã thiết lập 4 khu vực phong tỏa, thành lập 14 chốt trực 24/24; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; chỉ thị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bố trí bán hàng đảm bảo khoảng cách, an toàn phòng chống dịch, bố trí phương tiện sẵn sàng vận chuyển hàng hóa cho nhân dân. Xã Tô Hiệu cũng phát huy hiệu quả 53 tổ Covid cộng đồng, với 159 người trực tiếp đến các hộ lập danh sách, phối hợp lấy mẫu, nắm bắt tư tư tưởng và tuyên truyền nhân dân không hoang mang, không tập trung đông người. Bí thư Huyện ủy Thường Tín cũng cho biết, huyện đang bố trí khu cách ly tập trung tại Trường Cao Đẳng truyền hình, với 52 phòng cách ly, 208 giường tầng.
 
Nêu kiến nghị với lãnh đạo Thành phố, Bí thư Huyện ủy Thường Tín kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và sàng lọc ở các khu có dịch để huyện triển khai các bước tiếp theo. Đối với 16 ca F1 hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, do Bệnh viện đang được xây dựng, nâng cấp nên huyện kiến nghị Sở Y tế được chuyển 16 trường hợp này về Phòng khám đa khoa Tô Hiệu. Với những kiến nghị này, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh đồng ý, chỉ đạo tăng tốc xét nghiệm và sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn huyện.
 
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, trên địa bàn huyện có 9 F0, 124 trường hợp F1 và 519 trường hợp F2. Huyện đã cách ly toàn diện 4 xã, thành lập 27 chốt trực; chỉ đạo các tổ Covid cộng đồng tăng cường giám sát các trường hợp cách ly, giải tỏa các khu vực đông người và giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch tại các chợ...
 
Ông Lê Anh Quân kiến nghị, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, Thành phố cho phép tạm dừng cấp căn cước công dân trên các khu vực của huyện; cho huyện thành lập khu cách ly tập trung tại C4, C5 Học viện Nông nghiệp; sớm có phương án tổ chức, phân luồng giao thông tại Quốc lộ 17 và tuyến đê hữu Đuống; cho xét nghiệm toàn bộ đối với 4 thôn của xã Kim Sơn (2.178 hộ dân); bổ sung cho Trung tâm Y tế huyện 1 xe chuyên dùng để chuyên chở các trường hợp F1 về khu cách ly; đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm để thuận tiện truy vết, khoanh vùng nhanh hơn.
 
Ghi nhận những kiến nghị của huyện Gia Lâm, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh cho rằng Gia Lâm là địa bàn có nguy cơ rất cao, do giáp ranh với vùng dịch tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Đồng chí chỉ đạo huyện cần tăng tốc thực hiện các giải pháp, chốt chặn toàn bộ các đường ngang, ngõ tắt; các tổ Covid cộng đồng của huyện tăng cường nắm bắt di biến động của người dân thời điểm trước, trong và sau khi huyện Thuận Thành giãn cách xã hội. Chủ tịch UBND Thành phố cũng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và Sở Giao thông vận tải phối hợp với huyện trong triển khai khu cách ly, tổ chức phân luồng giao thông theo kiến nghị của huyện.
 
Thành phố đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống
 
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Thủ đô nêu việc 2 ổ dịch lớn tại cơ sở Trung ương là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đều liên quan đến nhiều tỉnh thành và có thể sẽ mang theo mầm bệnh về địa phương. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho rằng việc thông tin dịch bệnh cần cập nhật liên tục và dự báo số quận, huyện có ca mắc sẽ không chỉ dừng ở con số 11; số các trường hợp liên quan cũng sẽ tăng.
 
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Thủ đô phát biểu tại hội nghị
 
Hiện nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô hiện đã kích hoạt 10 cơ sở cách ly phục vụ được 8.500 người (đang cách ly hơn 2.600 người), trong khi số F1 đang tăng lên từng giờ. Bộ Tư lệnh Thủ đô kiến nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo các địa phương kích hoạt ngay các khu cách ly tại địa phương. Qua rà soát 16 địa phương có thể tổ chức khu cách ly cho 23.000 người. Việc tổ chức cách ly phải chặt chẽ, không để lây chéo; sau cách ly bàn giao cho địa phương phải tiếp tục quản lý chặt. Các khu cách ly cũng phải có camera giám sát... “Diễn biến dịch bệnh phức tạp, sát ngày bầu cử, đề nghị Thành phố nâng mức cảnh báo cao, lãnh đạo các cấp không được rời khỏi Thành phố. Hiện nay, học sinh rời Thành phố nhiều, nhiều công dân phải cách ly tập trung nên Thành phố cần có phương án đảm bảo quyền bầu cử của công dân”, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt nói.
 
Về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã xây dựng các phương án phục vụ nhu cầu cung cấp hàng hoá cho người dân theo phương châm "4 tại chỗ" và "3 đảm bảo". Đối với nguồn hàng, giao cho các doanh nghiệp trên  địa bàn Thành phố dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng. Đồng thời, dự trữ nguồn hàng hỗ trợ cho các tỉnh lân cận; xây dựng phương án đảm bảo hàng hoá cho các khu cách ly.
 
Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã chấp hành nghiêm việc dự trữ hàng hoá theo chỉ đạo Thành phố và sẵn sàng phục vụ Nhân dân trong mọi tình huống. 100% địa phương xây dựng việc dự trữ hàng hoá đảm bảo cung cấp cho người dân. Ngoài ra, có 236 xe của các quận huyện cùng với các doanh nghiệp sẵn sàng ứng trực 24/24 để đảm bảo cung ứng hàng hoá. Sở cũng liên kết với các doanh nghiệp cung ứng của 53 tỉnh, thành phố để đảm bảo phục vụ nhu cầu cung ứng hàng hoá cho người dân. “Nguồn hàng Thành phố dồi dào, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định. 
 
Quyền Giám đốc Sở Công thương kiến nghị, trong trường hợp dịch bùng phát mạnh thì đối với các xe vận chuyển hàng hoá chỉ cần Sở lập danh sách gửi Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố kích hoạt để hoạt động ngay mà không cần xin phép UBND Thành phố. "Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống, người dân không cần phải tích trữ", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
 
Nâng cao mọi mặt công tác phòng, chống dịch
 
Kết thúc phần thảo luận, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh đã giải đáp một số nội dung quan trọng. Theo Chủ tịch UBND Thành phố, thời gian qua, các đơn vị đã quyết liệt vào cuộc theo chỉ đạo nhất quán kiên quyết, của đồng chí Bí Thư Thành ủy: Chủ động, quyết liệt, kịp thời, linh hoạt ở tất cả các khâu; khoanh vùng hẹp, quản lý chặt theo diễn biến của dịch tễ.
 
Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị
 
Chủ tịch UBND Thành phố nêu rõ, các chỉ đạo không chỉ trên văn bản mà còn nhiều sáng tạo hiệu quả như: “Ở Đông Anh đã có mô hình khoanh vùng 3 lớp: vùng lõi có ca bệnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, ngoài là Chỉ thị 15, vòng ngoài cùng là Chỉ thị 19 nên đã kiểm soát hiệu quả, nhanh chóng”.
 
Theo chủ tịch UBND Thành phố, các chuyên gia đánh giá, sắp tới sẽ còn gia tăng các ca bệnh, cần chú trọng nguy cơ F0 từ địa bàn các tỉnh giáp ranh với Hà Nội. Chủ tịch UBND Thành phố cũng nêu tình trạng vẫn còn chỗ này chỗ kia thực hiện chưa quyết liệt như ở công viên, vườn hoa vẫn tụ tập; loại hình kinh doanh không thiết yếu như quán bia hơi vẫn đông người… Nên việc thực hiện khuyến cáo hiện nay cần nâng cao hơn theo hướng tăng diện, tăng loại hình.
 
Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh cũng cho biết, Thành phố sẽ có quy định cụ thể từ khoảng cách giãn cách người với người đến việc tránh tụ tập đông người ra sao. “UBND Thành phố sẽ có công điện mới sớm nhất để chỉ đạo tiếp tục nâng cao mọi mặt công tác chống dịch” - Chủ tịch UBND TP thông tin.
 
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị
 
Thành phố vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Trong giai đoạn này, hơn lúc nào hết chúng ta càng phải bình tĩnh, tỉnh táo. Khi phát hiện thì phải quyết liệt, từ truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm... mục tiêu cao nhất vì sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của Nhân dân.
 
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhận định, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Thành phố vẫn đang kiểm soát tốt dịch, đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thành phố duy trì phát triển kinh tế-xã hội, thu ngân sách đến hết tháng 4, đạt xấp xỉ 40%. Các nhiệm vụ an sinh xã hội được đảm bảo, ổn định và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. “Đặc biệt, trong khó khăn, thách thức, vẫn xuất hiện những điểm sáng, mô hình, tập thể, cá nhân với cách làm rất hiệu quả, sáng tạo, như huyện Đông Anh và một số địa phương khác”, Bí thư Thành ủy đánh giá.
 
Thay mặt Thường trực Thành ủy, đồng chí Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành từ Thành phố đến cơ sở; nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch như đội ngũ y bác sỹ, công an, quân đội, phóng viên, các tổ Covid-19 tại cộng đồng... 
 
“Thường trực Thành ủy cũng trân trọng cảm ơn sự đồng lòng ủng hộ, vào cuộc tích cực của nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 
Theo Bí thư Thành ủy, trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Mặc dù các trường hợp tại Hà Nội đều đã xác định được nguồn lây truyền, tuy nhiên, hiện nay xuất hiện chùm ca bệnh tại Gia Lâm có liên quan đến ổ dịch tại Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) diễn biến hết sức phức tạp, trong những ngày qua, liên tục ghi nhận thêm các ca mắc mới.
 
Trước tình hình đó, Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, ngành từ Thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thôn, tổ dân phố và kêu gọi các cán bộ, đảng viên và nhân dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không bi quan, lo lắng thái quá, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
 
Thần tốc truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng
 
Chỉ đạo 3 nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trước hết phải ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, “thần tốc” hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các đồng chí Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị từ quận, huyện đến xã, thôn, tổ dân phố phải thực sự là những “tư lệnh” trên mặt trận chống dịch với tinh thần “4 tại chỗ”,”rà từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.
 
Đặc biệt, phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với các giải pháp phù hợp từng đặc điểm, điều kiện, thời điểm của từng địa bàn, khu vực thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: Phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn, không để một người chủ quan, cả xã hội phải vất vả; đồng thời, cũng không thực hiện giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.
 
“Bí thư, Chủ tịch các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, chống dịch như chống giặc, mỗi tỉnh là một pháo đài, mỗi huyện là 1 pháo đài, mỗi xã là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ, là 1 thành viên của pháo đài, thì chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh”, Bí thư Thành ủy nêu.
 
Nhấn mạnh mục tiêu cao nhất vì sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của Nhân dân, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt phương châm thần tốc truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, thực hiện tốt 5K, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động cả hệ thống chính trị, Nhân dân cùng vào cuộc, chung tay phòng chống dịch và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo để chỉ đạo kịp thời, làm chủ trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian sớm nhất; tuyệt đối không để sót, không bỏ lọt F1, F2, F3 và các ca nghi ngờ.
 
Bí thư Thành ủy nêu cách làm sáng tạo của huyện Đông Anh khi khoanh vùng ổ dịch theo 3 lớp (lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16, lớp tiếp theo thực hiện theo Chỉ thị 15, lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19) từ đó, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không "ngăn sông cấm chợ", làm đảo lộn đời sống người dân và yêu cầu nhân rộng cách làm hiệu quả này. “Thành phố không giãn cách phong toả một cách cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Có lúc có tin đồn phong toả Thành phố, làm gì có việc đó, chúng ta bình tĩnh xử lý và những giải pháp Thành phố đang làm là đúng và hiệu quả. Không bỏ lọt các F1, F2, F3”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
 
Bí thư Thành ủy đặc biệt lưu ý phải phát huy tốt hơn vai trò của các tổ Covid-19 tại cộng đồng... Những quận, huyện chưa có ca F0 thì cố gắng không để có ca F0. Đồng thời, giám sát thật tốt các khu cách ly, đảm bảo chặt chẽ, đúng thời gian quy định. Trên cơ sở diễn biến dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án tổ chức thi kiểm tra, thi tốt nghiệp, chuyển cấp bảo đảm phù hợp, báo cáo UBND Thành phố.
 
Bí thư Thành ủy một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu kích hoạt một mức cao hơn các yêu cầu phòng, chống dịch. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp không được ra khỏi Thành phố, đồng thời, chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn mình.
 
“Nơi nào nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình mắc bệnh Covid-19 do lỗi lơ là, chủ quan, không gương mẫu tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, không kiểm soát tốt, buông lỏng quản lý, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm theo quy định. Xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để dịch bệnh lây lan”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ
 
Báo cáo hàng giờ như “thời chiến”
 
Bí thư Thành ủy cũng nhắc nhở các đơn vị cần huy động dồn lực chuẩn bị đầy đủ, không để chậm trễ các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, như: vật tư xét nghiệm, máy thở, quần áo bảo hộ... Siết chặt các quy trình khám chữa bệnh tại các bệnh viện, không để lây lan dịch bệnh.
 
Để tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phục vụ nhân dân, Bí thư Thành ủy giao UBND Thành phố chuẩn bị nguồn ngân sách; MTTQ Thành phố có kế hoạch vận động xã hội hóa nguồn lực tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 trên địa bàn để cố gắng tiêm diện rộng. Quan tâm đối với lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, động viên, hỗ trợ trường hợp cách ly, khu vực phong tỏa; chủ động chuẩn bị các nhu yếu phẩm không để thiếu hàng, trục lợi, sốt giá; đảm bảo đẩy đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ và người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly.
 
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, lơ là, chủ quan nhập cảnh trái phép... Các đoàn kiểm tra tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch và công tác bầu cử trên địa bàn Thành phố. Những nơi nào làm chưa tốt cần chủ động tự khắc phục, sửa chữa ngay.
 
“Toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ không phải việc gì cũng đẩy cho lực lượng tuyến đầu. Như việc xử lý hàng quán hoạt động sai quy định không phải cứ “đẩy” hết cho công an mà các lực lượng khác cũng phải vào cuộc”, Bí thư Thành ủy nhắc nhở.
 
Về cơ chế thông tin, báo cáo, Bí thư Thành ủy đề nghị phải thực hiện khẩn trương, tốc độ “như thời chiến”. Tăng cường ứng dụng thông tin qua các kênh, bảo đảm kịp thời cho phục vụ yêu cầu lãnh đạo chính xác, hiệu quả, phải có báo cáo giờ, thậm chí từng phút theo diễn biến của dịch, Bí thư Thành ủy chỉ đạo.
 
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay chính là thước đo sức mạnh của hệ thống chính trị, thước đo năng lực, uy tín của tổ chức Đảng và người đứng đầu, thước đo đối với chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
 
Bí thư Thành ủy cho rằng toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng người dân không ủng hộ thì không thể khống chế dịch thành công và yêu cầu tập trung tuyên truyền để người dân ủng hộ, thực hiện các biện pháp chống dịch: “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra; đẩy lùi dịch bệnh thì người dân thụ hưởng. Đây cũng chính là thước đo trách nhiệm, hiệu quả công việc”, đồng chí nhấn mạnh.
 
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy nêu rõ, từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, trong khi đó diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn, đúng luật, bầu đúng, bầu đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, thực sự là ngày hội của nhân dân Thủ đô…
 
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến 17h ngày 10/5/2021, tình hình bệnh nhân Covid-19 lây nhiễm tại cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau: Tổng số 48 bệnh nhân. Trong đó, 14 bệnh nhân liên quan đến chùm ca bệnh tại Bắc Ninh (Gia Lâm: 09, Hà Đông: 03, Thanh Oai: 01); 12 bệnh nhân liên quan chùm ca bệnh tại Đà Nẵng (Ba Đình: 01, Thường Tín: 11); 03 bệnh nhân liên quan chùm ca bệnh tại Hà Nam (Đông Anh: 03); 03 bệnh nhân liên quan Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều (Hà Đông: 01, Thanh Xuân: 01, Gia Lâm: 01); 11 bệnh nhân liên quan chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Đông Anh: 03, Phúc Thọ: 07, Sóc Sơn: 01); 02 ca bệnh liên quan chùm ca bệnh tại Vĩnh Phúc (Sóc Sơn: 02); 03 bệnh nhân liên quan đến chuyến bay VN160 Đà Nẵng - Hà Nội (Bắc Từ Liêm: 01, Sóc Sơn: 02).

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t