Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển cho Thủ đô (19:43 05/03/2021)


HNP - Chiều 05/3, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã chủ trì Hội thảo khoa học xin ý kiến các chuyên gia, các đồng chí nguyên là lãnh đạo thành phố, các nhà khoa học cơ quan Trung ương vào dự thảo Chương trình số 07/CTr-TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”. Cùng tham dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo


Theo Dự thảo Chương trình số 07/CTr-TU của Thành ủy, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, một số chỉ tiêu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đứng đầu cả nước và trong nhóm đầu của Đông Nam Á, cụ thể: Giá trị sản phẩm công nghệ cao trong GRDP chiếm trên 70%; Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP; Tốc độ tăng năng suất lao động trên 7%; Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%; Tỷ trọng kinh tế số chiếm trên 30% GRDP, đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo chiếm 70% tổng đầu tư; Trên 40% sản phẩm của Thành phố được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của Hà Nội; Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị Thành phố, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng Thành phố thông minh; Phấn đấu cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đủ điều kiện, đạt 100%, tích hợp 60% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045...
 
Để đạt được các mục tiêu đó, TP sẽ đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược phục vụ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Đổi mới tư duy quản lý theo cách tiếp cận mở, xây dựng cơ chế quản lý, tạo thuận lợi và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thích ứng nhanh với sự phát triển của KHCN và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KHCN & đổi mới sáng tạo.
 
Bên cạnh đó, TP Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học công nghệ nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định cơ chế, chính sách, định hướng phát triển Thủ đô. Khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và phát triển công nghệ phù hợp cơ chế thị trường, hình thành một số sản phẩm công nghệ cao của Thành phố. Tạo diễn đàn để các nhà khoa học của Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực giới thiệu các nghiên cứu, thành tựu và xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, đề xuất ứng dụng cho TP Hà Nội. Đẩy mạnh phát triển thương hiệu Hà Nội và tài sản trí tuệ trên địa bàn.
 
Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo
 
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung đánh giá hiện trạng phát triển KHCN và ĐMST của TP thời gian vừa qua, nhất là những mặt còn hạn chế yếu kém, cũng như chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó. Các ý kiến cũng góp ý cho mục tiêu tổng quát trong phát triển KHCN và ĐMST của Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn xa hơn cho phù hợp với thực tiễn. Một số ý kiến cũng đưa ra thêm các giải pháp mang tính khoa học lý luận ngoài 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp TP đã đưa ra đề nghị TP nghiên cứu đưa vào Chương trình.
 
Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng đây là một Chương trình lớn, có tính bao quát và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đánh giá cao TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng một Chương trình công tác của cả nhiệm kỳ về lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đây sẽ là động lực phát triển cho không chỉ Hà Nội mà cho cả nước trong tương lai.
 
Thay mặt Thường trực Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trân trọng cảm ơn và tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng tại hội thảo để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Chương trình số 07/CTr-TU của Thành ủy. Phó Bí thư Thành ủy cho biết: Hiện nay, Hà Nội có nhiều lợi thế về KHCN và ĐMST như: Các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trên địa bàn chiếm 80% cả nước; số lượng nhân lực từ Tiến sĩ trở lên chiếm 65% cả nước; chưa kể nguồn nhân lực là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khoa công nghệ của cả trong nước cũng như quốc tế đóng trên địa bàn thành phố. Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, Chương trình 07 không chỉ làm thay đổi nhận thức về KHCN và ĐMST mà sẽ là nguồn lực quan trọng cho Thủ đô Hà Nội trong việc phát triển nhanh và bền vững.
 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, tại Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ TP đánh giá Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình, nhất là về huy động các nguồn lực để phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô. Từ nhận định đó cho thấy kinh tế Thủ đô không có những đột phá mang tính chiến lược và một trong những nguyên nhân là do khoa học công nghệ chưa phải là động lực quan trọng giúp cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế đô thị. Tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ nhất là khoa học công nghệ cao đóng góp vào sự tăng trưởng còn rất hạn chế. 
 
Trước thực tiễn như vậy, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố đã đặt ra mục tiêu không chỉ cho nhiệm kỳ 5 năm mà mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định năm 2025 về cơ bản sẽ hoàn thành công nghiệp hóa, GDP tăng trưởng từ 8 đến 8,5%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 8.300 đến 8.500 USD. Năm 2030, Hà Nội xác định trở thành TP xanh, văn minh, hiện đại và hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, thu nhập bình quân đầu người khoảng 13.000 đến 15.000 USD và đến năm 2045 là TP phát triển toàn diện với thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD và là TP kết nối toàn cầu.
 
Với tham vọng rất lớn như vậy, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong cả 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ này đều xác định muốn tạo đột phá phát triển trong thời gian tới cần phải dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số cũng như dựa vào KHCN và ĐMST... Từ thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã xây dựng riêng một Chương trình về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP.
 
Cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng tình, ủng hộ Chương trình 07/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, sau hội thảo này, Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ họp lại để hoàn thiện, báo cáo và xin ý kiến Thường trực Thành ủy trước khi đưa ra Ban Thường vụ Thành ủy để thông qua.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t