Hà Nội xem xét tháo gỡ dần các biện pháp hạn chế nếu không có diễn biến mới (19:42 22/02/2021)


HNP - Chiều 22/02, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, đã chủ trì phiên họp trực tuyến thứ 93 với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận


Cần 15 triệu liều vắc xin để đảm bảo 2 mũi/người
 
Báo cáo tại phiên họp cho thấy, trong tuần qua (từ ngày 19-22/02/2021), Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới. Cộng dồn giai đoạn 4, Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc ngoài cộng đồng. Từ ngày 27/01, có 1.140 trường hợp F1 đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả có 30 ca dương tính, còn lại âm tính. Về việc rà soát và xét nghiệm cho toàn bộ người về từ tỉnh Hải Dương, tổng số là 51.595 người, trong đó, người về từ huyện Cẩm Giàng là 2.436 người. Ngoài ra, 17.528 người tại 18 địa điểm có liên quan tới ca mắc tại Hà Nội cũng đã được làm xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nhận định, qua thực tế lấy mẫu xét nghiệm số lượng lớn trên địa bàn thành phố cho thấy, số lượng âm tính chiếm tỷ lệ nhiều, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn có nhiều nguy cơ cao.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, Sở đã tham mưu UBND thành phố công văn gửi Bộ Y tế về việc đề nghị hỗ trợ mua vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Về số lượng, nếu tính theo dân số của Hà Nội và những người sinh sống trên địa bàn, Hà Nội cần 15 triệu liều vắc xin để có thể tiêm 2 mũi cho những người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, đạt 95%.
 
Phó Giám đốc Sở cho rằng, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ về dịch bệnh vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, gần 85% những người mắc bệnh vừa qua không có triệu chứng, do đó, nếu muốn biết người đó có mắc bệnh hay không vẫn phải dựa vào kết quả xét nghiệm PCR. "Việc xét nghiệm sẽ được tiếp tục nhưng phải chủ động, bài bản theo đúng hướng dẫn về mặt dịch tễ học để chúng ta có thể phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng và những nơi có nguy cơ cao. Ngoài ra, bệnh viện là nơi có những người ốm sẽ vào nên việc sàng lọc, phát hiện trong khu khám chưa bệnh vẫn phải đảm bảo", Phó Giám đốc Hoàng Đức Hạnh đề nghị.
 
Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong tuần này, Hà Nội sẽ xem xét tất cả những thông tin về kết quả xét nghiệm, diễn biến tình hình dịch bệnh để tuần tới có thay đổi về mặt giãn cách xã hội. "Điều này phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm, tình hình dịch bệnh để thay đổi cách thức đối với Hà Nội; trong đó, học sinh có thể quay trở lại học tập; hoạt động lễ hội, du lịch...". Lãnh đạo Sở Y tế cũng kiến nghị các Sở liên quan Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể thao, Công thương chuẩn bị sẵn sàng các phương án để chỉ đạo các đơn vị triển khai hoạt động nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn trong tình hình mới.
 
14/18 địa điểm đã được dỡ bỏ phong tỏa
 
Quang cảnh phiên họp
 
Liên quan đến các ca bệnh người Nhật, trong đó, có BN2229, đại diện quận Tây Hồ báo cáo, trong 2 ngày tới, Công an thành phố sẽ có kết quả xét nghiệm với bệnh nhân này. Hiện, quận Tây Hồ đang cách ly tập trung 458 trường hợp tại Khách sạn Somerset West Point và đề nghị tiếp tục thực hiện phong tỏa đến hết tháng 2. 
 
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm cho những người từ tỉnh Hải Dương về; thành lập các tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng" để rà soát, giám sát chặt chẽ theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà"; tăng cường công tác xử phạt các trường hợp vi phạm… Qua kiểm tra, các quận, huyện, thị xã cho thấy hoạt động lễ hội, cơ sở tín ngưỡng đã dừng hoạt động; người dân cơ bản thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người; các nhà hàng đảm bảo giãn cách… 
 
Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết đã kiểm tra một số trường nghề, trung tâm giáo dục về công tác phòng, chống dịch và các điều kiện để chuẩn bị đón học sinh, sinh viên quay lại trường học. Sở đã đề nghị các nhà trường tuân thủ đúng quy định phòng, chống dịch như: phun khử khuẩn lớp học, vệ sinh môi trường, lớp; chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư; máy đo thân nhiệt…
 
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Thành phố đã nỗ lực kiểm soát tình hình, đến nay, 14/18 địa điểm phong tỏa đã được dỡ bỏ. Nếu trong tuần không phát sinh diễn biến mới sẽ dỡ phong tỏa những điểm còn lại theo đúng quy định. Giám đốc Nguyễn Khắc Hiền cũng đề nghị các địa phương chịu trách nhiệm và chỉ đạo tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng" giám sát chặt chẽ công dân từ địa phương có dịch về. Các bệnh viện chủ động xét nghiệm cho cho cán bộ và bệnh nhân có có nguy cơ cao. Giám đốc Sở Y tế cũng kiến nghị thành phố chỉ đạo nhà máy, công trường, Cảng vụ Hàng không miền Bắc… chủ động kinh phí trong công tác xét nghiệm.
 
Các địa phương khác có ca dương tính với SARS-CoV-2 sẽ ảnh hưởng đến Hà Nội 
 
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương trên cả nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh song vẫn xuất hiện ca lây nhiễm ngoài cộng đồng như tại Hải Phòng mới đây. "Khi các địa phương khác có ca dương tính thì Hà Nội hầu hết sẽ bị ảnh hưởng do Hà Nội là Trung tâm giao thương, người dân về làm việc, công tác đông… Mặc dù, thành phố đã cố gắng nhưng khó để kiểm soát 100%". Chính vì vậy, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch thành phố đề nghị các địa phương căn cứ vào công văn chỉ đạo thành phố, yêu cầu của Trung ương thực hiện nghiêm túc về công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, theo phản ánh của báo chí, "Vẫn còn hiện tượng quán bia hơi mở cửa bán hàng và không đảm bảo giãn cách, đặc biệt vẫn ngồi tràn ra vỉa hè... Về việc này, chúng ta phải quán triệt thật sâu sắc. Tránh việc cả thành phố nỗ lực cố gắng nhưng để xảy ra vì những vi phạm nhỏ ảnh hưởng đến việc chung". Thời gian tới, nếu nới lỏng một số hoạt động thì cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý. "Chúng ta tháo lỏng các yêu cầu này thì phải siết chặt các yêu cầu khác trong phòng, chống dịch bệnh", đồng chí Chử Xuân Dũng lưu ý. Đồng thời, yêu cầu BCĐ các địa phương, quan tâm và thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách nghiêm túc. 
 
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch đề nghị Sở Y tế chỉ đạo CDC phối hợp BCĐ các địa phương rà soát kỹ lưỡng các cơ sở đang phong tỏa và căn cứ vào kết quả xét nghiệm, khoa học để có thể nới lỏng, thu hẹp hoặc tháo bỏ tùy theo đánh giá về mức độ an toàn. Tiếp tục xây dựng kế hoạch cho việc mở rộng xét nghiệm. Cụ thể, sau khi xét nghiệm người từ vùng dịch tỉnh Hải Dương và các địa phương khác, cần tiếp tục xét nghiệm tại các cơ sở, khu vực bệnh viện, phòng khám, khu cách ly tập trung. 
 
Sở Y tế triển khai quy trình công tác quản lý và khai báo y tế trên nền tảng hướng dẫn của Bộ Y tế; các địa phương tiếp tục chỉ đạo hoạt động của tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng"; chủ động thông tin tuyên truyền để người dân nắm bắt kịp thời công tác phòng, chống dịch cũng như vấn đề sinh hoạt của các tổ chức cá nhân, các đối tượng tung tin sai sự thật để xử phạt hợp lý…
 
Đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Đến nay, thành phố đã bước sang ngày thứ 7 không ghi nhận ca dương tính, vì vậy, thành phố tính đến việc tháo gỡ dần các biện pháp hạn chế. Để làm được việc này, các Sở, ngành cần có kế hoạch đối với đơn vị của mình, trong đó, đánh giá đầy đủ về nguy cơ, từ đó đề xuất giải pháp để các cơ sở kinh doanh quay trở lại hoạt động… 

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t