Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiệm vụ năm 2021 (19:36 12/01/2021)


HNP - Sáng 12/01, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020 và giai đoạn 2016-2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch phát triển ngành TT&TT giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị.

Đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội


Cùng dự có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ TT&TT cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội.
 
Năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, ngành TT&TT tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. 3 đột phá chiến lược ngành được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong ngành và đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, chương trình chuyển đổi số quốc gia với "mục tiêu kép" là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam đã lan tỏa từ Trung ương đến địa phương. Báo chí đã khẳng định được vai trò vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phản ánh dòng chảy của xã hội Việt Nam, góp phần tạo đồng thuận niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam.
 
Về các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước, thứ hạng của Việt Nam trong các lĩnh vực bưu chính, ứng dụng ICT, chỉ số phát triển ICT, chính phủ điện tử, an toàn an ninh mạng trong các bảng xếp hạng quốc tế đã có những bước tiến mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 50 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (CGI) trên 175 quốc gia được khảo sát, tăng 50 hạng so với năm 2017.
 
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực bưu chính đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao (35%/năm). Tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet tăng gần 3 lần trong 5 năm qua, đạt 75%, cao hơn mức trung bình của thế giới 1,3 lần (57,4%). Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã chính thức vượt ngưỡng trung bình của thế giới vào năm 2020, đạt 76,42 thuê bao băng rộng/100 dân. Trong lĩnh vực CNTT, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước trong năm 2020 đã cao hơn cả 4 năm trước cộng lại, tăng hơn 20 lần so với năm 2016. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm 30,86% vào năm 2020 so với mức 1,42% năm 2016…
 
Riêng năm 2020, số cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn an ninh mạng theo mô hình 4 lớp tăng từ 0 lên 100%. Tỷ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa tăng gần 7 lần, đạt gần 91% so với mức 13,6% năm 2016. Bộ TT&TT đã thực hiện quy hoạch báo chí theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, triển khai sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí. Mạng xã hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, cạnh tranh với các mạng xã hội quốc tế như Zalo, Mocha, Lotus, Gapo tăng gấp 3 lần so với năm 2016; số lượng tài khoản người dùng đạt hơn 90,5 triệu…
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
 
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, toàn nhân loại đang bước vào một không gian sống mới, di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số - một sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử. Trong sự chuyển đổi chưa từng có này, công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng. 
 
Nhận định về con đường phát triển phía trước của ngành, của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới, không chỉ của Ngành mà là của đất nước và của cả thế giới. Năm 2021 còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm (2021-2025) để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, là năm đầu của giai đoạn 25 năm để Việt Nam năm 2045 trở thành nước phát triển, định hướng Xã hội chủ nghĩa. Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số… Từ những nhận thức mới và tầm nhìn mới, Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trong ngành TT&TT cụ thể hoá thành các chương trình hành động…
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao kết quả công tác của ngành TT&TT trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng đã điểm lại những thành tựu nổi bật của đất nước trong năm qua, đặc biệt là kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế (2,9%) trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành TT&TT, sự đóng góp của lực lượng trực tiếp làm CNTT đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm ra các ứng dụng, giải pháp giám sát, truy vết phòng, chống dịch Covid-19; làm chủ các sản phẩm giải pháp an toàn, an ninh mạng; sản xuất thiết bị mạng 5G....
 
Về quá trình chuyển đổi số, Phó Thủ tướng phân tích, lĩnh vực viễn thông trước tăng trưởng rất cao, nhưng năm 2020 chỉ tăng 0,3%, cho thấy nếu không đổi mới mạnh mẽ hơn thì không những không tận dụng được cơ hội, mà nhiều ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, chính những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ sẽ phải tiên phong tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ.
 
Từ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong ngành Y tế thời gian qua, bên cạnh việc đánh giá cao một số địa phương đã có những bước tiến đầu tiên trong thực hiện chuyển đổi số, chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý về cách triển khai chuyển đổi số nên theo 2 hướng là từ trên xuống và từ chỗ khó khăn nhất... Trong đó, việc chuyển đổi số dựa trên nền tảng chung sẽ tiết kiệm chi phí, đồng thời, giúp quá trình triển khai nhanh hơn vì một khi toàn dân cùng ứng dụng thì xã hội sẽ thay đổi hoàn toàn. Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp CNTT tham gia các chương trình của Bộ TT&TT, dựa trên yêu cầu thực tiễn để có những nền tảng, sản phẩm không chỉ phục vụ trong nước, mà còn vươn ra thế giới.
 
Nhân dịp này, Bộ TT&TT đã chính thức công bố nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí; khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108.
 
Hoạt động nổi bật của ngành TT&TT Hà Nội năm 2020
 
Năm 2020, Sở TT&TT TP Hà Nội đã triển khai thử nghiệm mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (mạng 5G) trên địa bàn thành phố; chuyển đổi IPv6 cho các cơ quan Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2020-2023; lắp đặt wifi miễn phí tại các điểm công cộng, điểm du lịch miễn phí; cổng Dịch vụ công thành phố cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố.
 
Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng đối với hệ thống CNTT của thành phố được triển khai đồng bộ. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, Bộ TT&TT và quốc tế về xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh. Triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố. Tham mưu lãnh đạo thành phố triển khai hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đưa vào hoạt động hiệu quả Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo; phê duyệt và triển khai thực hiện "Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025". 
 
Tích cực triển khai các hoạt động phục vụ Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội. Triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát thông tin trên mạng xã hội, loại bỏ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng.

 


Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t