Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Tạo đột phá về thể chế, chính sách để văn hóa, thể thao phát triển (14:17 03/03/2021)


HNP - Sáng 3/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc


Cùng chủ trì có các đồng chí Thường trực Thành ủy: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
 
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.
 
Phát triển văn hóa phải xứng tầm với vị thế của Thủ đô
 
Báo cáo tại buổi làm việc về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, 2 tháng đầu năm 2021, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Cương cho biết, Sở đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; không để xảy ra các vấn đề nóng, gây bức xúc. Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, thể thao cũng được nâng cao hơn; sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa, thể thao cũng nhiều hơn; huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia hơn...
 
Sở cũng hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, đồng thời tích cực tham mưu xây dựng Chương trình số 06 của Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
 
Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trọng tâm là tuyên truyền, thực hiện 02 Quy tắc ứng xử được triển khai với nhiều hình thức, mô hình đổi mới, sáng tạo. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm, với việc thực hiện tu bổ, tôn tạo 179 di tích, tổng kinh phí hơn 1.546 tỷ đồng, trong đó có gần 468 tỷ đồng kinh phí xã hội hóa; đồng thời xếp hạng 46 di tích (trong đó có 01 di tích cấp Quốc gia đặc biệt; 01 di tích cấp Quốc gia)...
 
Sở cũng tham mưu, tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng các sự kiện chính trị của Trung ương, Thành phố, đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ Thành phố giao, Sở đã tiến hành cải tạo, sửa chữa các công trình phục vụ đăng cai tổ chức SEA Games 31 và huấn luyện, chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên phục vụ SEA Games 31.
 
Tuy vậy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Cương cũng nhìn nhận, văn hóa Hà Nội vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được hết mong mỏi là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội rất lớn, nhưng thực tế chưa đủ nguồn lực để tu bổ, tôn tạo. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố cũng chưa tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô. Thể thao thành tích cao phát triển chưa thật sự bền vững, việc ứng dụng khoa học để nâng cao thành tích của vận động viên còn hạn chế...
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nêu 5 nhóm kiến nghị với Thành phố về tuyên truyền, định hướng; về cơ chế, chính sách; về công tác tổ chức bộ máy; về cơ sở vật chất, trang thiết bị... Đáng chú ý, Sở kiến nghị Thành phố đồng ý về chủ trương cho phép Sở phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, như có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng không qua thi tuyển - đối với những nghệ sỹ, vận động viên có thành tích xuất sắc; cho phép được ký hợp đồng chuyên môn trong chỉ tiêu biên chế đối với các nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công trẻ và một số lao động để đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của đơn vị. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị Thành phố quan tâm, đầu tư các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cho các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để phát huy công năng và hiệu quả đầu tư...
 
Đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao
 
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, lãnh đạo UBND Thành phố, các đồng chí Thường trực Thành ủy, phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, buổi làm việc có ý nghĩa rất cần thiết, không chỉ đánh giá kết quả đạt được của ngành văn hóa và thể thao, đề ra phương hướng phát triển và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, mà còn cung cấp những luận cứ để xây dựng Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội khoá XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025".
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Cơ bản thống nhất với những kết quả đạt được và những vấn đề còn hạn chế đã nêu, Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, trong công tác quản lý nhà nước còn chậm được đổi mới, có lúc, có nơi còn xem nhẹ hoặc buông lỏng. Việc đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, hiệu quả thấp... Đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 06, Sở Văn hóa và Thể thao phải tập trung phân tích, đánh giá kỹ hơn về những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và xây dựng con người Hà Nội; trong đó, cần phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; trọng tâm là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp. “5 năm tới đây, chưa nói đến những vấn đề mới, các đồng chí chỉ tập trung giải quyết được những hạn chế, yếu kém thì đã tạo ra những bước chuyển biến mới về văn hóa, thể thao”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 
Theo Bí thư Thành ủy, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Đối với Hà Nội thì văn hóa lại càng quan trọng, bởi Hà Nội là thành phố ngàn năm văn hiến, anh hùng, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố linh thiêng và hào hoa, con người Hà Nội thì thanh lịch, văn minh, “chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Hơn nữa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII cũng đã xác định, phát triển văn hóa, con người Hà Nội là nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất để phát triển Thủ đô bền vững.
 
Chính vì thế, Bí thư Thành ủy đề nghị ngành Văn hóa và Thể thao Thành phố cần bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, những mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, thể thao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII để cụ thể hóa, triển khai thành các nhiệm vụ của ngành.
 
Để làm được, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tập trung đổi mới về tư duy, tạo bước đột phá về thể chế, chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao. Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao sang cơ chế tự chủ; đổi mới cơ chế thu hút, đãi ngộ tài năng. Nhưng trước khi tham mưu, ban hành những quyết sách mới, các cơ quan thành phố phải trao đổi kỹ với các nhà hát, trung tâm; không phải thực hiện tự chủ là để cho nhà hát, trung tâm tự lo hết. Đồng thời, rà soát nếu còn biên chế thì phải tạo điều kiện cho đơn vị tuyển chọn bổ sung, trên nguyên tắc không tăng tổng chỉ tiêu toàn Thành phố.
 
Đồng chí Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo tập trung giải quyết ngay những kiến nghị của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Trong đó, bằng các nguồn vốn phải sớm đầu tư xây dựng rạp mới phục vụ công tác biểu diễn cho Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội (Nhà hát chưa có rạp biểu diễn) và xem xét, bố trí rạp biểu diễn cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu tham mưu, đề xuất đổi mới chính sách phí tham quan các di tích văn hóa, lịch sử; bảo đảm phù hợp các đối tượng, không để quá thấp như hiện nay.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn sau cuộc làm việc, các cơ quan Thành phố sẽ vào cuộc quyết liệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy; tạo ra thay đổi thực chất, vị thế của Thủ đô trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, con người Hà Nội phát triển nhanh hơn; văn nghệ sĩ, vận động viên sống được bằng nghề.
 
Thay mặt ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp thu ý kiến các đồng chí lãnh đạo Thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Cương khẳng định sẽ tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém; trên cơ sở đó tích cực phối hợp tham mưu, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt nhất ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy; phát triển văn hóa, thể thao xứng tầm vị thế Thủ đô.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t