Các doanh nghiệp logistics cần tận dụng tối đa hạ tầng để phát triển hiệu quả (19:49 26/11/2020)


HNP - Chiều 26/11, tại Khách sạn Melia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chuyên đề: "Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội". Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn logistics Việt Nam năm 2020.

Các đại biểu tham dự hội thảo


Theo công bố Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2020, Việt Nam có hệ thống hạ tầng logistics đa dạng với đường sắt, đường biển, đường bộ, đường không và nhiều hệ thống kho bãi… giúp cho ngành logistics có thể phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, về đường sắt, cả nước có 7 tuyến chính và 12 tuyến nhánh với 3.143km với 277 ga. Trong năm 2020, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp cùng với các công ty vận tải cân đối nguồn để sửa chữa, nâng cấp kho bãi phục vụ vận tải kịp thời. Đối với hệ thống hạ tầng cảng biển, Việt Nam có 45 cảng biển trài dài từ Bắc vào Nam, chia thành 6 nhóm cảng, tổng công suất thông qua đạt khoảng 600 - 650 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vận tải biển trong nước và quốc tế. Về hệ thống giao thông đường thủy nội địa cũng giúp ích nhiều cho việc vận chuyển hàng hóa, năm 2019, hàng hóa được chuyển qua đường này đạt 303,4 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 19,66% toàn ngành. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông hàng không cũng phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2020, cả nước có 22 cảng hàng không có hoạt động bay dân sự với khoảng 70 hãng hàng không quốc tế và nhiều hãng hàng không nội địa khai thác thương mại đi và đến Việt Nam. Doanh thu vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam cũng đạt hiệu quả cao.
 
Để ngành logistics phát triển mạnh, việc đầu tư xây dựng Trung tâm logistics cũng được triển khai mạnh mẽ. Năm 2020, nhiều trung tâm logistics được khởi công xây dựng và vận hành trên cả nước. Trong đó, có những trung tâm được xây dựng và phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt ở cấp quốc gia, vùng, địa phương như: Trung tâm vận chuyển và kho vận khu vực Bắc miền Trung, Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics Khu kinh tế Đông Nam… 
 
Tại Hà Nội, thành phố dự kiến đầu tư xây dựng mới Cảng cạn Hoài Đức với quy mô 17,75ha; cảng cạn Gia Lâm quy mô 47,2ha; Trung tâm logistics hạng I quy mô 50ha tại huyện Sóc Sơn và Trung tâm logistics hạng II quy mô 22ha, tại huyện Phú Xuyên. Bên cạch đó, UBND TP Hà Nội đã xem xét, định hướng phát triển cảng cạn kết hợp với Cảng đường thủy Khuyến Lương; chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án (quy mô 46ha); 9 dự án khác cũng đang được các nhà đầu tư nghiên cứu với tổng diện tích 160ha… Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khác như Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bình Thuận... cũng đang nghiên cứu để xây dựng các Trung tâm logistics để đáp ứng nhu cầu của ngành cũng như phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng.
 
Về dịch vụ kho bãi, hiện nay, 57,3% doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cung cấp dịch vụ kho bãi. Đây tiếp tục là một trong các dịch vụ được được cung cấp chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Vấn đề được quan tâm hiện nay là công nghệ quản lý kho và vốn đầu tư phát triển kho bãi để đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà sản xuất và xuất nhập khẩu, nhất là kho đông lạnh và dây chuyền cung ứng hàng đông lạnh. Bởi vì các doanh nghiệp đa phần vẫn chỉ cung cấp dịch vụ kho bãi thường, các kho bãi chất lượng cao, kho đông lạnh, kỹ thuật cao vẫn còn hạn chế.
 
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
 
Từ việc nghiên cứu hạ tầng ngành logistics Việt Nam, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc cao cấp, Thị trường Việt Nam, JLL chia sẻ: Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về ngành logistics trong những năm gần đây. Có được điều này do hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, cộng với việc Việt Nam có vị trí địa lý quan trọng, là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa lớn trên thế giới. Ngành logistics Việt Nam cũng có cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai do việc Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương và mới đây nhất là EVFTA và do đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, đầu tư ở Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để ngành logistics phát triển. 
 
Tin tưởng vào sự phát triển mạnh của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới, tuy nhiên, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Cảng Quốc tế Long An cho rằng Chính phủ cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để đầu tư đồng bộ hạ tầng logistics, từ đó, thúc đẩy ngành phát triển. Để làm được điều này, Chủ tịch Cảng Quốc tế Long An kiến nghị Chính phủ cần thành lập Ủy ban chỉ đạo phát triển logistics cấp quốc gia; hoàn thiện hành lang pháp lý về logistics và Trung tâm logistics; Có chính sách ưu đãi cụ thể để hỗ trợ các trung tâm logistics phát triển vươn tầm khu vực… 
 
Từ góc độ người làm công tác quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang Phạm Công Toản chia sẻ: Việc quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa phân định kinh doanh dịch vụ logistics với hạ tầng logistics; chưa có sự liên hệ chặt chẽ về mặt chính sách từ chủ trương, mục tiêu đến hành lang pháp lý; chưa phát huy hết được ưu thế về hạ tầng logistics. Do đó, cần có cơ chế chính sách cụ thể quy định về phát triển hạ tầng logistics như về: quy định về thủ tục đất đai, trình tự thủ tục chấp thuận đầu tư; trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của chủ đầu tư hạ tầng logistics…
 
Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo. Nhấn mạnh rằng các ý kiến đã làm rõ các thực trạng đang diễn ra trong ngành logistics Việt Nam. Do đó, các ý kiến sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các doanh nghiệp logistics. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng mong rằng các doanh nghiệp logistics sẽ tận dụng tốt các lợi thế về hạ tầng logistics Việt Nam để mở rộng phát triển, thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t