Cải cách hành chính: Tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách địa phương (09:57 16/02/2021)


HNP - Nhiệm kỳ 2021-2025, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục là một trong những nội dung được Đảng bộ thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm với mục tiêu hướng tới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.  

Người dân làm thủ tục tại bộ phận Một cửa quận Bắc Từ Liêm


Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính

Nhiều năm qua, công tác CCHC luôn được Thường trực Thành ủy, trực tiếp là đồng chí Bí Thư Thành ủy và các đồng chí lãnh đạo Thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, sâu rộng từ thành phố đến cơ sở nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.


Bước sang nhiệm kỳ mới, công tác cải cách hành chính tiếp tục giữ vai trò quan trọng và được đưa vào ngay tại Chương trình số 01 của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025”.


Tại Hội nghị lần thứ Hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra ngày 28/11/2020, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã xin ý kiến về chủ đề năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đã được các đại biểu thảo luận với sự nhất trí cao.


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ phân tích: Chủ đề trước hết nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Bên cạnh đó, hiện nay, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã có, 2021 là năm đầu thực hiện nên phải hành động với tinh thần đổi mới, sáng tạo và tư duy phát triển.


“Tư duy phát triển không phải “quyền anh, quyền tôi” mà là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền nhằm phát huy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các tập thể, cá nhân”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngay sau khi chủ đề công tác năm được đưa ra, nhiều cấp, nhiều ngành, cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện. Tiêu biểu như HÐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó, xác định nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. UBND thành phố đã yêu cầu từng ngành, từng cấp rà soát lại từng công việc, đầu việc, nhiệm vụ, phân công, phân nhiệm cụ thể để có kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2021.

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút nhà đầu tư chiến lược

Cùng với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, năm 2020, Thành phố tiếp tục tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư; đồng thời, cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh thành phố Hà Nội (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của thành phố Hà Nội (SIPAS).

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết TTHC. Tích cực triển khai ứng dụng, phát triển CNTT, tăng cường triển khai DVCTT mức độ 3, 4. Thành phố đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử giữa các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố Hà Nội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, xây dựng TTHC liên thông điện tử giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trong thực hiện DVCTT mức độ 3, 4. Tính đến 30/11/2020, Tổng số TTHC đủ điều kiện để triển khai DVCTT mức độ 3, 4  của Thành phố là 1.685 TTHC; tổng số DVCTT mức 3, 4 của Thành phố đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là: 1.685/1.685 TTHC (bao gồm các DVCTT của Bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai), đạt tỷ lệ 100%, trong đó, DVCTT mức độ 3 là: 1.217 TTHC; DVCTT mức độ 4 là: 468 TTHC.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố tiếp tục được duy trì thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Thành phố đã ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố Hà Nội và có hiệu lực từ 14/10/2020. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố qua dịch vụ bưu chính công ích và qua DVCTT, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và giảm đi lại của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đặc biệt trước tình hình dịch bệnh Covid-19.

Chỉ số CCHC của thành phố Hà Nội năm 2019 (công bố năm 2020) tiếp tục xếp hạng rất cao, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục ổn định và duy trì thứ hạng cao của năm 2018. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố (SIPAS) đạt trên 80%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của UBND thành phố Hà Nội. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, đây là năm thứ 2 thành phố Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI. Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm. Đây là động lực quan trọng để tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách địa phương trong những năm tiếp theo.


Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t