Huyện Thạch Thất đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (06:48 20/04/2021)


HNP - Tối 19/4, huyện Thạch Thất trang trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025"; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Trưởng BCĐ Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”; Đào Đức Toàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh trao Quyết định của Thủ tướng công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020


Dự buổi lễ còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã thành phố cùng đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Thạch Thất.
 
Các đại biểu dự buổi lễ
 
Huyện Thạch Thất nằm phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tiến bộ, trong đó: Công nghiệp - Xây dựng chiếm 70,2%; Dịch vụ, du lịch chiếm 23,2%; Nông, lâm, thủy sản còn 6,6%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Huyện luôn giữ ổn định, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14,92%/năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 890,3 tỷ đồng (tăng 788,5 tỷ đồng so với năm 2010). Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh với 1.605 doanh nghiệp, hợp tác xã và 20.885 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. 
 
Đặc biệt, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Thạch Thất đã triển khai thực hiện một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2010 - 2020, Huyện đã bố trí hơn 4.994 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí NTM một cách hiệu quả, công khai, minh bạch. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và diện mạo các xã có nhiều thay đổi. 
 
Tất cả 19/19 tiêu chí của 21/22 xã đạt tiêu chí xây dựng NTM, riêng xã Thạch Hòa nằm trọn trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc nên không phải tiến hành xây dựng NTM) và 9/9 tiêu chí của Huyện đều đạt theo quy định của Trung ương. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: tỷ lệ đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,6%; đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm chỉ còn 0,27%; thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đến hết năm 2020 đạt 70 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2010 (cao hơn kết quả chung của Thành phố; năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Thành phố đạt 55 triệu đồng/người/năm). Hiện nay, Huyện có 01 xã (xã Đại Đồng) đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
 
Các đại biểu tham quan hội chợ giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ
 
Sản xuất nông nghiệp được đặc biệt coi trọng theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã hình thành 690ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; 285ha vùng sản xuất rau an toàn; 300ha vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao; 50ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh; trong đó, có 02 mô hình sản xuất rau hữu cơ; 06 mô hình sản xuất rau, củ, quả, thịt an toàn; 05 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 06 mô hình sản xuất theo chuỗi, các mô hình liên kết cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm và tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn Thành phố Hà Nội. 
 
Cùng với đó, huyện cũng đã thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (đến năm 2020, toàn huyện có 122 sản phẩm được hội đồng thẩm định thành phố đánh giá xếp hạng, trong đó, 18 sản phẩm đạt 3 sao và 104 sản phẩm đạt 4 sao). Hệ thống hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ (Năm 2010, toàn huyện có 22/74 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 29,73%. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh.
 
Với những thành tích đã đạt được, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg công nhận huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
 
Các đại biểu cắt băng khai mạc hội chợ giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Hà Nội
 
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thạch Thất và sự cố gắng của nhiều tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị đã tập trung nguồn lực, trí lực, công sức trong quá trình xây dựng NTM, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Huyện. 
 
Đồng chí nhấn mạnh: Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng NTM, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn”. Do vậy, thành tựu ngày hôm nay của Huyện không có nghĩa đã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM mà cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM theo hướng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trên địa bàn Huyện gắn với phát triển kinh tế nông thôn và tích hợp tiêu chí phát triển đô thị. 
 
Để làm được điều đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong Huyện bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố, Chương trình công tác số 04 của Thành ủy để tiếp tục phát huy các thành quả của việc xây dựng NTM trong 10 năm vừa qua. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quá trình nỗ lực, phấn đâu xây dựng NTM của huyện Thạch Thất, từ đó, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện và là đối tượng được thụ hưởng những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng NTM.
 
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại buổi lễ
 
Tiếp tục rà soát lại các quy hoạch; trong đó, lưu ý rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các xã gắn với các tiêu chí của đô thị, với phương châm quy hoạch phải đi trước một bước để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với phát triển Khu đô thị Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Làng văn hóa các dân tộc; Khu Đại học Quốc gia trong tổng thể phát triển Huyện (gắn định hướng phát triển dân cư).
 
Nhấn mạnh xây dựng NTM phải gắn với phát triển kinh tế địa phương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý huyện cần chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Phát triển nghề, các làng nghề có thế mạnh của địa phương. Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ. 
 
Cùng với đó, cần tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, có tâm huyết, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trước mắt là tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, 10 Chương trình công tác của Thành ủy trong toàn thể cán bộ - nhân dân để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả ở địa phương. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở để Nhân dân được tham gia đóng góp và trực tiếp thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và ổn định xã hội.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t