Góp ý dự thảo Quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn (14:14 12/11/2020)


HNP - Sáng 12/11, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn; khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính. Đồng chí Bùi Trường Giang, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị. 

Quang cảnh hội nghị


Cùng tham dự hội nghị có đại biểu Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Trung tâm chính trị cấp huyện 10 tỉnh, thành phố; đại diện sở, ban, ngành của thành phố...

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong những năm qua, một trong các mô hình hoạt động thành công của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng của Đảng bộ Hà Nội là mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện. Hiện nay, thành phố Hà Nội có 30 trung tâm chính trị quận, huyện, thị xã. Hằng năm, các Trung tâm chính trị toàn thành phố phối hợp mở trên 2.200 lớp với trên 350.000 lượt học viên cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên để trang bị lý luận chính trị cơ bản, phổ biến kiến thức mới, hướng dẫn nghiệp vụ công tác. Nhiều cán bộ, đảng viên qua đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm chính trị cấp huyện đủ tiêu chuẩn, điều kiện về phẩm chất, năng lực, tác phong, được tín nhiệm tham gia cấp ủy các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống trung tâm chính trị trên địa bàn Hà Nội còn bộc lộ những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
 
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trước yêu cầu ngày càng cao của quá trình đào tạo đòi hỏi hệ thống trung tâm chính trị của Hà Nội, cũng như của cả nước phải có bước phát triển toàn diện mạnh mẽ, hướng đến chuẩn hóa các trung tâm để đảm nhận tốt các nhiệm vụ, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị: “Quy định tiêu chí Trung tâm chính trị cấp huyện và quy trình công nhận Trung tâm chính trị cấp huyện chuẩn” và “Khung chương trình sơ cấp lý luận chính trị giảng dạy tại Trung tâm chính trị cấp huyện” nhằm thu thập các ý kiến góp ý, xây dựng các quy định tiêu chuẩn về tổ chức, bộ máy các trung tâm chính trị, đáp ứng nhu cầu tình hình mới.
 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang cho biết: Sau khi xây dựng dự thảo quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn cũng như khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị-hành chính, Ban Tuyên giáo Trung ương đã gửi Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan liên quan và các chuyên gia xin ý kiến. Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành khảo sát tại 06 tỉnh, thành phố, trực tiếp lắng nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận về dự thảo Quy định tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn; khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị-hành chính. Đến nay, việc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện hai văn bản nêu trên đã được hoàn tất.
 
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn các đại biểu góp ý hoàn thiện hơn nữa 2 văn bản, góp phần nâng cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của trung tâm chính trị cấp huyện trong bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Tại hội nghị, 14 ý kiến trao đổi, thảo luận đã nêu rõ nhận định về nội dung các dự thảo, góp ý cụ thể về các thiêu chí, tiêu chuẩn và khối lượng, nội dung khung chương trình... Các ý kiến đồng tình với ý kiến góp ý của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, cần có những quy định mang tính đặc thù. Đối với khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính, đại biểu cho rằng, dự thảo khung chương trình khá nặng, thậm chí còn nặng hơn cả chương trình đào tạo Trung cấp chính trị hiện hành. Có ý kiến đề nghị giảm 42 tiết, còn lại 208 tiết.
 
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang cho rằng, dự thảo Quy định về tiêu chí và quy trình công nhận Trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn đã được xây dựng trên cơ sở rà soát hơn 700 Trung tâm chính trị cấp huyện cả nước. Trong đó, các tiêu chí về cơ sở vật chất đặt ra là mức tối tiểu, căn cứ vào đó, các địa phương vận dụng, thực hiện tuỳ thuộc vào năng lực đầu tư công của mình. Đồng chí cũng nhất trí sẽ rà soát lại dự thảo Khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính theo hướng giảm tải như các ý kiến tại hội nghị, tinh thần là gói gọn trong vòng 1 tháng.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t