Hà Nội: Thành công từ đổi mới tư duy, tầm nhìn và phương thức lãnh đạo (07:22 01/04/2021)


HNP - “Đột phá” vào những việc khó, tồn tại nhiều năm để lấy lại niềm tin; tháo gỡ những “rào cản”, “điểm nghẽn” với tinh thần cụ thể, sâu sát, quyết liệt, nhanh và ngay để phát triển... Đó là những điểm mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, giúp Thành phố đạt được những “thắng lợi vẻ vang” trong năm qua.

Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa


Chọn những việc khó để “làm gương, làm mẫu”

Ngay sau khi về nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, một trong những việc đầu tiên đồng chí Vương Đình Huệ chỉ đạo là phải xử lý dứt điểm, triệt để những vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực (quận Ba Đình). Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, cơ sở quan trọng để Thành phố quyết tâm xử lý dứt điểm vụ việc này là sự đòi hỏi của dư luận xã hội, báo chí, truyền thông, đặc biệt là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2019, đó là giải quyết vụ việc phải bảo đảm 3 yêu cầu: Kỷ cương pháp luật; an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Chính vì thế, người đứng đầu Thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao, với quyết tâm chính trị cao nhất. Trong buổi làm việc với lãnh đạo quận Ba Đình để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ quận, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu ra yêu cầu xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực và phải hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, không để kéo dài thêm. Bí thư Thành ủy cũng nêu ra nhiều câu hỏi, yêu cầu đối với “tư lệnh” ngành Xây dựng Thủ đô về các phương án xử lý... Từ đó, chẳng cần phải thuê đơn vị nước ngoài hay phải nhờ đến lực lượng công binh vào cuộc, chỉ sau gần 5 tháng triển khai, đến ngày 5/10/2020, quá trình tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực đã hoàn thành, tất cả mọi việc đều được thực hiện bởi các đơn vị trong nước.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kiểm tra việc xây dựng hệ thống thu gom nước thải cho sông Tô Lịch

Việc xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng ở 8B Lê Trực đã được nhân dân đồng tình, ghi nhận và đánh giá cao. Đây cũng là một trong nhiều ví dụ điển hình khẳng định quyết tâm “dám làm và làm cho bằng được” của lãnh đạo Thành phố Hà Nội nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực đối với những việc khó, tồn đọng kéo dài nhiều năm.

Một ví dụ “nóng” khác là những tồn tại, vướng mắc kéo dài nhiều năm tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Thống kê cho thấy, từ giữa năm 2016 đến tháng 10/2020, người dân các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã 7 lần ngăn chặn xe chở rác khiến rác thải ở các quận nội thành và một số huyện ngoại thành bị ùn ứ, gây ảnh hưởng đến môi trường và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Với quyết tâm phải giải quyết triệt để, căn bản và lâu dài những vấn đề lên quan đến Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chủ trì làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, các sở, ngành liên quan và huyện Sóc Sơn; đồng thời, đi kiểm tra đột xuất tại Khu Liên hợp, lắng nghe trao đổi của cán bộ cơ sở để chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân. Vừa yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, Bí thư Thành ủy cũng giao các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan công an vào cuộc, làm rõ xem có sai phạm trong thu gom, xử lý chất thải tại đây hay không, với quan điểm “Từ chuyện xử lý rác để làm gương, làm mẫu cho các vấn đề dân sinh bức xúc khác của Thành phố”. Tinh thần chỉ đạo này cũng được Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ quán triệt khi làm việc với lãnh đạo quận Hà Đông vào cuối năm 2020: “Thành phố đang chọn vấn đề nan giải để xử lý đầu tiên. Quận cũng nên chọn vài việc làm cho dứt điểm để người dân có niềm tin, làm mẫu để xử lý các việc khác”.

Từ những chỉ đạo căn cơ, triệt để, quyết liệt của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, các cấp, các ngành và huyện Sóc Sơn đã sốc lại công việc, đến nay, tình hình tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn đã ổn định và đang triển khai theo đúng tiến độ. Những kiến nghị của người dân liên quan đến xử lý ô nhiễm không khí, cấp nước sạch, tái định cư... cũng đang được các cơ quan chức năng của Thành phố tập trung giải quyết.

Tháo nút thắt quy hoạch để Hà Nội phát triển với khí thế “Rồng bay”

Trong quá trình phát triển, do yếu tố lịch sử, có nhiều nơi, chính sách của Hà Nội đã bất cập và không còn phù hợp với thực tế, thậm chí là rào cản cho sự phát triển. Luật Thủ đô đã có hiệu lực vài năm nhưng cụ thể hóa để tạo cơ chế cho Hà Nội vẫn chưa được bao nhiêu. Việc “cởi trói” để “rồng” bay được người đứng đầu Đảng bộ Thành phố xác định là một trong những ưu tiên trước mắt.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ xem xét quy hoạch phát triển quận Long Biên


Từ đó, liên tục những buổi làm việc của Hà Nội với các Bộ, Ngành Trung ương đã diễn ra với sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từng vướng mắc, bất cập trước mắt đến khó khăn trong chính sách vĩ mô được các tiếng nói mọi cấp ngành của Thủ đô nêu lên. Các Bộ, Ngành đều khẳng định đây là những kiến nghị xác đáng và sẽ khẩn trương kiến nghị Thủ tướng, Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp hơn. Đó không chỉ là việc tạo ra một con đường thông thoáng để Thủ đô phát triển mà nó còn giúp đưa ra những cách làm mới, mô hình hay để cả nước học tập.

“Cởi trói” để Thủ đô thật sự "hóa rồng" còn cần một tầm nhìn đủ xa và đúng đắn. Quy hoạch phát triển sông Hồng được Thành phố triển khai từ 10 năm trước với nhiều kỳ vọng, nhưng người dân vẫn chờ “mỏi mắt” vẫn chưa thấy. Nhiều bức xúc dân sinh liên quan đến cuộc sống của hàng triệu dân sinh sống dọc hai bên sông; hàng nghìn ha đất chưa được “đánh thức” do không ai dám đầu tư vào khoa học công nghệ vì quy định đất chưa được quy hoạch… là những bài toán cấp thiết cần phải có lời giải.

Đầu quý III năm 2020, trao đổi với các chuyên gia nước ngoài, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chia sẻ: “Hàn Quốc có kỳ tích sông Hàn. Việt Nam và Hà Nội có thể có kỳ tích sông Hồng được không. Muốn có kỳ tích sông Hồng thì phải có quy hoạch về phát triển sông Hồng. Trước đây chỉ có 40 cây số sông Hồng qua Hà Nội thôi, bây giờ Hà Nội mở rộng thì có 126km chảy qua Hà Nội. Nếu làm được cái này thì có một nguồn lực hết sức to lớn, giải quyết sinh kế cho khoảng 1 triệu dân cư”.


Tầm nhìn đó được hiện thực hóa chỉ trong vài tháng sau, ngày 10/3/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Vương Đình huệ để cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Đồ án lần này được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch mà Thành ủy Hà Nội tham vấn nhận định là tốt nhất từ trước đến nay và quan trọng là đủ điều kiện để được phê duyệt, thông qua vào tháng 6 tới”.

Đây là kết quả từ quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo Thành phố, cùng với sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, thẩm định, hoàn thiện quy hoạch này. Bởi từ năm 1954 đến nay, đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, tất cả đều nói đến quy hoạch sông Hồng nhưng lần này mới thành hiện thực. Quan trọng hơn, quy hoạch lần này được thực hiện bởi Nhà nước, không có bóng dáng bất kỳ một doanh nghiệp nào, mang đến niềm tin, kỳ vọng phát triển một trục không gian đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ dự hội nghị công bố quy hoạch phân khu đô thị 4 quận nội đô


Ngoài ra, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2011 nhưng đến hết nhiệm kỳ vừa rồi Hà Nội mới phủ kín được 86% quy hoạch phân khu, trong đó, quy hoạch phân khu 4 quận nội đô đã chậm nhiều năm qua, chưa phê duyệt được. Mới đây, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, khu vực nội đô lịch sử sẽ có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Ngày 22/3 vừa qua, Thành phố đã chính thức công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị 4 quận nội đô nói trên.

Những quan điểm phát triển và đột phá chiến lược

Một trong những quan điểm mang dấu ấn Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chính là “phát triển đồng đều”. Trong những năm qua, khu vực phía Đông, Bắc và Tây của Hà Nội đã được đầu tư và phát triển tương đối đồng bộ, nhưng khu vực phía Nam, bao gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức còn chưa được quan tâm đúng mức, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông còn thiếu và không đồng bộ, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ người dân được cấp nước sạch cũng thấp... Khi về làm việc với các huyện này, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chỉ đạo phải quan tâm đầu tư về nguồn lực để khu vực phía Nam không trở thành “vùng trũng phát triển”, đồng thời, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vực này để trở thành một cực phát triển mới của Thủ đô. Quan điểm “phát triển đồng đều” này đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, cùng với đó là những quan điểm mới về phát huy nguồn lực văn hóa, con người trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thành phố.


Để cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã chỉ đạo xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa. So với các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này, Thành phố có 3 chương trình mới lần đầu được thực hiện, đó là Chương trình số 03 về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025", Chương trình số 07 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025" và Chương trình số 08 về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025". Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, với tinh thần “nhanh và ngay” để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, vừa qua Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã cho ý kiến, thông qua toàn bộ 10 Chương trình công tác toàn khóa để ban hành vào dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng bộ Thủ đô (tháng 3/2021), sớm hơn từ 06 tháng đến 1 năm so với các nhiệm kỳ trước.

Khi về thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, vào tối Giao thừa Tết Tân Sửu 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành tặng Hà Nội 4 câu thơ: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay Hà Nội chắc càng thắng to/Hào hoa, thanh lịch, ấm no/Xứng danh Hà Nội - Thủ đô Anh hùng”. Đây là sự ghi nhận của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã đạt được trong năm 2020, đồng thời, cũng là sự kỳ vọng, tin tưởng Thủ đô sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trên chặng đường phát triển phía trước.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t