Tổng hợp nội dung họp báo thông tin tình hình KT-XH tháng 2 năm 2021 của thành phố Hà Nội (22:45 04/03/2021)


HNP - Chiều 04/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế-xã hội tháng 02/2021. Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Anh Dũng, Người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm chủ trì họp báo với sự tham dự của lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện cùng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm chủ trì họp báo


Tại buổi họp báo, sau khi nghe Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Anh Dũng thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 02/2021 và nhiệm vụ tháng 03/2021 của thành phố Hà Nội; Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố Hà Nội trong thời gian qua, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi với Ban tổ chức.
 
Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại họp báo 
 
Đối với câu hỏi: Từ ngày 02/3, các trường học trên địa bàn TP Hà Nội mở cửa đón học sinh trở lại trường, các trường học thực hiện những biện pháp gì để phòng chống dịch Covid-19? Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng cung vượt cầu nông sản tại các huyện ngoại thành?
 
Đồng chí Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin: Khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố có diễn biến phức tạp trong đợt bùng phát thứ 4, thực hiện sự chỉ đạo của Thành phố, Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động đề xuất với UBND Thành phố cũng như chỉ đạo các nhà trường có những biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến bất thường, Sở đã đề nghị cho các em học sinh nghỉ học ở nhà và học trực tuyến đến ngày 02/03.
 
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở đã phối hợp với liên ngành có văn bản hướng dẫn các nhà trường, cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Về công tác chuẩn bị của các trường trước khi học sinh trở lại học tập: nhà trường đã phối hợp với cơ quan y tế địa phương, phụ huynh học sinh tổ chức tổng vệ sinh khử khuẩn, tăng cường các điều kiện để đảm bảo công tác phòng chống dịch: nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang…
 
Đồng chí Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin tại buổi họp báo
 
Tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh qua các kênh thông tin như: zalo, email, facebook cũng như các kênh thông tin của nhà trường để chuẩn bị tâm thế cho các cháu trở lại học tập sau thời gian tạm thời chuyển trạng thái học tập. Khi học sinh tới trường, Sở cũng lưu ý: đối với cấp học tiểu học và mầm non (các cháu chưa chủ động được), gia đình có trách nhiệm kiểm tra thân nhiệt trước khi các cháu đến trường, nếu học sinh có dấu hiệu bất thường phải báo cáo ngay với nhà trường, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn; thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, đặc biệt phải đeo khẩu trang từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Sở cũng đã tham khảo cơ quan y tế, nếu đã thực hiện tốt các biện pháp đã chuẩn bị như trên thì không nhất thiết học sinh phải đeo khẩu trang trong thời gian ở trường. Tuy nhiên, nếu các học sinh đã hình thành được thói quen đeo khẩu trang trong lớp học thì vẫn khuyến khích.
 
Đối với các em học sinh lớp lớn, khi học sinh đến trường 100%, các trường phải tổ chức kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu học sinh đeo khẩu trang đúng quy cách, thường xuyên rửa tay bằng nước xà phòng, khuyến khích các cháu sử dụng các đồ uống bằng bình riêng để đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong cán bộ, giáo viên, học sinh, đặc biệt là hạn chế khách ra vào nhà trường. Phụ huynh khi ra vào trường phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kết thúc mỗi buổi học, các thầy cô đều nhắc nhở các em học sinh thực hiện giãn cách khi ra khỏi cổng trường; duy trì vệ sinh trường lớp, kiểm tra rà soát, bổ sung kịp thời nước sát khuẩn, xà phòng và các dụng cụ cần thiết khác.
 
Bài học một phụ huynh bị lây nhiễm đã có giao tiếp làm ảnh hưởng tới môi trường học tại một trường tiểu học ở Nam Từ Liêm, chúng ta đã phải thực hiện cách ly cả trường học, đây là bài học không bao giờ quên, phải rút kinh nghiệm tuyệt đối. Vì vậy, Sở GD&ĐT mong muốn các cơ quan báo đài tuyên truyền cho các bậc phụ huynh: giữ cho mình, giữ cho các cháu và giữ cho mọi người. 
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các giải pháp hỗ trợ nông dân Hà Nội tiêu thụ nông sản để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” thời gian qua, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: 
 
Vụ Đông -Xuân năm 2021 do thời tiết thuận lợi nên sản lượng các loại rau màu đạt năng suất cao trên địa bàn cả nước, trong đó, có các huyện thuộc Thành phố Hà Nội. Song do diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêu thụ sản phẩm nông, lâm,  thủy sản đến thời điểm thu hoạch trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố do tháng 2 là tháng Tết, người dân đã mua sắm nhiều vào dịp trước Tết nên sức mua giảm, các nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa, các bếp ăn trong các nhà máy, trường học không hoạt động do công nhân nghỉ Tết, học sinh nghỉ học do dịch Covid-19….nên giá cả các mặt hàng nông sản rớt mạnh trên địa bàn chung cả nước.  Đứng trước tình hình khó khăn như vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Thành ủy, UBND Thành phố về đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu UBND Thành phố hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố có dịch đang gặp khó khăn và đạt được các kết quả tích cực. Kết quả triển khai cụ thể các nội dung như sau:
 
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin tại buổi họp báo
 
Về hỗ trợ tiêu thụ nông sản huyện Mê Linh và các huyện trên địa bàn Thành phố, tại Hội nghị giao ban Tháng 01/2021 của UBND Thành phố, Sở Công Thương đã đề nghị các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp nếu có khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm báo cáo về Sở Công Thương. Ngày 25/02, Sở Công Thương tiếp tục ban hành Văn bản triển khai đến các huyện, thị xã rà soát, dự báo, thống kê thông tin vùng sản xuất đến thời điểm thu hoạch trong năm 2021 có khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cần được kết nối (nếu cần thiết) để tổ chức thực hiện. 
 
Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, hàng năm hoạt động sản xuất nông nghiệp rải vụ trên địa bàn huyện từ 5- 6 lứa rau củ/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp đối với cây rau trung bình đạt từ từ 400 - 650 triệu đồng/ha/năm, do đó thu nhập và đời sống của người dân và các tiểu thương kinh doanh được nâng cao. Vụ sản xuất năm 2020 (tính từ thời điểm từ đầu năm 2020 đến trước tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021) việc sản xuất và tiêu rau, củ, quả của Nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh diễn ra thuận lợi nên thu nhập của người nông dân từ trồng rau được đảm bảo. Tuy nhiên, vào thời điểm chuyển từ vụ Đông sang vụ Xuân, đặc biệt là giai đoạn sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời tiết thuận lợi cho rau củ phát triển, sản lượng tăng mạnh (một số vùng trồng ra không chuyên canh cũng thu hoạch để chuyển sang trồng lúa vụ Xuân). Theo thống kê tại thời điểm hiện nay, tại thôn Đông Cao diện tích rau đến thời điểm hiện nay trên địa bàn đến thời điểm thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch khoảng 69ha (37 ha củ cải ước 1.500 tấn; cà chua 10ha sản lượng ước 20 tấn….). Trong 1.500 tấn có khoảng 500 tấn đang vào vụ thu hoạch cần tiêu thụ ngay còn khoảng 1000 tấn chuẩn bị thu hoạch trong khoảng 10 ngày tới. 
 
Nguyên nhân của việc dư cung do nông dân sản xuất tăng thêm các vụ (nếu chỉ sản xuất 4 vụ/ năm là phù hợp trong khi nông dân lại sản xuất từ 5-6 vụ/năm) trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm, các bếp ăn trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, các nhà hàng… nghỉ Tết, nghỉ chống dịch; do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên một số thương lái e ngại, bỏ cọc không thu mua do khó xuất hàng đi các tỉnh nên việc tiêu thụ thường gặp khó khăn, giá rau, củ, quả xuống thấp (củ cải 2000 - 3000đ/kg; cà chua 2000- 3000đ/kg).
 
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở Công Thương đã chủ trì cùng UBND huyện Mê Linh triển khai ngay các công việc nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho Xã Tráng Việt huyện Mê Linh, cụ thể: Ngày 25/02, tổ chức buổi làm việc cùng UBND huyện Mê Linh, Sở NN&PTNT, Sở TT&TT cùng các doanh nghiệp phân phối, các cơ quan thông tấn báo chí TW và địa phương nắm bắt thông tin sản xuất và bàn giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản trong các mùa vụ tại xã Tráng Việt - huyện Mê Linh; tổ chức khảo sát tại nơi sản xuất của nhân dân tại Thôn Đông Cao - xã Tráng Việt- huyện Mê Linh. Ban hành Văn bản số 786/SCT-QLTM ngày 26/02, về tăng cường hỗ trợ tiêu thụ củ cải và nông sản xã Tráng Việt, huyện Mê Linh gửi các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi, cửa hàng thực phẩm, ban quản lý các chợ để hỗ trợ tiêu thụ.
 
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền: cung cấp thông tin báo chí để kịp thời cung cấp thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh giúp thông tin đúng hướng nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm rau, củ, quả cho Nhân dân xã Tráng Việt và huyện Mê Linh tại thời điểm hiện tại và các vụ tiếp theo năm 2021. Đã chỉ đạo, thông tin vận động các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, thương nhân, tiểu thương tại các chợ chủ động liên hệ, kết nối với các đơn vị thực hiện thu mua nông sản để kết nối tiêu thụ và sơ chế, chế biến củ cải khô. UBND huyện Mê Linh chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, các Trường học, các cơ quan, doanh nghiệp đóng phối hợp với UBND xã Tráng Việt, HTX dịch vụ Nông nghiệp Đông cao và các tiểu thương kinh doanh rau, củ quả trên địa bàn xã Tráng Việt để hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản phẩm cho Nhân dân xã Tráng Việt.
 
Kết quả trong 08 ngày (từ 25/02 đến 12h00’ ngày 03/3) sản lượng nông sản đã hỗ trợ tiêu thụ cho riêng nhân dân xã Tráng Việt được khoảng 864 tấn củ cải, cà chua và rau các loại: Hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiêu thụ đạt bình quân khoảng 06 tấn/ngày (trong đó, hệ thống siêu thị BigC đã tiêu thụ 7,5 tấn củ cải, hệ thống Co.opmart tiêu thụ 05 tấn, hệ thống MM Mega Market tiêu thụ 06 tấn…); tiêu thụ qua thương lái từ 50- 100 tấn nông sản/ngày… đến nay, việc tiêu thụ sản phẩm của Nhân dân vẫn đang diễn ra bình thường, đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng cho người dân.
 
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, trong quá trình sản xuất vẫn còn một số củ cải, cà chua để quá lứa, kém chất lượng hoặc trong quá trình thu hoạch có một số rau củ, quả bị thối, hỏng, không đạt chất lượng thương phẩm vì vậy không thể tiêu thụ ra thị trường. Để giữ gìn thương hiệu rau của huyện Mê Linh cũng như của xã Tráng Việt, UBND xã Tráng Việt và HTX dịch vụ Đông Cao- xã Tráng Việt đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thu hoạch, không tiêu thụ ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ATTP, xử lý tàn dư thực vật theo quy định, vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ Xuân năm 2021 cho kịp thời vụ, trong đó, có một số khu vực xử lý tàn dư rau củ quá lứa ven sông Hồng như báo đã nêu.
 
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai một số việc sau: Tiếp tục giới thiệu, kết nối các đơn vị thu mua, tiêu thụ sản phẩm rau củ trên địa bàn xã Tráng Việt, huyện Mê Linh và thành phố Hà Nội, đồng thời vận động các doanh nghiệp phân phối, siêu thị… triển khai ký hợp đồng nguyên tắc về bao tiêu sản phẩm nông nghiệp;Vận động các doanh nghiệp chế biến (Công ty Đồng giao…) thu mua (cà chua) để sản xuất chế biến nước hoa quả…để nhân dân yên tâm sản xuất. 
 
Đề nghị Sở NN& PTNT, UBND huyện Mê Linh tập trung chỉ đạo sản xuất, định hướng sản xuất rõ ràng, cụ thể, thông tin kịp thời tới các hộ sản xuất chỉ sản xuất đảm bảo cân đối cung cầu theo nhu cầu thị trường phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn Thành phố và cả nước. Kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nhân dân trên địa bàn để phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản phẩm an toàn, sạch theo các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp của Quốc tế và VN; Báo cáo đề xuất thành phố về kêu gọi thành lập các cơ sở chế biến ngay tại địa phương để đa dạng hóa tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khối lượng lớn, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại địa phương. 
 
Đề nghị Sở TT&TT, các cơ quan báo chí TW, địa phương hỗ trợ công tác tuyên truyền để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân (về chất lượng, giá cả…) để giúp nông dân có đầu ra ổn định, giá cả không bấp bênh…; tuyên truyền cho người nông dân hiểu để nắm vững quy luật thị trường, các yếu tố tác động tới thị trường tại từng thời điểm cụ thể, chỉ sản xuất theo định hướng chỉ đạo của Sở NN&PTNT, UBND huyện nhằm hạn chế tình trạng sản xuất không có kế hoạch gây dư cung trên thị trường, lãng phí của cải xã hội khi không tiêu thụ được hết. 
 
Đối với câu hỏi: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đề ra mục tiêu sẽ thay đổi căn bản các vấn đề dân sinh bức xúc, đặc biệt trong năm 2021 sẽ tạo ra chuyển biến rõ nét để người dân nhìn thấy được, đặc biệt là việc xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, sông Nhuệ, Đáy. Vậy đến naytiến độ xử lý ra sao?
 
Về việc đồng chí Bí thư Thành ủy đã giao Sở Xây dựng tìm phương án bổ cập nước sông Tô Lịch để làm sống lại con sông này khi đã tách nước thải ra, đề nghị Sở Xây dựng cho biết đã chọn phương án nào phù hợp nhất để cụ thể hoá chỉ đạo của Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy hay chưa?
 
Trả lời câu hỏi về việc xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, hiện nay, ô nhiễm tại sông Nhuệ, sông Đáy chưa bằng sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch nhưng tương lai sẽ gây áp lực lớn đối với nhân dân hai bên bờ sông. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo rất quyết liệt các đơn vị bên cạnh việc duy tu, duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước ở lòng sông để giảm thải lượng bùn lắng đọng thì tiếp tục xây dựng các trạm xử lý rác thải cục bộ để giảm tải cho hai bên bờ sông Nhuệ và sông Đáy như: trạm xử lý nước thải Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) công suất 500 m3/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) công suất 8.000 m3/ngày đêm....; ngoài ra Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị thu gom toàn bộ rác thải trong ngày toàn bộ tuyến 2 bên bờ các sông.
 
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam thông tin tại buổi họp báo
 
Sở Xây dựng cũng đang đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến công suất 9m3/s để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Với lưu lượng nước này có thể đủ để tạo dòng chảy, cải thiện ô nhiễm cho 2 con sông.
 
Việc xử lý rác thải tại các con sông là vấn đề mang tính lâu dài cần sự đồng hành của nhân dân và sự tham gia của toàn xã hội. Về các tuyến sông trên, Thành phố sẽ hướng tới việc cố gắng thu gom rồi tách nước thải sinh hoạt để tương lai các dòng sông chỉ còn nước mặt, trả lại cảnh quan cho các dòng sông. Thành phố cũng đã chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ lượng nước thải từ việc kiểm soát các chế phẩm từ các hộ dân, khuyến cáo người dân sử dụng các vật dụng thân thiết với môi trường...
 
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng thông tin tại buổi họp báo
 
Về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết: Đã có nhiều giải pháp cho việc bổ cập nước sông Tô Lịch, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng qua hồ Tây rồi chảy vào Tô Lịch.Thời gian gần đây, với việc Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao các đơn vị chức năng tìm phương án đẩy nhanh việc này, cơ quan liên ngành đã khảo sát và đưa ra đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc. Nếu bổ cập qua cống Liên Mạc, phương án này có thể cải thiện ô nhiễm cả cho sông Nhuệ. Trước đây, Thành phố đã có dự án nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc, thời gian tới việc này sẽ được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu dự án này được thực hiện sẽ đảm bảo việc tưới tiêu nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ.
 
Trả lời câu hỏi: Năm 2020 Bí thư Thành ủy Hà Nội giao cơ quan Công an lập chuyên đề xem xét có hay không việc vi phạm trong thu gom và xử lý rác thải. Vậy đến thời điểm này việc đó xử lý đến đâu. 
 
Đồng chí Phạm Minh Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường - Công an Thành phố thông tin tại buổi họp báo
 
Đồng chí Phạm Minh Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường - Công an thành phố cho biết: Liên quan đến việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành uỷ về việc xác minh nội dung liên quan về phản ánh đổ nước vào rác để tăng khối lượng trong quá trình xử lý rác và những tiêu cực trong quá trình xử lý rác, Công an Thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường và Phòng Cảnh sát kinh tế tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan chức năg tổ chức theo dõi, giám sát những điểm phát sinh rác ngay từ những điểm đầu đến quá trình vận chuyển, xử lý tập kết, trung chuyển và quá trình vận chuyển, điểm dừng nghỉ của lái xe chở rác lên hai khu liên hiệp xử lý rác của thành phố là Nam Sơn và Xuân Sơn, đến nay chưa phát hiện có hiện tượng bơm nước hay trộn các phế thải khác để làm tăng khối lượng rác thải sinh hoạt trong quá trình xử lý. Về những biểu hiện tiêu cực trong thu gom xử lý rác, Phòng Cảnh sát môi trường và Phòng Cánh sát kinh tế đang tiếp tục thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan, khi có kết luận cuối cùng sẽ thông tin đến báo chí sau khi được xác minh làm rõ. 
 
Đối với câu hỏi: Bao giờ Hà Nội có vắc xin và nguồn được mua từ ngân sách thành phố hay xã hội hoá? Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết: 
 
Về nguồn kinh phí mua vắc xin: Ngày 26/2/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 21 về việc mua, sử dụng vắc xin Covid-19, căn cứ điều 3 của Nghị quyết thì có 3 nguồn kinh phí để mua vắc xin đó là: Ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong, ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác; nguồn của các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự chi trả (dịch vụ). Đối với Thành phố Hà Nội đã hết sức chủ động, ngày 9/2/2021 được sự chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tạo điều kiện hỗ trợ thành phố Hà Nội được tiếp cận với các nguồn vắc xin của các nước hiện nay đã được cấp phép lưu hành để chủ động mua vắc xin tiêm chủng cho người dân Thủ đô với dự kiến là 15.782 liều, đủ số lượng tiêm cho toàn bộ người dân Thủ đô và một số người dân vãng lai cư trú trên địa bàn Thủ đô với đối tượng trên 18 tuổi trở lên bởi hiện nay vắc xin chỉ được dùng cho người trên 18 tuổi. 
 
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn thông tin tại buổi họp báo
 
Thời gian tiêm vắc xin: Ngày 24/2/2021, Bộ Y tế đã nhận lô vắcxin đầu tiên với số lượng trên 117 nghìn liều, đến 06/3/2021 sẽ tổ chức tập huấn tiêm chủng cho toàn bộ hệ thống y tế dự phòng của 63 tỉnh thành. Sau cuộc tập huấn này, trên cơ sở danh sách đối tượng ưu tiên của 13 tỉnh thành đã và đang có dịch, trong đó có thành phố Hà Nội và ưu tiên số một cho tỉnh Hải Dương. Sau khi được tập huấn và phân bổ, Hà Nội đã chuẩn bị danh sách ưu tiên tiêm đầu tiên, đó là những người trực tiếp trong tuyến đầu chống dịch.
 
Trả lời câu hỏi: UBND Thành phố vừa phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022, trong đó điểm mới quan trọng là đăng ký nguyện vọng 1, 2 theo hộ khẩu khiến phụ huynh, học sinh vô cùng lo lắng. Thành phố có hướng xử lý vấn đề này như thế nào? Đến thời điểm này Thành phố có quyết định thi 4 môn không? Nếu có bao giờ công bố môn thi thứ tư?
 
Đồng chí Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin: Ngày 19/02, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022 trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức một kỳ thi chung tuyển vào lớp 10 THPT công lập với yêu cầu học sinh phải dự thi 4 bài thi độc lập, trong đó quy định môn thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3/2021. Tuy nhiên, tùy theo từng tình huống, diễn biến thực tế dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chuẩn bị sẵn sàng các phương án trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho học sinh. 
 
Đồng chí Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin tại buổi họp báo
 
Với nội dung về các nguyện vọng đăng ký dự thi, năm nay Sở đã tham mưu cho Thành phố mỗi học sinh sẽ được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng, như vậy đã mở rộng thêm một nguyện vọng so với kỳ thi trước. Trong đó, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 nằm trong vùng tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng 3 có thể nằm ở bất kỳ khu vực tuyển sinh nào. Hiện tại, 12 khu vực tuyển sinh được phân chia trên địa bàn Thành phố vẫn được giữ nguyên như những năm học trước không có thay đổi. Việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh theo quy định là thí sinh sẽ không được điều chỉnh nguyện vọng, tuy nhiên về khu vực tuyển sinh, tùy thuộc vào một số trường hợp đặc biệt, thí sinh có hộ khẩu thường trú ở 1 nơi nhưng cư trú thực tế ở nơi khác thì những thí sinh có điều kiện đặc biệt như vậy sẽ được các nhà trường, các phòng giáo dục xem xét điều chỉnh về khu vực tuyển sinh. 
 
Ngay sau khi Thành phố có Quyết định phê kế hoạch tuyển sinh, Thành phố đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn để hướng dẫn cụ thể cho học sinh và các nhà trường. Hiện nay, chúng tôi đang trong quy trình triển khai ban hành văn bản hướng dẫn, dự kiến trong tháng 3 sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022.
 
Đối với câu hỏi: Việc xây dựng các dự án thoát nước mưa, xử lý nước thải liệu có chậm hay không và nguyên nhân tại sao, liệu rằng có đáp án cụ thể cho câu hỏi bao giờ Hà Nội hết ngập khi mưa lớn và khi nào các dòng sông của Hà Nội hết ô nhiễm?
 
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết: Theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 thìThành phố đã triển khai các kế hoạch theo quy hoạch, cụ thể là dự án thoát nước 1,2 khu vực nội thành Hà Nội đã được thực hiện xong, về cơ bản đã đảm bảo thoát nước cho khu vực này. Đối với các dự án triển khai công trình đầu mối, hồ điều hoà cũng như trạm bơm thì đang triển khai thực hiện như ĐồngBông 1, Đồng Bông 2, lưu vực thoát nước,… theo tiến độ thì Thành phố đang giao Ban Quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội thực hiện dự án xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày đêm đang triển khai 4 gói thầu, dự kiến 2024 sẽ đi vào hoạt động, góp phần nâng tỷ lệ xử lý nước thải của thành phố lên khoảng 50-55%.
 
Hiện nay tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai rất khốc liệt, bất thường, ngoài ratốc độ đô thị hoá nhanh nên không đầu tư kịp về hạ tầng thoát nước do kinh phí quá lớn, vì vậy Thành phố chọn lưu vực điểm để xử lý.
 
Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Anh Dũng phát biểu kết luận buổi họp báo 
 
Kết luận buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Nguyễn Anh Dũng đánh giá, các câu hỏi của các phóng viên đã được đại diện các sở, ngành trao đổi, giải đáp trên tinh thần hết sức cởi mở, thẳng thắn. Đồng chí mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, thông tin để giúp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t