Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính (15:31 04/12/2020)


HNP - Chiều 4/12, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác tài chính năm 2020; định hướng phối hợp công tác năm 2021 và những năm tiếp theo. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Vương Đình Huệ và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu buổi làm việc


Cùng chủ trì có các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy. 
 
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính; lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo...; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
 
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội nghị, trong bối cảnh Thành phố đang hoạch định kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công giai đoạn 5 năm 2021-2025. Ngoài ra, Thành phố cũng đang triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị và Nghị quyết về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù... "Những việc này rất cần sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, trong đó nòng cốt là Bộ Tài chính" - Bí thư Thành ủy nói.
 
Hà Nội kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố lên trên mức 35%
 
Trình bày báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ Tài chính và thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính với thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đều hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách Trung ương giao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 1.187.619 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, đóng góp 26,7% vào GRDP của Thành phố và chiếm 19% tổng thu ngân sách toàn quốc. Riêng năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của Hà Nội ước thực hiện 279.359 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán.
 
Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh báo cáo tại hội nghị
 
Về chi ngân sách, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội ước thực hiện 383.011 tỷ đồng, có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7 - 8%/năm và có tỷ lệ so với GRDP là 8,6%. Chi ngân sách đã bám sát dự toán, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bố trí chi thường xuyên ở mức hợp lý, ưu tiên nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Đáng chú ý, Hà Nội đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán Trung ương giao và trong điều hành ngân sách là 16.000 tỷ đồng để có nguồn bổ sung cho đầu tư phát triển.
 
Trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách ngay từ quý I/2020 và các phương án cân đối ngân sách các cấp; chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp, vừa đảm bảo kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành tài chính, ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, vừa đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, góp phần thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
 
Hà Nội và Bộ Tài chính cũng đã phối hợp có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giá, phí và lệ phí; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, quản lý tài sản công và mua sắm tập trung; công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước. Đáng chú ý, Hà Nội đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ công tin. Thành phố đã đơn giản hoá được 12 thủ tục hành chính lĩnh vực này; triển khai kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đối với 249 dịch vụ công trực tuyến, góp phần giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch. 
 
Tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội đề xuất Bộ Tài chính tháo gỡ 31 vấn đề cụ thể thuộc 5 nhóm công việc: Tài chính ngân sách; quản lý, thẩm định về giá; sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và quản lý tài sản công; sắp xếp, cổ phần hoá và quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập... Trong đó, Thành phố đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, ban hành thêm các giải pháp, chế tài xử lý vi phạm, chậm trễ trong công tác quyết toán dự án hoàn thành; nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 72/2017/TT-BTC theo hướng để các Ban Quản lý dự án chuyên ngành tự thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi phù hợp với cơ chế tự chủ của đơn vị; nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn nội dung ứng vốn Quỹ phát triển đất của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án cấp bách, cấp thiết cần triển khai sớm...
 
Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng phương án giá tiêu thụ nước sạch để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho địa phương. Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia về lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng để Thành phố phối hợp triển khai thực hiện như: Tài sản công, thu chi ngân sách, giá cả thị trường, danh mục dùng chung...

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t